Cần môi trường nước trong lành
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng hiện TPHCM mới chỉ xử lý được hơn 13% tổng lượng nước thải của cả thành phố. Hầu hết nước thải còn lại vẫn đổ thẳng ra sông, kênh rạch. Trước đây, khi dân số chưa đông, nước thải chưa nhiều, hệ thống sông, kênh rạch đã “tự” làm sạch bằng cách hòa tan, làm trôi chảy nước thải đi.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng hiện TPHCM mới chỉ xử lý được hơn 13% tổng lượng nước thải của cả thành phố. Hầu hết nước thải còn lại vẫn đổ thẳng ra sông, kênh rạch. Trước đây, khi dân số chưa đông, nước thải chưa nhiều, hệ thống sông, kênh rạch đã “tự” làm sạch bằng cách hòa tan, làm trôi chảy nước thải đi.
Thế nhưng, với áp lực dân số ngày càng đông, tốc độ đô thị hóa ngày càng lớn, nhiều kênh rạch đã bị san lấp, lấn chiếm, ở nhiều khu vực trên địa bàn thành phố, hệ thống sông, kênh rạch đã không còn tự làm sạch được nữa. Nhiều đoạn kênh rạch của thành phố đã đặc rác thải, nước thải như Xuyên Tâm, Hy Vọng, Đôi-Tẻ…
Nhìn thấy điều này nên từ hơn 20 năm trước TPHCM đã lên kế hoạch xây dựng các nhà máy xử lý nước thải cho từng khu vực. Hiện TPHCM đã có 2 nhà máy xử lý nước thải đi vào hoạt động và 1 nhà máy chuẩn bị vận hành. TPHCM cũng đã có kế hoạch xây dựng thêm 12 nhà máy xử lý nước thải nữa để đến năm 2025 thực hiện được mục tiêu 78% nước thải sinh hoạt được xử lý trước khi thải ra môi trường.
Song, vấn đề của việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải là khó thu hút đầu tư như các công trình hạ tầng kỹ thuật khác. Khó khăn lớn nhất là xây dựng hệ thống thu gom nước thải để đưa đến nhà máy xử lý.
Trước kia, do để sông, kênh rạch tự làm sạch nên ở nhiều khu vực, hệ thống thoát nước thải của thành phố được ghép chung hay nói chính xác cũng chính là hệ thống thoát nước mưa. Bây giờ tách ra không đơn giản.
Việc thi công sẽ chủ yếu diễn ra trong nội thành và khối lượng đường phải đào để lắp đặt hệ thống thu gom nước thải rất lớn. TPHCM đã có giải pháp cho vấn đề này là ghép chung việc cải tạo, xây dựng mới hệ thống thoát nước mưa, chống ngập với việc tách riêng hệ thống thu gom nước thải vào chung một dự án cải thiện môi trường và chống ngập. Đây là giải pháp khả thi, tối ưu nhưng lại cần nguồn vốn rất lớn.
TPHCM có 5 lưu vực thoát nước chính là Tàu Hủ-Bến Nghé, Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Tân Hóa-Lò Gốm, Đôi-Tẻ và Tham Lương-Bến Cát-Rạch Nước Lên nhưng mới chỉ cải tạo môi trường, xây dựng hệ thống thoát nước cơ bản cho 3 lưu vực Tàu Hủ-Bến Nghé, Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Tân Hóa-Lò Gốm, cũng vì lý do này.
Vấn đề còn lại là xây dựng và vận hành các nhà máy xử lý nước thải. Theo nhiều chuyên gia cũng như theo chính các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường, chi phí vận hành hệ thống xử lý nước thải rất phức tạp và dĩ nhiên, cũng không rẻ.
Như vậy, tất cả đòi hỏi TPHCM phải nhanh chóng tìm được nguồn vốn lớn và xây dựng hoặc đề xuất Chính phủ cho cơ chế thu hút đầu tư mạnh mẽ vào việc thu gom, xử lý nước thải. Đây là vấn đề cấp bách bởi nước thải trộn lẫn với nước mưa trong hệ thống cống thoát nước, mỗi khi thành phố ngập do mưa, nước thải hòa vào đấy, tràn ra, gây ô nhiễm lớn cho môi trường. Chưa kể, nước thải còn có thể ngấm xuống đất và làm ô nhiễm nước ngầm.
HĐND TPHCM vừa thông qua chủ trương đầu tư cải thiện môi trường cho lưu vực Tham Lương-Bến Cát-Rạch Nước Lên. Theo kế hoạch, dự án này sẽ sớm được triển khai vì TPHCM đã thu xếp được nguồn vốn. Đây là tin tốt lành trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, ngập nước vẫn diễn ra do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và người dân TPHCM rất cần có được môi trường nước trong lành để có điều kiện giữ gìn sức khỏe tốt hơn.
Xem thêm