Yếu tố sống còn của an ninh, an toàn nguồn nước

08/11/2019 | 408 |
 

Đúng một tuần sau khi nước do Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) cung cấp phục vụ hàng vạn hộ dân tại Hà Nội có mùi “khét” lạ, cơ quan chức năng mới xác định được nguyên nhân rõ ràng. Mùi “khét” này là do nước đã bị nhiễm chất styren với hàm lượng cao từ 1,3 - 3,65 lần so với tiêu chuẩn cho phép kết hợp với mùi clo làm sạch nước

 

Đúng một tuần sau khi nước do Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) cung cấp phục vụ hàng vạn hộ dân tại Hà Nội có mùi “khét” lạ, cơ quan chức năng mới xác định được nguyên nhân rõ ràng. Mùi “khét” này là do nước đã bị nhiễm chất styren với hàm lượng cao từ 1,3 - 3,65 lần so với tiêu chuẩn cho phép kết hợp với mùi clo làm sạch nước. Nguyên nhân là do khu vực nước đầu nguồn tại khe núi ở xã Phú Minh (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) bị đổ trộm dầu thải, sau đó chất thải này đã chảy lan ra suối rồi chảy vào hồ Đầm Bài - là hồ chứa nước để cấp cho Nhà máy nước mặt sông Đà. Dù nguyên nhân đã được làm rõ và hiện Viwasupco cùng các cơ quan chức năng của Hà Nội đang nỗ lực khắc phục hậu quả, nhưng rõ ràng sự việc này đã gây đảo lộn rất lớn cuộc sống của hàng vạn hộ dân tại nhiều quận, huyện của Hà Nội. 

Không chỉ vì thiếu nước sinh hoạt do Viwasupco tạm dừng cấp nước (để súc xả toàn bộ hệ thống và xử lý) mà người dân còn tiếp tục sống trong sự hoang mang, âu lo cho sức khỏe của bản thân và những người thân vì đã có không ít ngày phải sử dụng nước có nhiễm styren.

Những tổn hại về mặt sức khỏe và vật chất do hàng vạn hộ dân sau một tuần sử dụng nước nhiễm styren là khó có thể đong đếm, thống kê được hết. Tuy vậy, có một sự thiệt hại, mất mát hiển nhiên dễ dàng nhận thấy, đó chính là sự mất mát, suy giảm niềm tin của người dân, cộng đồng xã hội vào Viwasupco cũng như nhiều cơ quan chức năng của Hà Nội. Nước bị ô nhiễm nhưng các cơ quan liên quan đã chậm trễ, phản ứng thiếu kịp thời trong xử lý. Điển hình là việc Viwasupco ngay từ ngày 8-10 đã phát hiện có váng dầu từ khe núi chảy vào suối và lan tới kênh dẫn nước của Nhà máy nước mặt sông Đà, nhưng đã không có bất cứ báo cáo nào với cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình và TP Hà Nội. Hệ quả là váng dầu đã chảy vào hệ thống phân phối nước sinh hoạt, đến các hộ dân tại nhiều quận, huyện ở Hà Nội. Đây là hành vi kinh doanh vô cảm, coi thường sức khỏe, tính mạng của người dân - những người đã trả tiền mua nước cho Viwasupco.

Chắc chắn tới đây những hành vi sai phạm, vô trách nhiệm sẽ bị cơ quan chức năng làm rõ và xử lý nghiêm minh, nhưng rõ ràng qua sự việc này vấn đề đặt ra là công tác bảo vệ an ninh, an toàn nguồn nước của chúng ta còn rất lỏng lẻo và cũng phải nói rằng may mắn ở sự việc lần này là dầu thải bị đổ trộm chứ không phải hóa chất, hay chất độc. Nếu đó là asen, cyanua, thủy ngân thì hậu quả sẽ vô cùng khủng khiếp. 

Nước sạch sinh hoạt có ý nghĩa sống còn đối với cuộc sống con người, là nhu cầu sử dụng thiết yếu hàng ngày, hàng giờ đối với bất cứ ai nên an ninh, an toàn nguồn nước nếu không được đảm bảo thì hệ quả trực tiếp là tính mạng, sức khỏe và cuộc sống của người dân bị đe dọa. Thực tế cho thấy, không chỉ có nguồn nước sạch sông Đà đang bị xâm hại, đe dọa bởi ô nhiễm mà còn rất nhiều sông ngòi trong cả nước, cho tới các nguồn nước ngầm ở nhiều tỉnh, thành phố cũng đã và đang bị ô nhiễm bởi những tác động của con người trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước khá dồi dào với hàng ngàn sông suối lớn nhỏ khác nhau. Thế nhưng, qua đánh giá của các bộ, ngành chức năng thì hầu hết các dòng sông và khu vực nước đầu nguồn đều trong tình trạng bị ô nhiễm do nhiều nguyên nhân. Để khắc phục, giải quyết được tình trạng buông lỏng quản lý, gây mất an ninh, an toàn nguồn nước đòi hỏi cần phải có những biện pháp đồng bộ, có tính hệ thống và thực hiện kiên quyết, thường xuyên. Trong đó, trước mắt, các bộ, ngành chức năng cần sớm sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, nguồn nước; tăng cường quản lý chặt chẽ các lưu vực sông suối, bảo vệ rừng và nguồn thủy sinh, đồng thời đầu tư hệ thống giám sát các hoạt động khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước theo hướng xã hội hóa việc quan trắc lưu lượng, chất lượng nước. Song song đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước đến mọi người dân và doanh nghiệp, xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường.


Tin tức liên quan

Bình luận