Cái giá quá đắt
TTO - 'Bữa ăn bán trú' trở thành vấn đề nóng được các nhóm phụ huynh học sinh nhắc đến trong những ngày qua, sau vụ ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn bán trú khiến một học sinh tử vong.
Một số phụ huynh ở Hà Nội vội vàng cho biết "cắt cơm trường, cho con mang cơm nhà đi ăn". Nhiều người muốn đón con về buổi trưa thay vì ăn bán trú ở trường.
Phản ứng tức thời vì nỗi sợ hãi mơ hồ sẽ qua đi. Đa số vẫn phải gửi con, đóng tiền cho con ăn bán trú, phó mặc sự an toàn của con cho nhà trường.
Trong những năm qua, chuyện phát hiện thịt ôi thiu, rau không sạch, học sinh bị ngộ độc thực phẩm vẫn diễn ra nhưng vấn đề an toàn thực phẩm ở các trường có bếp ăn bán trú chưa bao giờ được quan tâm đúng mức. Mỗi khi có trường bị "tố" về thực phẩm bẩn, thay vì kiểm soát và rút kinh nghiệm, nhiều trường chỉ lo phân bua, lấp liếm sai sót.
Trong những bản báo cáo thành tích dài cả chục trang giấy của các trường, yếu tố đảm bảo an toàn cho học sinh chỉ đọng lại vài dòng, thậm chí không có dòng nào.
Chỉ khi xảy ra những vụ việc để lại hậu quả lớn mới khiến dư luận giật mình. Vào năm 2018, một vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng xảy ra ở Ninh Bình khiến hơn 300 học sinh phải nhập viện làm xôn xao dư luận.
Sau 5 năm, vụ ngộ độc ở Trường iSchool Nha Trang với 600 học sinh và giáo viên bị ảnh hưởng, một học sinh thiệt mạng. Mức độ nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Dù vậy, trước vụ iSchool Nha Trang, những giải pháp mạnh chỉ dội lên trong một khoảng thời gian ngắn rồi lại chìm lắng. Các trường yên tâm khi đối tác cung cấp khẩu phần ăn, thực phẩm, rau quả trình ra đủ giấy phép đúng với quy định nhưng lại buông lỏng khâu kiểm soát trực tiếp trong quy trình giao nhận, bảo quản.
Việc truy nguồn gốc thực phẩm cung cấp cho học sinh ở nhiều nơi cũng không thực hiện hoặc làm một cách hình thức. Trường và đối tác hành xử với nhau bằng "niềm tin" là chính, chứ không bằng các nguyên tắc cần thiết đảm bảo an toàn thực phẩm.
Nếu mỗi sự cố mất an toàn trong trường học là một bài học thì bài học từ những vụ việc nghiêm trọng như iSchool Nha Trang có cái giá quá đắt, phải trả bằng tính mạng của học sinh.
Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, có thể ai đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhưng ở góc độ quản lý giáo dục, bài học đắt giá này sẽ không giải quyết được vấn đề tận gốc nếu vẫn chỉ ban hành những văn bản "tăng cường kiểm soát".
Việc này cần phải được nhìn nhận và hành động mạnh mẽ hơn.
An toàn cho học sinh cần phải được đặt ở vị trí số 1 trong điều lệ trường học, trong tiêu chí trường học chất lượng cao, trường chuẩn quốc gia, trong nhiệm vụ trọng tâm của các năm học, quy chế hoạt động của mỗi nhà trường. Ngành giáo dục ở các địa phương cần phải có các chuyên gia về an toàn trường học, có nhân viên chuyên trách kiểm soát việc thực hiện các khâu của bếp ăn bán trú trong nhà trường.
Những giải pháp đặt ra nếu không đủ mạnh để xoay chuyển nhận thức của các nhà quản lý giáo dục trong việc này thì các trường vẫn khó thoát khỏi lối mòn đã qua, kiểu như cứ "mất bò mới lo làm chuồng".
Đầu tiên vẫn phải là nhận thức đúng và đủ, rồi mới có thể "tăng cường giải pháp", nếu muốn làm thực chất.
TTO - 'Bữa ăn bán trú' trở thành vấn đề nóng được các nhóm phụ huynh học sinh nhắc đến trong những ngày qua, sau vụ ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn bán trú khiến một học sinh tử vong.
Học sinh Trường mầm non Ngọc Lan, Đà Nẵng ăn trưa tại bếp ăn trường học - Ảnh minh họa: Đ.NHẠN
Một số phụ huynh ở Hà Nội vội vàng cho biết "cắt cơm trường, cho con mang cơm nhà đi ăn". Nhiều người muốn đón con về buổi trưa thay vì ăn bán trú ở trường.
Phản ứng tức thời vì nỗi sợ hãi mơ hồ sẽ qua đi. Đa số vẫn phải gửi con, đóng tiền cho con ăn bán trú, phó mặc sự an toàn của con cho nhà trường.
Trong những năm qua, chuyện phát hiện thịt ôi thiu, rau không sạch, học sinh bị ngộ độc thực phẩm vẫn diễn ra nhưng vấn đề an toàn thực phẩm ở các trường có bếp ăn bán trú chưa bao giờ được quan tâm đúng mức. Mỗi khi có trường bị "tố" về thực phẩm bẩn, thay vì kiểm soát và rút kinh nghiệm, nhiều trường chỉ lo phân bua, lấp liếm sai sót.
Trong những bản báo cáo thành tích dài cả chục trang giấy của các trường, yếu tố đảm bảo an toàn cho học sinh chỉ đọng lại vài dòng, thậm chí không có dòng nào.
Chỉ khi xảy ra những vụ việc để lại hậu quả lớn mới khiến dư luận giật mình. Vào năm 2018, một vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng xảy ra ở Ninh Bình khiến hơn 300 học sinh phải nhập viện làm xôn xao dư luận.
Sau 5 năm, vụ ngộ độc ở Trường iSchool Nha Trang với 600 học sinh và giáo viên bị ảnh hưởng, một học sinh thiệt mạng. Mức độ nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Dù vậy, trước vụ iSchool Nha Trang, những giải pháp mạnh chỉ dội lên trong một khoảng thời gian ngắn rồi lại chìm lắng. Các trường yên tâm khi đối tác cung cấp khẩu phần ăn, thực phẩm, rau quả trình ra đủ giấy phép đúng với quy định nhưng lại buông lỏng khâu kiểm soát trực tiếp trong quy trình giao nhận, bảo quản.
Việc truy nguồn gốc thực phẩm cung cấp cho học sinh ở nhiều nơi cũng không thực hiện hoặc làm một cách hình thức. Trường và đối tác hành xử với nhau bằng "niềm tin" là chính, chứ không bằng các nguyên tắc cần thiết đảm bảo an toàn thực phẩm.
Nếu mỗi sự cố mất an toàn trong trường học là một bài học thì bài học từ những vụ việc nghiêm trọng như iSchool Nha Trang có cái giá quá đắt, phải trả bằng tính mạng của học sinh.
Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, có thể ai đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhưng ở góc độ quản lý giáo dục, bài học đắt giá này sẽ không giải quyết được vấn đề tận gốc nếu vẫn chỉ ban hành những văn bản "tăng cường kiểm soát".
Việc này cần phải được nhìn nhận và hành động mạnh mẽ hơn.
An toàn cho học sinh cần phải được đặt ở vị trí số 1 trong điều lệ trường học, trong tiêu chí trường học chất lượng cao, trường chuẩn quốc gia, trong nhiệm vụ trọng tâm của các năm học, quy chế hoạt động của mỗi nhà trường. Ngành giáo dục ở các địa phương cần phải có các chuyên gia về an toàn trường học, có nhân viên chuyên trách kiểm soát việc thực hiện các khâu của bếp ăn bán trú trong nhà trường.
Những giải pháp đặt ra nếu không đủ mạnh để xoay chuyển nhận thức của các nhà quản lý giáo dục trong việc này thì các trường vẫn khó thoát khỏi lối mòn đã qua, kiểu như cứ "mất bò mới lo làm chuồng".
Đầu tiên vẫn phải là nhận thức đúng và đủ, rồi mới có thể "tăng cường giải pháp", nếu muốn làm thực chất.
Xem thêm