Bệnh “ngộ chữ”

26/03/2019 | 417 |

Trước và sau kỳ thi đại học, nhiều bệnh viện đã tiếp nhận các trường hợp học sinh được gia đình đưa tới khám và chữa bệnh do “ngộ chữ”. Vậy bệnh “ngộ chữ” thực chất là gì? Phát hiện, phòng và điều trị thế nào?

Trước và sau kỳ thi đại học, nhiều bệnh viện đã tiếp nhận các trường hợp học sinh được gia đình đưa tới khám và chữa bệnh do “ngộ chữ”. Vậy bệnh “ngộ chữ” thực chất là gì? Phát hiện, phòng và điều trị thế nào?

Theo cách hiểu của dân gian, từ xa xưa đã nói đến một loại bệnh do học nhiều dẫn đến ngộ chữ. Người ta chỉ quan sát qua hiện tượng sinh hoạt và gắn cho nó một cái tên như vậy. Khi một người phải học nhiều, nhất là học để thi lên lớp, chuyển cấp hoặc vào các trường dạy nghề (trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học…) có thể dẫn đến những rối loạn tâm thần.

Những yếu tố nguy cơ

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã định nghĩa sức khỏe gồm 3 phần: Sức khỏe thể chất (sức khỏe cơ bắp và các cơ quan ngoại, nội, tạng); sức khỏe tâm thần (hoạt động chức năng tâm lý như cảm giác, tri giác, cảm xúc tư duy, hành vi trí nhớ, trí năng...) và sức khỏe xã hội (nghĩa là nói đến môi trường sống). Trong hoạt động tâm thần (tâm lý) hai quá trình hưng phấn, ức chế phải đảm bảo thăng bằng, nếu vì một lý do nào đó làm cho hưng phấn quá tăng thì cơ thể tự điều chỉnh và ức chế bớt lại, hoặc bị ức chế quá mức thì cơ thể lại điều chỉnh phải bớt ức chế và hưng phấn trở lại.Nghĩa là hai quá trình hưng phấn và ức chế phải luôn đảm bảo cân bằng hài hòa, có như vậy mọi hoạt động tâm thần mới diễn ra một cách bình thường. Vấn đề này liên quan rất nhiều đến sức khỏe tâm thần (vai trò hoạt động tâm lý) của mỗi cá thể. Đối với những người có sức khỏe tâm thần bình thường có thể tự thích ứng và điều chỉnh được.

Học sinh trong mùa thi cử phải học rất nhiều, thời gian ngủ rất ít, có đêm chỉ vài giờ, thậm chí thức trắng đêm, ăn uống rất ít do không muốn ăn, trí não lại làm việc quá nhiều. Thêm vào đó, trong đầu luôn lo lắng nếu không đỗ thì sẽ ra sao? ông bà, cha mẹ, họ hàng, bạn bè, người yêu, v.v... sẽ coi thường mình như thế nào? rồi tương lai, tiền đồ sẽ đi về đâu?... Một loạt vấn đề đặt ra càng làm cho các sĩ tử vô cùng căng thẳng (stress).

Những vấn đề trên là yếu tố nguy cơ rất cao phát sinh ra bệnh rối loạn cảm xúc mà chủ yếu là rối loạn trầm cảm (thường phát sinh sau vài tuần thi cử hoặc sau khi nhận được kết quả thi không như mong muốn.

Các triệu chứng chủ yếu của rối loạn trầm cảm

Người bệnh có biểu hiện giảm khí sắc, buồn chán, bi quan, mệt mỏi; giảm chú ý, khó tập trung, giao tiếp chậm chạp, luôn tự cảm thấy xấu hổ, tủi nhục, bất hạnh. Một số trường hợp kết tinh thành hoang tưởng tự buộc tội là nguyên nhân dẫn đến tự sát; người bệnh giảm hoạt động, không muốn tham gia bất cứ việc gì, nằm, ngồi một chỗ, có khi không muốn tự chăm sóc bản thân. Hay rối loạn giấc ngủ, chán ăn, đôi khi từ chối ăn. Thường lo âu, ám ảnh vô cớ, nghi bệnh đau mỏi khắp mọi nơi, tức ngực, khó thở, hay nôn khan, táo bón,v.v... Có thể suy kiệt nhanh dẫn đến tử vong.

Tóm lại, có 3 triệu chứng chính là: khí sắc trầm; mất quan tâm thích thú và giảm năng lượng, dễ mệt dù chỉ một cố gắng nhỏ.

 

 Hình ảnh các tế bào thần kinh.

Các triệu chứng thường gặp

kèm theo

Giảm sút sự tập trung và chú ý; giảm sút tính tự trọng, tự tin; có ý tưởng bị tội, không xứng đáng; nhìn vào tương lai ảm đạm; ý tưởng hành vi tự hủy hoại hoặc tự sát; rối loạn giấc ngủ; ăn ít ngon miệng...

Trong bệnh trầm cảm lại có tới 13 loại thể bệnh khác nhau do sức đề kháng và thích ứng khác nhau của mỗi người, nguyên nhân sinh bệnh có thể giống nhau nhưng biểu hiện thì mỗi người có thể lại bị một loại thể khác nhau như: thể trầm cảm suy nhược, thể vật vã, thể trầm cảm mất cảm giác tâm thần, thể trầm cảm với hoang tưởng tự buộc tội, thể trầm cảm loạn khí sắc, thể trầm cảm sững sờ, thể trầm cảm lo âu, thể trầm cảm với hoang tưởng mở rộng, thể trầm cảm paranoid, thể trầm cảm rối loạn cơ thể và thực vật, thể trầm cảm loạn cảm giác bản thể, thể trầm cảm ám ảnh, thể trầm cảm nghi bệnh...Vấn đề điều trị cần phải phát hiện sớm, điều trị sớm, chăm sóc hợp lý. Nếu bệnh nhẹ, cần được tư vấn, sau đó được điều trị ngoại trú có thể khỏi hoàn toàn. Nếu bệnh nặng cần phải điều trị nội trú tích cực bằng thuốc, kết hợp với tâm lý trị liệu...

Tóm lại, học nhiều (nhất là vào mùa thi) do ngủ ít, ăn ít, lo lắng nhiều, đầu óc luôn căng thẳng (stress)... là các yếu tố nguy cơ cao gây ra bệnh trầm cảm. Cần được phát hiện sớm và đến đúng địa chỉ (thầy thuốc chuyên khoa tâm thần) để được điều trị kịp thời, đúng phương pháp, bệnh sẽ khỏi hoàn toàn.

Như vậy, stress do phải học nhiều, quá tải là một yếu tố nguy cơ cao có thể dẫn tới căn bệnh trầm cảm chứ không phải là ngộ chữ. 

 PGS.TS. BS. Trần Văn Cường

Theo SKĐS


Tin tức liên quan

Bình luận