Lộ trình nào cho văn hóa di sản?

26/03/2019 | 405 |

Sau 3 năm liên tiếp Việt Nam có hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đệ trình và được UNESCO vinh danh, tôn vinh là di sản thế giới, năm 2012 sẽ không có thêm một hồ sơ di sản Việt Nam nào được đệ trình UNESCO xét vinh danh. Đây chính là "khoảng lặng" cần thiết để chúng ta nhìn lại công tác bảo tồn, phát huy những di sản thế giới đã được UNESCO vinh danh, ghi nhận và lên "lộ trình" cho những di sản sẽ đệ trình UNESCO trong nay mai.

 

Ba năm sau khi được UNESCO vinh danh, đầu năm 2012 câu chuyện văn hóa được nhiều báo chí đề cập đến là việc việc Tỉnh Bắc Ninh tổ chức sự kiện 3.500 người hát quan họ tại hội Lim (Tiên Du, Bắc Ninh) nhằm lập kỷ lục “Nhiều người hát quan họ nhất”. Một cuộc tranh luận dậy sóng làng văn hóa đã làm nổ ra trong giới chuyên môn.

Các chuyên gia, các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, lập kỷ lục không phải là cách bảo tồn di sản đúng cách, không đúng với tiêu chí của UNESCO. Bởi nói như của GS Ngô Đức Thịnh, ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, Ủy viên Hội đồng Di sản phi vật thể của UNESCO thì văn hóa quan họ là văn hóa của gia đình, dòng họ, làng xã, là thủ thỉ tình cảm của liền anh liền chị đối đáp trao duyên chứ không phải là thứ mang ra quảng trường, bắc loa thùng hát oang oang, như thế chỉ làm hỏng hội Lim, "biến thái" di sản...

Câu chuyện về kỷ lục về hát quan họ đồng ca ở hội Lim chỉ là một trong chuỗi những câu chuyện liên quan đến việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể. Còn nhớ thời điểm Cồng chiêng Tây Nguyên được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể (2005). Nhà nước đã bỏ ra nhiều tỉ đồng để tổ chức lễ hội festival cồng chiêng Tây Nguyên song chất lượng và hiệu quả thì gần như không đáng kể.

Nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Bùi Trọng Hiền chia sẻ: Tôi nhớ thời điểm tổ chức festival đồng bào được huy động tối đa đứng dàn hàng cầm cồng chiêng chỉ để biểu diễn ghi hình, còn thực chất tiếng cồng chiêng là được số hóa bằng nhạc mới trên máy điện tử thu âm sẵn của người kinh. Bảo vệ cồng chiêng không cần phải khuếch trương, ủang bá một cách đại chúng vừa tốn tiền nhưng lại thiếu thực tế, nếu nói đó là cách bảo tồn và phát huy thì rất phản văn hóa di sản. nhưng lại kthực tế như vậy. Nếu muốn bảo tồn một cách thực sự thì cần phải chia nhỏ từng hạng mục bảo vệ và chia thành từng trọng điểm cần hoành thành trong một khoảng thời gian nhất định. Đặc biệt là ưu tiên chính sách bảo vệ các nghệ nhân. Năm ngoái tôi có trở lại Tây Nguyên thì thấy rằng, đội ngũ những người còn mặn mà với cồng chiêng đang mai một dần.

Tại Đắc Nông thì có tổ chức vài buổi ghi hình thu lại những đội nghi thức cồng chiêng xong có băng đĩa rồi lại thôi. Nhà nước cũng chi tiền mua cồng chiêng để phát cho đồng bào song thật sự là họ không có nhiều cơ hội để sử dụng. Các nghệ nhân trở về đời thường với miếng cơm manh áo, lại đi đốt rừng làm lẫy… Rừng mất, kinh tế khó khăn, người đi làm công nhân thủy điện, người đi làm thuê các nông trường Bô-xít, rồi tín ngưỡng thay đổi, họ không theo các phong tục tập quán cũ mà đi theo đạo tin lành thì họ không sử dụng cồng chiêng như một nhạc cụ đặc trưng dân tộc để cúng nước, cúng Giàng mà sử dụng làm nhạc cụ phục vụ cho những buổi hát thánh ca...

Theo thời gian khi các nghệ nhân già mất đi, những người trẻ thì không còn mặn mà với cồng chiêng nữa thì các giá trị mai một. Bây giờ tìm được người chỉnh chiêng giỏi cũng khó như đãi cát tìm vàng vì không được phát huy và dạy nghề. Điều này một phần họ không tự ý thức giữ gìn văn hóa di sản, một phần chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng để giữ họ ở lại với văn hóa truyền thống.

Vậy trước vấn nạn Bảo tồn di sản đang có nguy cơ “Đánh trống bỏ dùi”, các cấp quản lý nói chung các nhà chuyên môn và cộng đồng di sản sẽ phải làm thế nào để sau ngày được vinh danh vẫn bảo tồn được các giá trị cũ mà vẫn phát huy được các giá trị văn hóa ấy vào đời sống đương đại? Có rất nhiêu ý kiến cho rằng, để làm được điều này, cần sự góp sức của cả cộng đồng từ cả phía các nhà quản lý, các cấp lãnh đạo và cả những cư dân trong vùng văn hóa di sản.

Năm 2012 cũng chính là năm bản lề đối với di sản thế giới “Ca trù người Việt”Bởi theo quy định mới của UNESCO, sau bốn năm di sản được vinh danh, quốc gia thành viên phải báo cáo về “sức sống” của di sản cũng như công tác bảo tồn, phát huy di sản. Lẽ dĩ nhiên, bên cạnh việc thống kê, kiểm kê di sản, với tư cách là Quốc gia thành viên Công ước 2003 về bảo tồn, phát huy di sản phi vật thể của UNESCO, Việt Nam phải báo cáo những hoạt động đã thực hiện, đang triển khai trong chương trình hành động quốc gia đã cam kết với UNESCO khi đệ trình xét vinh danh những di sản này. Trung tuần tháng 5.2012, Viện Âm nhạc - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành kiểm kê, thống kê di sản Ca trù với 15 tỉnh thành trên cả nước để chuẩn bị, hoàn thiện bản báo cáo này.

Bên cạnh đó, với những di sản thế giới thuộc danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấpcủa UNESCO như Ca trù người Việt, Hát Xoan Phú Thọ con đường để thoát khỏi tình trạng khẩn cấp, chuyển sang danh sách Di sản đại diện của nhân loạicần cả một lộ trình dài hơi. Vì thế, công tác bảo tồn, phát huy di sản sau khi được UNESCO vinh danh thực sự cần sự đồng thuận của cộng đồng nghệ nhân, chủ thể di sản cũng như “chất xám” của các nhà khoa học, quản lý văn hóa. Lẽ dĩ nhiên, Chương trình hành động quốc gia mà chúng ta cam kết với UNESCO khi đệ trình xét vinh danh di sản chính là “kim chỉ nam” cho công tác bảo tồn, phát huy di sản. Nhưng thực tế, di sản vẫn luôn “tự vệ” hay “sống” trong đời sống đương đại với nhiều thách thức, biến thể khác nhau cần sự đánh giá từng giai đoạn nhất định để hoạch định “lộ trình” lâu dài cho di sản phát huy giá trị.

 

Giáo sư Hoàng Chương (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc Việt Nam) chia sẻ: Khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới thì điều kiện tiên quyết của việc bảo tồn là phải giữ được nguyên dạng và phát huy những giá trị không thay đổi ấy. Tôi đã nhiều lần sang Nhật Bản để xem và nghiên cứu kịch Nô, một di sản văn hóa phi vật thể đã tồn tại và phát triển 800 năm tại Nhật và lần nào tôi đi xem cũng phải xếp hàng mua vé trước. Điều khiến tôi khâm phục là tại đây công tác bảo tồn, phát huy di sản được người ta làm rất giỏi nên thường những đêm diễn kịch Nô không chỉ du khách nước ngoài đi xem mà có rất nhiều khán giả là người bản xứ. Họ tới để xem một loại hình kịch nguyên bản từ 800 trước với tinh thần cầu thị, mê say đầy háo hức. Ngoài ra, họ còn phát triển một loại hình kịch mới xuất phát từ kịch Nô là Kamuki và ai muốn thì cũng có thể tới xem loại kịch mới này ở một đêm diễn khác. Tôi thấy ở Việt Nam, những di sản văn hóa phi vật thể khi đã được UNESCO công nhận thì thường phát triển lên ở một cấp cao hơn, rộng rãi hơn nhưng ngược lại, nó mất đi tính nguyên bản từ dân gian. Chẳng hạn, hát quan họ thường chỉ là lời thủ thỉ của liền anh liền chị trong một môi trường diễn xướng nhỏ hẹp thì chúng ta lại đưa ra một không gian rộng lớn để chị lấy cái đại cục, số lượng thì đã làm mất đi cái duyên, cái bản chất của quan họ. Tôi có nhiều người bạn là những người nước ngoài yêu văn hóa dân gian Việt Nam và thường thì họ không thích xem biểu diễn văn hóa dân tộc ở những sân khấu lớn nhưng lại thích quốc bộ vài kilômét đường đất, đường rừng, len lỏi vào những ngóc ngách của làng quê để thưởng thức một vài nét văn hóa dân gian nguyên bản.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy (Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia) thì khẳng định rằng có nhiều vấn đề trong công tác bảo tồn di sản trong đó, theo ông, có hai vấn đề quan trọng: Trước hết là nâng cao nhận thức về cách tiếp cận và bảo tồn trong chính cộng đồng. Không ai khác, chính cộng đồng sẽ là những người đầu tiên sẽ giữ gìn và phát huy các giá trị của di sản và thứ hai là đưa di sản vào nhà trường với khẩu hiệu “di sản là cuộc sống ở xung quanh chúng ta”. Hai điều này đã được Trung tâm nghiên cứu và phát huy các giá trị di sản văn hóa, nơi ông đang công tác và tổ chức các dự án bảo tồn di sản thực hiện có hiệu quả trong đợt tổ chức Hội Gióng (Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội) vừa qua. Ông cho biết: Trước khi diễn ra ngày Hội Trung tâm đã kết hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã tổ chức một buổi giao lưu, thảo luận, tập huấn với cộng đồng tại xã Phù Đổng về các phương thức tổ chức và thay vì họ chỉ đến xem Hội thì chính cộng đồng sẽ làm nên ngày Hội. Họ đã tổ chức viết các slogan (khẩu hiệu) và chọn ra 5 slogan tốt nhất để làm chủ đề cho các poster (áp phích quảng cáo) treo tại lễ hội. Không chỉ thế, các poster đó đã được in ra thành 5000 bản để tặng các hộ gia đình lưu giữ làm kỷ niệm như một cách để giới thiệu cho con cháu về truyền thống. Các đĩa DVD về ngày Hội, trong đó nhấn mạnh về những công việc của cộng đồng dân cư tại Phù Đổng đang khẩn trương chuẩn bị cho ngày Hội cũng như giải thích cặn kẽ lịch sử, tín ngưỡng của ngày Hội Gióng được in ấn và phát miễn phí. Sau ngày Hội cũng cùng với lời khen ngợi từ các cấp quản lý, Ban quản lý Hội Gióng đã tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm để tổ chức tốt những lần sau…

Theo www.cand.com.vn

 


Tin tức liên quan

Bình luận