Sai phạm tại Trường ĐH Đông Đô: Cần xem xét những cá nhân sử dụng văn bằng 2

30/11/2020 | 367 |

TTO - Theo kết luận điều tra vụ án “giả mạo trong công tác” vừa được Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) ban hành, Trường ĐH Đông Đô đã cấp hơn 600 bằng cử nhân tiếng Anh giả (hệ văn bằng 2).

 

Sai phạm tại Trường ĐH Đông Đô: Cần xem xét những cá nhân sử dụng văn bằng 2 - Ảnh 1.

Cơ sở 1 Trường ĐH Đông Đô tại 60B Nguyễn Huy Tưởng (Hà Nội) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Trong đó có nhiều người "mua" bằng là cán bộ công chức nhà nước. Đáng chú ý có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án (Tuổi Trẻ Online ngày 24-11).

Vi phạm quyết định về đào tạo

Theo kết luận điều tra, quá trình hoạt động Trường ĐH Đông Đô chưa được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2. Tuy nhiên từ năm 2015, bộ đã thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và cho đăng tải đề án tuyển sinh của Trường ĐH Đông Đô lên cổng thông tin tuyển sinh của bộ, trong đó có cả chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.

Kết luận của Cơ quan an ninh điều tra xác định các cá nhân thuộc Vụ Kế hoạch - tài chính và Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) thực hiện thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, đăng tải đề án tuyển sinh của Trường ĐH Đông Đô, trong đó có chỉ tiêu hệ văn bằng 2 trong khi trường chưa được cho phép đào tạo, là vi phạm quyết định của bộ trưởng về đào tạo cấp bằng đại học thứ 2.

Theo TS Lê Viết Khuyến, nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), về nguyên tắc Vụ Giáo dục đại học phải trình lên lãnh đạo bộ quyết định cho phép trường đào tạo văn bằng 2. Sau đó dựa vào hồ sơ năng lực của trường, Vụ Kế hoạch - tài chính mới xem xét chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 mà trường đăng ký.

"Từ kết luận của cơ quan điều tra thấy rõ ràng chỉ tiêu là có được xác định chứ trường không nói dối, bịa ra được. Và như thế thì trách nhiệm của các cá nhân liên quan phải được làm rõ. Bộ GD-ĐT cần giải trình rõ việc quản lý tuyển sinh của trường này, trong đó bao gồm cả việc hậu kiểm, nguyên nhân vì sao không phát hiện được sai phạm. Không thể nói trường tự chủ thì có quyền quyết định được. Tự chủ nhưng làm sai thì phải thanh tra, kiểm tra, xử lý, rút quyền tự chủ chứ không phải để cho trường tự chủ thì muốn làm gì cũng được" - ông Lê Viết Khuyến nói.

Làm rõ cá nhân liên quan

TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục - đào tạo, cũng cho rằng việc giải trình với xã hội về những liên quan giữa các cá nhân, đơn vị của Bộ GD-ĐT đến sai phạm trong đào tạo của Trường ĐH Đông Đô là trách nhiệm của bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

TS Lê Viết Khuyến cho rằng đối với những cá nhân sử dụng văn bằng 2 của Trường ĐH Đông Đô để đạt điều kiện bảo vệ luận án tiến sĩ hoặc sử dụng vào mục đích hợp lý hóa hồ sơ cán bộ thì cần phải xem xét lại. "Nếu họ là nạn nhân, bị lừa nên đăng ký học văn bằng 2 của trường này thì chỉ bị thu hồi văn bằng, hủy kết quả công nhận tiến sĩ. Nhưng nếu có bằng chứng họ biết cơ sở đào tạo sai mà vẫn đăng ký học, bỏ tiền ra mua bằng thì có thể xem xét truy tố" - ông Lê Viết Khuyến cho biết.

Còn TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng việc nhiều người sử dụng văn bằng 2 được đào tạo chui để hợp lý hóa hồ sơ bảo vệ luận án tiến sĩ là một thực tế cần phải xem xét để điều chỉnh các quy định, làm sao để đánh giá thực chất năng lực của cán bộ.

Quy định chặt chẽ hơn về ngoại ngữ

Việc quy định về chứng chỉ ngoại ngữ trong đào tạo tiến sĩ tưởng là chặt chẽ nhưng rõ ràng chứng chỉ (bằng) chưa phải điều kiện đủ.

Theo tôi, cần có quy định giao trách nhiệm cho người hướng dẫn luận án tiến sĩ. Vì hơn ai hết, người hướng dẫn hiểu rõ năng lực thực tế của các nghiên cứu sinh: Họ có đủ năng lực ngoại ngữ để đọc sách, tài liệu bằng tiếng nước ngoài không? Họ có thể viết được một bản tóm tắt luận án bằng ngoại ngữ không? Chắc chắn các thầy hướng dẫn phải biết rõ nhất.

Nếu quy trách nhiệm cho người hướng dẫn để xảy ra tình trạng nghiên cứu sinh chỉ có chứng chỉ mà không có năng lực thực tế, thầy hướng dẫn phải chịu trách nhiệm. Nếu làm được thế sẽ bớt tình trạng chạy đua mua chứng chỉ, văn bằng 2 để hợp lý hóa hồ sơ.


Tin tức liên quan

Bình luận