Xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường
Với hành vi đổ trộm dầu nhớt phế thải gây ô nhiễm nguồn nước nhà máy nước sạch Sông Đà, pháp luật nước ta có quy định xử lý như thế nào?
Xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường
Với hành vi đổ trộm dầu nhớt phế thải gây ô nhiễm nguồn nước nhà máy nước sạch Sông Đà, pháp luật nước ta có quy định xử lý như thế nào?
Dầu nhớt sau sử dụng là chất nhờn đen, đặc quánh không tan, chứa những kim loại nặng cực độc. Do đó, dù với mục đích gì đi chăng nữa thì hành vi thải dầu nhớt chưa qua xử lý ra môi trường sẽ gây ô nhiễm và ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe con người. Đây là hành vi vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm, tùy vào tính chất của hành vi mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Theo Điều 19 Nghị định 155/2016/NĐ-CP (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường), hành vi gây ô nhiễm đất, nước, không khí; gây ô nhiễm môi trường kéo dài, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có thể bị phạt tiền tới 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức.
Người thực hiện hành vi vi phạm buộc phải khôi phục tình trạng môi trường ban đầu hoặc phục hồi môi trường theo quy định, thực hiện các biện pháp khắc phục và chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc, phân tích mẫu môi trường.
Về trách nhiệm hình sự, theo Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, hành vi gây ô nhiễm môi trường có thể bị phạt tù lên tới 7 năm, phạt tiền lên tới 3 tỷ đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1 - 5 năm đối với cá nhân. Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi gây ô nhiễm môi trường có thể bị phạt tiền lên tới 20 tỷ đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định 1 - 3 năm, hoặc có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Về trách nhiệm bồi thường dân sự, Điều 602 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi".
Xem thêm