Cán bộ xã “ăn“ hàng tấn... lợn tai xanh

26/03/2019 | 447 |

Liên tục từ tháng 8/2012 đến hết tháng 12/2012, người dân hai thôn Thanh Chiểu và Phú Thịnh, xã Phú Cường (Ba Vì - Hà Nội) gửi nhiều đơn thư tố cáo các cán bộ của xã xem thường dịch bệnh, thiếu trách nhiệm gây thiệt hại lớn về kinh tế cho nhân dân.

Liên tục từ tháng 8/2012 đến hết tháng 12/2012, người dân hai thôn Thanh Chiểu và Phú Thịnh, xã Phú Cường (Ba Vì - Hà Nội) gửi nhiều đơn thư tố cáo các cán bộ của xã xem thường dịch bệnh, thiếu trách nhiệm gây thiệt hại lớn về kinh tế cho nhân dân.

 Nghiêm trọng hơn, lợi dụng dịch lợn tai xanh, các cán bộ xã và cán bộ chuyên môn đã khai khống số lợn tiêu huỷ để chiếm đoạt tiền nhà nước; tiêu huỷ lợn bệnh không đảm bảo vệ sinh môi trường, gây bất bình trong dư luận.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Theo đơn thư phản ánh của các công dân cá nhân và tập thể và qua “thị sát” vùng quê nghèo ven sông Hồng, từ đầu tháng 4/2012 đến gần cuối tháng 5/2012, tại địa bàn xã Phú Cường (Ba Vì - Hà Nội) bị đợt dịch lợn tai xanh. Các gia đình của hai thôn là Thanh Chiểu và Phú Thịnh đã gặp và báo cáo với chính quyền xã về dịch bệnh để chính quyền và Ban thú y có hướng xử lý giải quyết, khoanh vùng dịch bệnh phòng ngừa lây lan.

Đến ngày 19/5/2012, sau nhiều cuộc họp, xã mới thông báo và thành lập ban bệ để tiêu hủy lợn dịch bệnh. Tổng số bị tiêu hủy “hợp pháp” là 34 tấn. Nhưng quá trình tiêu hủy lợn dịch cũng như việc hỗ trợ thiệt hại ở xã Phú Cường gặp làn sóng phản đối dữ dội của nhân dân.

Trước tiên là việc tiêu hủy: Số lợn bị tiêu hủy chỉ được xác nhận sau ngày 19/5/2012. Nếu tính thời điểm từ ngày đó trở đi thì chỉ được 60% số lợn bệnh được công nhận tiêu hủy (tức được tiền hỗ trợ), số lượng 40% còn lại số lợn chết trước trong cùng một đợt, xã lại không công nhận để hỗ trợ thiệt hại cho dân là điều hết sức phi lý. Nhiều người thiệt hại tới hàng trăm triệu đồng, có những trang trại nuôi nhiều, thiệt hại tới hàng tỷ đồng.

Việc cân đong, đo đếm xác nhận số lợn chết sau ngày 19/5/2012 có nhiều khuất tất. Cụ thể, có những hộ số lượng lợn thực tế bị tiêu hủy thì ít nhưng lại khai nhiều; vô lý và trắng trợn hơn, có nhiều hộ không nuôi con nào, “bỗng dưng” lại có tên trong danh sách lợn bị tiêu hủy để... lấy tiền hỗ trợ. Những đối tượng này nằm trong Ban tiêu hủy là những cán bộ, đảng viên (hoặc người nhà cán bộ xã, thôn) của xã Phú Cường.

Ví như ở thôn Thanh Chiểu có các “công bộc” là “anh hùng chăn nuôi”: Trần Văn Toàn - dân quân xã, khai khống 465 kg; Lê Thị Bình (vợ Bí thư chi bộ) 158kg; Nguyễn Thị Phượng (vợ cán bộ địa chính xã) 459kg; Nguyễn Văn Xuân (người nhà Trưởng thôn) 380kg; Nguyễn Văn Tươi (em Trưởng thôn) 507kg; Bùi Quý Chuyên (chồng Trưởng xóm) 250 kg; Đỗ Trọng Kim - Phó Chủ nhiệm HTX 578 kg; Trần Thị Oanh (vợ Phó Công an xã) 195 kg; Hoàng Đình Bắc (Công an viên) 670 kg; Nguyễn Văn Thọ (chồng của Chủ tịch Hội Phụ nữ xã) 303 kg; Trương Lạc Hồng (Công an viên) 340 kg.

Đối với thôn Phú Thịnh, ở xóm 2 khai khống “đầu bảng” là Nguyễn Hữu Thường với 3.287 kg; Trần Thị Doanh 972,5 kg; Vũ Ngọc Thế 436 kg; Hứa Đức Toản 365,5 kg; Nguyễn Hữu Lương 198,5 kg; Vũ Văn Đích 172 kg...

Chưa thống kê hết các trường hợp gian trá, mới chỉ “điểm mặt” một số ở hai thôn Thanh Chiểu và Phú Thịnh, đã có gần chục tấn lợn dịch “ma” được khai man để chiếm đoạt tiền nhà nước. Nếu chính quyền và Ban Thú y xã Phú Cường (Ba Vì) thực hiện hỗ trợ cho các hộ có lợn bị dịch bệnh một cách dân chủ, công khai, đúng luật thì tại sao ngày 9/11/2012, xã thông báo trên loa truyền thanh trả tiền hỗ trợ, dân phát giác, “bóc mẽ” những hành vi “đánh lận con đen”, xã lại phải dừng phát tiền hỗ trợ?.

Mời người dân có đơn thư tố cáo, kiến nghị lên để giải trình, chất vấn vào ngày 29/11/2012, Chủ tịch xã Ngô Văn Loát không cho người dân xem Quyết định tiền hỗ trợ; không công bố văn bản xác minh của Tổ công tác xem có “đúng người, đúng lợn dịch”, vậy lý do là gì?. Thiết nghĩ, chính quyền huyện Ba Vì cũng như các cơ quan có thẩm quyền giải quyết liên quan đến vụ việc lợn tai xanh phải làm rõ và kiên quyết xử lý những sai phạm của một số cán bộ xã Phú Cường; bồi thường thiệt hại cho dân và thu hồi số lượng lớn tiền khuất tất...

Không chỉ “tiếp tay” cho các đối tượng “ăn theo” dịch lợn tai xanh, việc tiêu hủy của chính quyền xã Phú Cường - theo phản ánh của dân là bừa bãi, không đúng quy định. Với hàng chục tấn lợn dịch được chôn ở bãi cát ven sông Hồng - nơi dòng nước lưu thông về Hà Nội và vùng Đồng bằng Bắc bộ, chắc chắn là rất ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện cho bệnh dịch phát tán. Phòng Tài nguyên - Môi trường Ba Vì cần “lật lại” sự đã rồi này để có chính kiến cần thiết.

Đ.Dũng - Đ.Phượng

Theo phapluatvn


Tin tức liên quan

Bình luận