Ba người gốc Á đắc cử thị trưởng: thời thế đã thay đổi ở Mỹ
TTO - Việc 3 thành phố lớn là Boston, Cincinnati và Seattle lần đầu tiên cùng có những thị trưởng người gốc Á đã nói lên rất nhiều điều về sự thay đổi bối cảnh chính trị ở xứ cờ hoa.
Những gì quý vị đang chứng kiến lúc này là sự trưởng thành của thế hệ thứ hai, là con cái của những người nhập cư, và họ là phần chính trong hầu hết các ứng cử viên thị trưởng.
Ông Karthick Ramakrishnan, nhà sáng lập kiêm giám đốc Tổ chức phi lợi nhuận nghiên cứu chính sách AAPI Data, bình luận với Đài NBC.
Ba người gốc Á cùng đắc cử thị trưởng ngày 3-11 là bà Michelle Wu của TP Boston, ông Aftab Pureval của TP Cincinnati và ông Bruce Harrell của TP Seattle. Theo Cục Thống kê dân số Mỹ, người gốc Á hiện chỉ chiếm khoảng 7% tổng dân số. Điều này cho thấy việc nước Mỹ cùng một lúc bầu ra ba thị trưởng người gốc Á là một sự kiện rất đáng chú ý.
Hai người từng là thủ khoa
Bà Michelle Wu, sinh năm 1985, là người gốc Đài Loan. Bà nói được nhiều thứ tiếng và từng là thủ khoa. Bà là luật sư từng tốt nghiệp Trường luật của Đại học Harvard. Bà đắc cử ghế thị trưởng Boston (bang Massachusette) với hơn 64% số phiếu.
Thật ra, chiến thắng của bà Wu là chuyện có thể hiểu. Boston là thành phố tập trung nhiều trường đại học danh giá trên thế giới. Bang Massachusette cũng luôn đứng đầu nước Mỹ về chất lượng giáo dục. Một người có học thức cao như bà Wu là hình ảnh tiêu biểu của người dân Boston.
Bên cạnh đó, bà Wu còn là trợ thủ đắc lực của thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, người có tầm ảnh hưởng lớn trong chính trị Mỹ. Đích thân bà Warren đã lên tiếng ủng hộ bà Wu khi tranh cử.
Chính sách của bà Wu cũng rất phù hợp với tầng lớp trí thức ở Boston. Trong suốt thời gian tranh cử, bà luôn nhấn mạnh tầm nhìn tạo nên một thành phố Boston cho tất cả mọi người, mọi tầng lớp và là một thành phố bình đẳng.
Với một hình ảnh phù hợp, ở một nơi phù hợp và có sự ủng hộ của những tên tuổi lớn, bà Wu chiến thắng ở thời điểm rất đúng với câu thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Trong khi đó, ông Bruce Harrell, sinh năm 1958, là người mang hai dòng máu Nhật và châu Phi. Cũng như bà Wu, ông Harrell từng là thủ khoa. Ông là luật sư kỳ cựu đã tốt nghiệp Trường luật của Đại học Washington, một ngôi trường danh giá. Ông đắc cử ghế thị trưởng Seattle với 62% số phiếu bầu.
Nếu Boston là nơi hội tụ của những trường đại học danh giá thì Seattle lại nổi tiếng với những tập đoàn khổng lồ như Microsoft và Boeing. Nhìn chung về mặt tư tưởng, hai thành phố này không khác nhau nhiều. Seattle cũng là thành phố có tỉ lệ lớn những người có học thức cao vì nơi đây tập trung các tập đoàn lớn và những công việc rất cạnh tranh.
Khác với bà Wu - một người trẻ hơn ông tới 25 tuổi, ông Harrell là một chính trị gia kỳ cựu và đã là hình ảnh quen thuộc với những người quan tâm đến chính trị ở thành phố Seattle. Với bề dày kinh nghiệm của mình, việc ông Harrell đắc cử cũng là chuyện không quá ngạc nhiên.
Thời thế đã thay đổi
Khác với hai thị trưởng đắc cử nói trên, ông Aftab Pureval có thân thế khiêm tốn hơn. Ông sinh năm 1982, có mẹ là người tị nạn từ Tây Tạng và cha là người Ấn Độ. Nhưng cũng như họ, ông là một luật sư từng tốt nghiệp Đại học Cincinnati.
Lần bầu cử thị trưởng Cincinnati năm nay, chiến thắng gần như tuyệt đối của ông Pureval là một điều rất đáng ghi nhận. Vùng Trung Tây nước Mỹ, nơi có bang Cincinnati, là khu vực khá bảo thủ. Số người gốc Á ở đây ít hơn rất nhiều so với hai thành phố Seattle và Boston. Bởi thế, việc ông chiếm 66% phiếu bầu với tư cách là thành viên Đảng Dân chủ và việc 8/9 thành viên hội đồng thành phố Cincinnati lần này là người của Đảng Dân chủ cũng là một kỳ tích.
Ông Pureval đang có điều kiện rất thuận lợi để thực hiện những chính sách của mình. Ông Pureval cũng thừa nhận chiến thắng của ông đã tạo nên lịch sử và ông cho rằng thời thế đã thay đổi khi người dân có cái nhìn khác về nhu cầu của cộng đồng. Ông mong muốn đẩy mạnh các chính sách vực dậy kinh tế của thành phố, tạo nên một môi trường bình đẳng.
Chiến thắng của ba thị trưởng người gốc Á cho thấy thời thế thật sự đã thay đổi ở nước Mỹ. Người gốc Á lâu nay thường tập trung vào các ngành nghề như kỹ sư, bác sĩ, rất ít người theo đuổi chính trị. Cũng bởi trước nay, người gốc Á rất ít được quan tâm trong chính trị Mỹ vì dân số cộng đồng này còn quá ít. Bản thân người gốc Á cũng không dành nhiều thời gian tìm hiểu về chính trị Mỹ.
Việc ba người gốc Á đắc cử lần này cho thấy có thể cộng đồng này đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi của mình trong các chính sách chung. Họ luôn được xem là những chú ong thợ cần cù nhưng lại ít được đánh giá cao như là những người có tư chất lãnh đạo. Song chiến thắng của họ cho thấy chỉ cần nỗ lực và quyết liệt vươn lên, điều gì cũng có thể xảy ra.
Đây là một cột mốc cho sự thay đổi của cộng đồng người gốc Á tại Mỹ. Họ đang chứng tỏ đó là một cộng đồng không những chăm chỉ mà còn có khả năng lãnh đạo và có trách nhiệm với xã hội.
Xem thêm