NSND Mai Tư- Người nghệ sĩ tài hoa

26/03/2019 | 395 |

Buổi tối ngày 16/6/2012 bầu trời phía tây Thanh Hoá bỗng nhiên rực sáng không chỉ bởi ánh đèn muôn sắc màu, không chỉ bởi cờ hoa ngào ngạt của hàng vạn người về đây dự hội mà còn bởi hồn thiêng của các bậc tiền nhân cũng đã cùng tụ hội và loé sáng sau hơn nửa thiên niên kỷ chìm trong những khối đá vô tri. Đó là buổi lễ đón Bằng công nhận di sản văn hoá Thế giới Thành nhà Hồ do UNECO trao tặng.

NSND Mai Tư- Người nghệ sĩ tài hoa

Buổi tối ngày 16/6/2012 bầu trời phía tây Thanh Hoá bỗng nhiên rực sáng không chỉ bởi ánh đèn muôn sắc màu, không chỉ bởi cờ hoa ngào ngạt của hàng vạn người về đây dự hội mà còn bởi hồn thiêng của các bậc tiền nhân cũng đã cùng tụ hội và loé sáng sau hơn nửa thiên niên kỷ chìm trong những khối đá vô tri. Đó là buổi lễ đón Bằng công nhận di sản văn hoá Thế giới Thành nhà Hồ do UNECO trao tặng.

 

 

     NSND Mai Tu- Nguoi nghe si tai hoa

 

 

 Thành nhà Hồ -  một kiến trúc đá cổ độc nhất vô nhị ở Việt Nam đã chính thức được đánh dấu trên bản đồ di sản văn hoá thế giới, đó là niềm tự hào kiêu hãnh của người dân Việt Nam nói chung và người dân Thanh Hoá nói riêng. Đã hơn 600 năm qua, Thành nhà Hồ uy nghi thách thức với thời gian, nhưng vẫn chỉ như cô gái đẹp miền sơn cước, mãi mãi lặng thầm toả sáng nơi thôn dã. Đêm 16/6/2012. đêm đón nhận Bằng Di sản cũng là đêm để cả nhân dân việt nam, nhân dân toàn thế giới biết đến một Thành nhà Hồ với bao kỳ tích và huyền thoại. Bằng chương trình biểu diễn nghệ thuật chào mừng sự kiện trọng đại đó, bằng ngôn ngữ nghệ thuật tái hiện lại việc xây thành nhà Hồ, các nghệ sĩ đã mang đến cho người xem không chỉ là một bữa tiệc văn hoá tinh thần mà còn là sự giải mã những kỳ tích mà tổ tiên ta đã làm nên, tôn vinh được công lao vĩ đại của  ông cha ta, khẳng định được một di sản xứng tầm với thế giới, đó là công sức tổng hợp của những người làm nghệ thuật nhưng trên hết phải kể đến người tổng đạo diễn của chương trình. Người đã biến ngôn ngữ văn chương thành hình ảnh sống động đưa người xem được trở về trong quá khứ hào hùng của dân tộc. Người đó là nghệ sĩ ND Mai Tư.

            Gặp anh trong căn phòng làm việc của Sở văn hoá TT& DL sau những ngày anh vật lộn với nắng gió tháng 5 để chỉ đạo tập luyện cho chương trình nghệ thuật “Thành nhà Hồ- Niềm tự hào đất Việt”. Trông anh vẫn còn sạm đen vì nắng, nhưng vẫn rất phong độ của người làm công tác quản lý. Anh là Phó giám đốc Sở Văn hoá Thể thao & Du lịch tỉnh Thanh Hoá. Với 16 năm làm phó giám đốc Sở, anh thực sự rất có phong thái của một nhà lãnh đạo. Song, thật bất ngờ nếu gặp anh nơi sàn diễn, hoặc nơi anh đang chỉ đạo những chương trình nghệ thuật lớn. Ở đó ta gặp một Mai Tư hoàn toàn khác, một Mai Tư nghệ sĩ, phong trần bụi bặm với quần bò áo phông, mũ vải, giày thể thao, chạy ngược chạy xuôi, la hét khản cổ với từng động tác của các diễn viên, một Mai Tư dân dã hoà đồng, cởi mở với mọi người, một Mai Tư suy tư đắm chìm trong sáng tạo nghệ thuật. Mặc nắng cháy, mưa rơi, hay gió rét, nghệ sĩ Mai Tư vẫn phơi mình trên trường tập uốn nắn cho từng vai diễn, từng khung cảnh đẹp nhất của sân khấu. Anh nói: “ Lao động nghệ thuật, là một lao động cật lực và phải cháy hết mình thì mới mang lại được thành quả như mong muốn. Ở đây không cho phép sự qua loa hời hợt, bởi như vậy là coi thường công chúng”. Có lẽ hiểu được điều đó, mà ngay từ khi còn là diễn viên, cho tới khi là người chỉ đạo nghệ thuật, anh luôn làm việc nghiêm túc và hết mình.

Sinh ra và lớn lên ở vùng biển Hậu Lộc, Thanh Hoá, nơi gắn liền với  cái tên Hanh Cát, Hanh Cù trong bài thơ “ Mẹ Tơm” của Tố Hữu. Tuy gia đình thuần nông, nhưng từ nhỏ Mai Tư đã được tắm trong lời ru, tiếng hát ngọt ngào của người mẹ, và tiếng trống chầu diễn tuồng mê hoặc của người cha, nên dòng máu nghệ thuật đã sớm nảy sinh trong anh. Có chút năng khiếu lại cộng thêm một tâm hồn lãng mạn nên anh đã dự thi và trúng tuyển vào trường SKĐA Việt Nam năm 1972.

            Sau khi tốt nghiệp trường sân khấu điện ảnh khóa III cùng với những diễn viên tên tuổi trong làng sân khấu điện ảnh, anh trở về Thanh Hoá năm 1977 và trở thành diễn viên  của đoàn kịch nói Thanh Hoá. Năm 1982 anh đã được bổ nhiệm làm phó trưởng đoàn rồi trưởng đoàn. Song chẳng có vở diễn nào mà anh lại không đóng vai chính, không đêm diễn nào lại thiếu vắng sự góp mặt của anh. Anh nói đùa bảo “Tôi là diễn viên kiêm trưởng đoàn, chứ không phải trưởng đoàn kiêm diễn viên”. Bởi làm trưởng đoàn nhưng anh không nề hà bất cứ việc gì cần thiết cho một đêm diễn. Với tính cách năng động của mình anh đã học thêm cả những nghiệp vụ khác như âm thanh, ánh sáng, kể cả lái xe, để nếu có sự cố gì xảy ra trong đêm diễn thì anh vẫn có thể giải quyết được. Bởi những năm 80 của thế kỷ trước, đất nước còn rất khó khăn về kinh tế, nên một đoàn kịch nói địa phương cũng không tránh khỏi những thiếu thốn về vật chất.

            Chỉ trong vòng 5 năm, 1990- 1995 anh đã giành được 3 Huy chương vàng Quốc gia cho các vai diễn: Vai kỹ sư Dũng trong vở “ Người cộng sản của tôi” năm 1990, vai ông Sang trong vở “ Kẻ sát nhân lương thiện” năm1993 ,  và vai Đại trong “ Những thiên thần ra trận” năm 1995. Ngoài ra trong thời gian anh làm Phó giám đốc Sở văn hoá, với vai trò phụ trách nghệ thuật anh đã trực tiếp chỉ đạo nghệ thuật, cố vấn nghệ thuật nhiều vở diễn cho các đoàn đi tham dự hội diễn và gặt hái được những thành công đáng kể như vở “ Bí sử chốn thâm cung”, vở “ Hùng khí sông Lương” đoạt HCB tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1999; vở “ Xuý Vân” đoạt giải xuất sắc tại liên hoan nghệ thuật Chèo toàn quốc tại Quảng Ninh năm 2001; Vở “ Lời thề trinh nữ” đoạt huy chương vàng do Bộ VH,TT &DL tặng năm 2003; vở “ Người trong cát” đoạt giải A do Hội nghệ sĩ sân khấu VN tặng; vở “ Sám hối” đoạt HCV do Bộ VH,TT& DLtặng năm 2006; vở “ Cuộc chiến không khoan nhượng” đoạt HCB do Bộ VH,TT& DL và Bộ Công an tặng năm 2010.

            Tuy đã rời khỏi sàn diễn để chuyên tâm làm một người lãnh đạo cấp Sở, nhưng cái máu nghệ sĩ vẫn luôn bừng bừng trong anh,  bởi vậy mà trong thời gian làm phó giám đốc Sở anh vẫn luôn trau dồi chuyên môn bằng cách chỉ đạo nghệ thuật cho các đoàn, và nắm giữ vai trò là một tổng đạo diễn cho những chương trình nghệ thuật lớn mang tầm cỡ quốc gia.  

             Có lẽ từ hơn chục năm trước đây công chúng xứ Thanh đã biết đến cái tên Mai Tư, người tổng chỉ đạo nghệ thuật luôn được xướng lên trong các dịp lễ hội lớn, các chương trình nghệ thuật phục vụ các sự kiện văn hoá chính trị. Ngoài sự quy mô hoành tráng, những màn biểu diễn điêu luyện rất đẹp mắt, đã để lại cho người xem những ấn tượng không dễ phai mờ.

Năm 1998 bắt đầu bằng việc tổ chức lễ hội Lam Kinh lần thứ nhất, nghệ sĩ Mai Tư đã tạo được uy tín của mình, sau đó anh liên tiếp được Tỉnh giao phó đảm trách những chương trình nghệ thuật lớn phục vụ các sự kiện văn hoá chính trị. Và thành công lại đến với anh khi chương trình chào thiên niên kỷ mới năm 2000 được truyền hình trực tiếp trên cầu truyền hình, tạo nên niềm hứng khởi đối với công chúng xứ Thanh trong cái đêm đất trời chuyển giao đầy linh thiêng đó. Từ đó đến nay  anh liên tục là người chỉ đạo những chương trình phục vụ lễ kỷ niệm ngày sinh các anh hùng dân tộc như lễ hội Lam Kinh, lễ hội Lê Hoàn, 120 năm khởi nghĩa Ba Đình, 65 năm chiến khu Ngọc Trạo, các chương trình phục vụ cho du lịch và văn hoá như “Lễ hội 100 năm Sầm Sơn”, “ Sầm sơn nơi gặp gỡ những sắc màu văn hoá”…. Các chương trình đều để lại dấu ấn về một phong cách dàn dựng riêng của Mai Tư. Và đáng kể nhất là năm 2010, năm có nhiều sự kiện lịch sử, văn hoá, anh đã trực tiếp làm tổng đạo diễn đến 4 chương trình nghệ thuật, mà chương trình nào cũng tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong lòng người xem. Đó là chương trình kỷ niệm 45 năm Hàm Rồng chiến thắng mang tên “ Hàm Rồng- bản hùng ca bất tử”, Lễ hội Lam Kinh, màn sân khấu tái hiện “Lê Lợi hoàn gươm” được tổ chức ở Hồ gươm Hà Nội vào đêm 2/10 phục vụ cho lễ hội “Nghìn năm Thăng Long”, Đêm đại lễ hội đón chào 1000 anh hùng và mẹ VNAH mang tên “ Thăng Long - Hồn thiêng sông núi” tại Trung tâm hội nghị Quốc gia. Trong một năm anh phải gồng mình vật lộn với cả trí óc và sức lực để hoàn thành cả 4 chương trình như vậy, quả là một điều đáng nể. Chả thế mà nhà văn, đại tá Chu Lai người luôn viết kịch bản cho các chương trình của anh đã phải thốt lên khâm phục: “ Hẳn Mai Tư phải là con người bằng thép thì mới chịu được những áp lực và cực nhọc như vậy”. Ngay trong  thời gian này anh đã được Ban chỉ đạo Trung ương Đảng trao giải thưởng tổng đạo diễn xuất sắc về 3 năm sáng tác VHNT theo tư tưởng đạo đức HCM, giải thưởng trị giá 20 triệu đồng. Song, theo anh giải thưởng lớn nhất là anh đã tạo được một niềm tin đối với lãnh đạo các cấp và công chúng Thanh Hoá nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.

Các chương trình nghệ thuật phục vụ lễ hội thường mang một không gian lớn, với hàng trăm diễn viên chuyên nghiệp và hàng nghìn diễn viên quần chúng. Thật không phải dễ để có thể điều khiển và vận hành một cách nhịp nhàng với những diễn viên chuyên và không chuyên như vậy. Song, với Mai Tư, anh thường tâm sự: “Không có gì là quá khó khi mình có cái tâm với nghề, yêu nghề thì mình sẽ hết lòng vì nó”. Nhận một chương trình, bao giờ anh cũng nghiên cứu khá kỹ càng tất cả các lĩnh vực có liên quan, ngoài việc trao đổi và đề xuất những ý tưởng mới với nhà biên kịch, anh còn nghiên cứu sách báo, tìm tòi học hỏi những bậc lão thành trong nghề để tạo nên những hình ảnh đắt nhất, tiêu biểu nhất mà anh bảo đó là dấu ấn. Ví dụ như: Trong chương trình lễ hội Lam Kinh chỉ cần hình tượng Lê Lai chết đứng dưới làn tên giặc để liều mình cứu chúa, và Lê Lợi khẳng khái tuyên bố tha tội chết cho tàn quân Minh trở về nước cũng đủ nói  hết cái tầm vĩ đại của những người anh hùng dân tộc Việt Nam. Hình ảnh Bác Hồ trong đêm chào mừng thiên niên kỷ mới năm 2000 đã gây một ấn tượng mạnh đối với người xem, cứ như Bác vẫn cùng đón giao thừa và đọc thơ chúc tết như những năm nào. Công chúng Xứ Thanh hẳn đã xúc động đến rơi nước mắt khi  được xem những hình ảnh về người chiến sĩ hải quân nhảy xuống dòng sông nước xiết để gỡ thuỷ lôi trước sự mặc niệm của đồng đội. Em bé Nam Ngạn cố gắng đem những quả dừa lên trận địa pháo cao xạ cho các chú bộ đội trong làn mưa bom của giặc Mỹ, và em chỉ kịp nói: Dừa của các chú đây, rồi lặng lẽ hy sinh. Chỉ những hình ảnh vậy thôi cũng đủ nói lên sự vĩ đại về một cuộc chiến tranh nhân dân đã từng diễn ra nơi Hàm Rồng Nam Ngạn cách nay đã gần nửa thế kỷ.

Với bao năm thành công trong các vai diễn và đạo diễn, nhưng anh không chịu dừng lại ở những gì đã quen thuộc. Chính vì thế trong những màn sân khấu của anh luôn bật lên những nét mới mẻ tạo được sức hấp dẫn người xem. Anh bảo: “ Kịch bản dù hay đến đâu, nếu không biết thổi cái hồn vào hình tượng nghệ thuật thì thật phụ lòng với ngôn ngữ của nhà văn” . Trong tất cả các chương trình nghệ thuật phục vụ cho sự kiện văn hoá, chính trị, dù to hay nhỏ của tỉnh hay ở trung ương Mai tư đều tạo ra được những “ Cú huých” cho người xem, anh đã dùng nhiều thủ pháp trong dàn dựng khôn khéo và ngọt ngào, “ hư” mà “ thực”, “ thực” mà “ hư” để thông điệp cho khán giả tiếp nhận những hình tượng, sự kiện đầy hấp dẫn và chính yếu nhất của chương trình. Anh không chỉ là một đạo diễn trong dàn dựng nghệ thuật, mà anh còn là một nhà quản lý về lĩnh vực nghệ thuật, nên anh có một nhãn về tư tưởng chính trị rất sâu sắc trong tác phẩm.

            Nghệ sĩ Mai Tư hẳn là một con người của công việc, trông anh lúc nào cũng bận rộn, chứ không có cái vẻ an nhàn. Gặp anh thật khó, bởi không phải lúc nào anh cũng có mặt ở căn phòng máy lạnh trong Sở VH, TT &DL Ngoài nhiệm vụ của một phó giám đốc Sở với hàng núi công việc cần giải quyết, anh vẫn không quên được mình vẫn là con người của sân khấu. Sau khi hoàn thành xong chương trình Thành nhà Hồ, anh lại bắt tay ngay vào chỉ đạo và cố vấn trực tiếp cho ba đoàn nghệ thuật để tham gia hội diễn quốc gia vào tháng 9 và tháng 10 sắp tới. Dù đã ở cái tuổi sắp được nghỉ ngơi, nhưng trông anh vẫn săn chắc nhanh nhẹn, tiếng nói vẫn sang sảng như ngày nào trên sân khấu, và cái chính là ngọn lửa nghệ thuật vẫn luôn cháy bỏng trong anh. Ngay mới đây đảm nhận chương trình Thành nhà Hồ, anh đã từng làm việc cật lực với các cộng sự liên tục trong 20 ngày, có ngày lên tới 22 tiếng đồng hồ. Chương trình nghệ thuật “Thành nhà Hồ- Niềm tự hào đất Việt” đã thành công ngoài mong đợi bởi nó được hoàn thành trong những điều kiện rất khắt khe về mọi mặt. Song, anh bảo cái thành công nhất của chương trình này đó là tinh thần làm việc với một tốc độ đến chóng mặt của tất cả mọi người trong điều kiện eo hẹp về thời gian, khắc nghiệt về thời tiết và cả sự khó khăn về tài chính…, chưa hết còn là áp lực về phía đối ngoại mà Tỉnh đang đặt lên vai anh khi chương trình phải giải mã được những yêu cầu của UNESCO đặt ra về Thành Nhà Hồ. Chính ngài Eric Falt- Trợ lý tổng giám đốc- đại diện UNESCO Việt Nam đã phải trầm trồ khen ngợi chương trình rằng: “Đây là chương trình nghệ thuật đón nhận Bằng công nhận di sản văn hoá Thế giới hay và mẫu mực nhất từ trước đến nay về cả phần lễ và hội”.

            Trong 35 năm kể từ ngày anh sinh viên trường SKĐA trở về quê hương Thanh Hoá phục vụ cho nền nghệ thuật tỉnh nhà, anh đã có gần 30 vai diễn, tất cả đều là vai chính và tổng đạo diễn cho 11 chương trình nghệ thuật mang tầm cỡ quốc gia. Như vậy cũng đủ hài lòng về bản thân mình, song, với Mai Tư hình như anh vẫn chưa dừng lại. Vì sao ư? Vì anh không thể rời xa sân khấu, sân khấu với anh như máu thịt, thiếu nó anh không phải là mình.

Anh luôn tự hào vì anh là người Thanh Hoá, vì Thanh Hoá đã nuôi dưỡng anh, cho anh mảnh đất để anh cày cấy và gặt hái thành công. Anh tâm sự: “Sở dĩ tôi thành công vì tôi luôn được sự ủng hộ của công chúng, sự tạo cơ hội của các cấp lãnh đạo, của bạn bè và các cộng sự, thậm trí cả thiên thời địa lợi. Nói như vậy cũng không ngoa, bởi anh đã từng chiêm nghiệm, đêm biểu diễn nào của anh cũng diễn ra trong điều kiện trời yên biển lặng, mặc dù thời gian tập luyện gặp rất nhiều khó khăn về thời tiết. Có lẽ không khó để giải mã điều này theo như anh đã cảm nhận. Bởi nếu biết trân trọng và tôn vinh vẻ đẹp của quá khứ, thì quá khứ sẽ ủng hộ anh. Nói như vậy cũng là để thấy rằng cuộc đời không cho không ai cái gì.  Cũng như nếu Mai Tư không hết lòng vì  nghệ thuật thì nghệ thuật cũng không đem lại trái ngọt cho anh. Đã 35 năm nay Nghệ sĩ Mai Tư đã cống hiến hết mình cho nền nghệ thuật Thanh Hoá, anh xứng đáng nhận được hoa thơm trái ngọt. Đó là danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, mà anh vừa được Nhà nước phong tặng trong dịp 19/5/2012 vừa qua. Nền nghệ thuật Thanh Hoá cũng tự hào vì đã 60 năm nay mới có một nghệ sĩ được phong tặng là nghệ sĩ nhân dân. Người đó là Mai Tư.  Chúng ta cùng chúc cho anh- Nghệ sĩ nhân dân Mai Tư sẽ luôn có những thành công mới trên con đường nghệ thuật của mình

Cẩm Hương


Tin tức liên quan

Bình luận