Cân bằng cuộc sống làm sao giữa trùng vây 'sự muốn'?

05/08/2022 | 202 |

TTO - Tìm cân bằng giữa trùng vây "sự muốn" ra sao? Thời hiện đại, những tâm tư về sự mất cân bằng giữa đời sống và công việc, giữa sự nghiệp và gia đình luôn ngổn ngang với mỗi người.

Dường như càng "chín" trong sự nghiệp, tâm tư đó càng lớn, dù rằng với bất cứ ai, việc phân chia hợp lý thời gian trong ngày sao cho "vẹn mọi đường" vẫn luôn là thách thức.

Đối thoại với chính mình

"Tôi đã từng trải qua khoảnh khắc tột cùng của sự mất cân bằng cách đây 8 năm, cuối năm 2014. Những bất ổn ập đến khiến tôi triền miên mất ngủ suốt 30 ngày, không ngủ được dù cứ ngáp cả ngày" - anh Phạm Duy Hiếu, tổng giám đốc Công ty i.Value Holdings, chia sẻ câu chuyện của mình tại một hội thảo ở TP.HCM hôm 20-7. 

Dự một khóa học giúp anh giải tỏa tâm lý căng thẳng, từ đó anh hiểu ra vấn đề của mình để rồi có thể về nhà với một tâm thế ổn định hơn rất nhiều.

Đối diện với mình thật thẳng thắn, chân thành và yêu thương cũng là cách để chị Vũ Ánh Tuyết - giám đốc điều hành TerraLife, Singapore - nhận ra sự mất cân bằng của bản thân và tìm được lối thoát dễ dàng hơn.

Trước đây chị Tuyết có 7 năm làm việc cho một tập đoàn tư vấn quốc tế và thường xuyên phải đi lại rất nhiều trong và ngoài nước. Khi có con, vì chọn nuôi con bằng sữa mẹ nên chị luôn phải chật vật thu xếp công việc và chuyện vắt sữa cho con trong những chuyến công tác xa nhà. Có những ngày tính toán toán trầy trật nhưng về tới nhà sữa vắt cho con đã hỏng, chị lại rơi vào tâm trạng dằn vặt, cảm thấy có lỗi nhiều với con.

Một thời điểm chị không thể quên khác là lần đang họp tại Singapore thì chị nhận tin con ở nhà bị nhiễm khuẩn phải vào viện. Nỗi day dứt giữa công việc và trách nhiệm làm mẹ cứ trở đi trở lại trong một trạng thái mất cân bằng vô cùng mệt mỏi. Nhưng rồi sau rất nhiều lần tự đối thoại với mình, đặt lên bàn "cân" các ưu tiên, chị đã có được lựa chọn dễ dàng hơn. Từ bỏ một công việc yêu thích lúc ấy không dễ dàng, nhưng chị đã làm được.

Chọn cách cân bằng

Tự ví mình như một loài cây "rễ chùm", chị Nguyễn Thị Việt Thanh - giám đốc điều hành và truyền cảm hứng hạnh phúc tại Công ty Alphabe - cho rằng bản thân có một sự "tham" nhất định khi đặt ra cho mình tới 9 điểm ưu tiên như gia đình, công việc, sức khỏe, tiền bạc, bạn bè, sắc đẹp, khám phá cuộc sống, đóng góp xã hội...

"Tôi vẫn thường nói với bạn bè cuộc sống bây giờ quả thực mỗi ngày là một cuộc chiến với thời gian, nhưng tôi sẽ nỗ lực để chiến thắng cuộc chiến ấy theo cách của mình. Dù đặt ra tới 9 mục ưu tiên nhưng mỗi ngày của tôi sẽ luôn có 3 "nhiệm vụ" định kỳ: phải làm một việc gì đó về thể chất, một việc gì đó về tinh thần và một việc gì đó cho các mối quan hệ - chị Thanh chia sẻ - Tôi nghĩ sự dấn thân trong đời sống cũng là một cách tìm đến cân bằng".

"Tôi nghĩ về 4 yếu tố mà tôi gọi tắt là "tâm, trí, tình, thân" - tức là tâm trí, trí tuệ, tình cảm và sức khỏe. Tôi tin là khả năng của mỗi người chúng ta sẽ do chỉ số thấp nhất trong 4 yếu tố đó chi phối. Nên muốn cân bằng, cần chăm chút và "cân" đều những nhân tố ấy", anh Hiếu nói.

Còn với chị Tuyết, nuôi dưỡng sự tò mò với cuộc sống xung quanh cũng là cách để chị tìm đến sự cân bằng. "Thế giới đang thay đổi rất nhiều và rất nhanh, bạn hãy luôn học cách đặt câu hỏi và hay luôn tò mò", chị Tuyết nói.

Chỉ cần biết mình có hạnh phúc hay không

"Tôi đã từng sai lầm khi nghĩ cân bằng giữa cuộc sống và công việc là mình phải nỗ lực làm tròn vai mọi thứ, là một người mẹ "ba đảm đang" và dốc hết sức lực, hy sinh bản thân cho chồng con. Nhưng rồi tôi kiệt sức và sau tất cả tôi nhận ra cân bằng thực chất phải là cảm xúc hạnh phúc tự tại của chính mình", nữ giám đốc một viện nghiên cứu chia sẻ tại hội thảo.

Nhưng rồi chị cảm nhận được bản thân hạnh phúc khi ở trạng thái dám chấp nhận tất cả những gì xảy đến với mình, không quan trọng người khác đánh giá gì về mình mà chỉ tập trung vào những điều bản thân thực sự muốn.

Cái ta muốn và cái ta cần

Còn theo anh Hiếu, để biết ưu tiên tốt hơn trong cuộc sống, người ta cần tránh "bẫy tư duy" phổ biến là nhầm lẫn giữa "cái ta muốn" và "cái ta cần". "Cái ta muốn là những thứ không có điểm dừng, còn cái ta cần là những điều thiết yếu, không thể không có, không thể không làm. Nếu bạn có thể trả lời rành mạch đâu là hai cái đó, bạn sẽ ưu tiên dễ dàng hơn", anh nói.


Tin tức liên quan

Bình luận