Người nông dân đang thiếu gì?

26/03/2019 | 366 |

VH - Xây dựng nông thôn mới là vấn đề thiết thực, đang được nông dân cả nước quan tâm. Tuy nhiên, còn nhiều việc phải làm ở phía trước, nhưng thực tế tại các đơn vị cơ sở như cấp xã, huyện... đang đặt ra rất nhiều khó khăn.

Cụ thể như: công tác quy hoạch, xây dựng các đề án, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị… nhưng tựu trung khó khăn cơ bản nhất là sự vào cuộc của người dân. Tất cả các phương án từ quy hoạch, xây dựng đề án đến các chủ trương đều phải cụ thể hóa trong thực tế, nghĩa là người dân phải vào cuộc.

 

Nông dân còn mơ hồ…

Tại một số địa phương, nhận thức của nhân dân về nông thôn mới vẫn còn những hạn chế, thậm chí lệch lạc. Đa phần nông dân còn hiểu mơ hồ về mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Một bộ phận nông dân hiểu mơ hồ nông thôn mới là làm cho chính quyền, nhà nước, không phải cho mình, họ sợ phải đóng góp công sức, tiền bạc để xây dựng các hạng mục.

Một bộ phận khác hiểu nông thôn mới là cuộc cách mạng nông thôn, là đổi mới nông thôn theo hướng hiện đại, nhưng hiểu rất máy móc, không thực chất, thậm chí phát ngôn sai “nông thôn mới” thành “nông thôn đổi mới”.

Những từ “hiện đại”, “hiện đại hóa” xuất hiện nhiều trong các bài tuyên truyền đang làm cho nông dân có phần khó hiểu và mang tâm lí không tin sức mình làm được. Thực tế, tại một số vùng nông thôn, công tác xây dựng nông thôn mới còn khó khăn vì quy hoạch mới chồng lên quy hoạch cũ, một số hạng mục như hội quán, đường giao thông xây dựng trước khi có bộ tiêu chí quốc gia nay đã không phù hợp, phải mở rộng.

Trong khi khó khăn lại càng khó khăn vì đời sống của người dân đang còn thấp, các cơ sở hạ tầng đa phần do người dân tự đóng góp, xây dựng, tình trạng giá đất ngày càng có giá trị ảnh hưởng lớn đến công tác giải phóng mặt bằng, việc hiến đất…

Những thực tế này đặt ra cho công tác tuyên truyền về những nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi phải đa dạng hóa cách thức, đổi mới phương pháp tuyên truyền và linh hoạt hơn nữa với từng địa phương, từng dân tộc cụ thể.

Khi truyền đạt cán bộ xã, thôn chưa chỉ rõ được bản chất nông thôn mới

Nếu người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của nông thôn mới thì việc xây dựng nông thôn mới là không có gì khó khăn. (Bà Nguyễn Thị Nhung, thị trấn Can Lộc, Hà Tĩnh)

Công tác tuyên truyền lâu nay vẫn chủ yếu tập trung ở việc tuyên truyền về bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, mục đích cuộc cách mạng là nhằm hiện đại hóa nông thôn. Hình thức tuyên truyền đã vận dụng hầu hết các phương tiện: đài truyền hình, phát thanh, báo chí, các cuộc hội, họp.

Tuy vậy, các thông tin đến với người dân để cho dân hiểu thực chất cuộc cách mạng vẫn chưa nhiều (vì đọc báo trên mạng thì người nông dân ít có điều kiện, ở vùng sâu, vùng xa nay vẫn trông chờ vào các tờ báo Văn Hóa, Nông thôn ngày nay,...

Cũng có nhiều bài người dân tự đọc và học đến thuộc cả báo. Ngay những tin bài (gồm cả những bài nói về các điển hình việc nhường đất, nhường đường) trên các báo, người dân rất ít khi được biết.

Người dân đang thiếu những nhà phân tích thực sự để họ hiểu về nông thôn mới, trong khi tuyên truyền hiệu quả nhất là tuyên truyền trực tiếp. Chủ trương xây dựng nông thôn mới đang triển khai đa phần theo trình tự từ tỉnh - huyện – xã – thôn/ xóm.

Mấu chốt là ở bí thư, xóm trưởng, trong khi sự tiếp thu và cách truyền đạt của những người này đang rất hạn chế (ngay cả cán bộ một số ban, ngành ở xã cũng đang hiểu mơ hồ về nông thôn mới). Đây là khâu yếu để người dân hiểu bản chất của nông thôn mới.

Muốn công tác truyên truyền đạt hiệu quả cao hơn, các cấp ủy, chính quyền cần xác định chủ trương xây dựng nông thôn mới là bắt đầu từ những việc làm thiết thực, cụ thể, chứ chưa phải là những mục tiêu xa vời như hiện đại hóa, cách mạng hóa, công nghệ hóa...

Đó là việc chỉnh trang lại nhà cửa, các công trình và điều kiện sinh hoạt như bếp nấu, hệ thống điện chiếu sáng, nước sinh hoạt, nhà vệ sinh, sửa sang lại vườn tược, cổng ngõ, giữ vệ sinh môi trường.

Tức là, xây dựng nông thôn mới người đầu tiên được lợi là nông dân nông thôn. Trước hết mỗi gia đình phải tự nâng cao ý thức để tạo cho mình một môi trường sinh hoạt tiện lợi, thoáng đãng, sạch đẹp.

Hơn thế, công tác tuyên truyền cũng phải chú trọng tới việc tuyên truyền để người dân năng động, sáng tạo trong việc học nghề, tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập. Vấn đề này không tách khỏi vai trò của đảng ủy, chính quyền cấp xã trong việc thể hiện ý thức trách nhiệm đối với người dân, với việc hoàn thành sứ mệnh mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đảng ủy, chính quyền cấp xã phải năng động, sáng tạo trong việc huy động nguồn lực từ nhân dân để từng bước tiến hành xây dựng các tiêu chí.

Bắt đầu từ tâm lý người dân: Lợi ích thiết thực, việc làm cụ thể

Hiện nay, nhìn chung, người dân đang thiếu những người hiểu biết thực sự về nông thôn mới và có phương pháp tốt để phân tích cho họ hiểu, do đó, thiết nghĩ cần phải tăng cường đội ngũ này. Hiệu quả từ dự án IMPP khi mà nhân viên dự án về tận các thôn xóm phân tích tuyên truyền để người dân hưởng ứng, tham gia là một minh chứng.

Nông thôn mới thực sự đang cần đội ngũ chuyên gia về phân tích. Xin được nêu ví dụ: Trong thời gian từ 15 – 26.8.2011, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh tổ chức lớp tập huấn cán bộ nguồn bí thư Đoàn xã, GS.TS Mộc Quế - Viện trưởng Viện Khoa học Quản trị Doanh nghiệp Tp Hồ Chí Minh được mời giảng dạy chuyên đề, phân tích về thực chất cuộc cách mạng nông thôn mới. Các học viên rất hứng thú và đã “vỡ lẽ” nhiều điều (rất thiết thực chứ không phải cao xa).

Học viên Nguyễn Thị Nhung - thị trấn Can Lộc hồ hởi cho biết: “Nếu người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của nông thôn mới như lời GS.TS Mộc Quế phân tích thì việc xây dựng nông thôn mới là không có gì khó khăn”.

Tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới đòi hỏi phải tiến hành nhiều phương pháp, nhiều cách làm. Thế nhưng, dầu cách làm nào, thiết nghĩ cũng phải nắm vững tâm lý của người dân là ưa những lợi ích thiết thực và thích được tham gia vào những việc cụ thể. Người dân thường quan tâm đến sự cụ thể và lợi ích. Có dẫn chứng cụ thể, có lợi ích thiết thực, người dân sẽ hăng hái, nhiệt tình tham gia dù đó là đóng góp vật chất, ngày công hay hiến đất, nhường đường.


Tin tức liên quan

Bình luận