Chuẩn bị cho những áp lực mới
Theo báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê (TCTK), tình hình kinh tế quí 3 và chín tháng đầu năm 2022 của Việt Nam là khởi sắc và lạc quan khi so với cùng kỳ năm trước. Nhưng với những bất ổn, biến động lớn của kinh tế thế giới như hiện nay thì các doanh nghiệp trong nước cần nhiều sự chuẩn bị hơn để ứng phó với những áp lực mới.
Áp lực cả ngoài lẫn trong
Kể từ đầu năm đến nay, cứ mỗi lần các tổ chức lớn và uy tín trên thế giới cập nhật các dự phóng kinh tế thì các con số ngày càng xấu hơn. Theo dự phóng kinh tế thế giới của OECD công bố tháng 9, so với hồi tháng 6 thì các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Anh đều có tăng trưởng GDP thấp hơn trong năm 2022. Tăng trưởng kinh tế thế giới nhìn chung đang chậm lại hơn so với dự báo, và rủi ro suy thoái ngày càng hiện rõ hơn với mức giảm ở phần lớn các nền kinh tế trong năm 2023.
Bên cạnh đó, lạm phát trở thành tiêu điểm chính của hầu hết các nền kinh tế khi nó lan rộng, và nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao một thời gian trước khi được khuất phục bởi các chính sách. Với tình hình lạm phát và tăng trưởng như vậy thì những quan ngại về tình trạng đình lạm (stagflation) của kinh tế thế giới là điều hoàn toàn có thể hiểu được.
Khi tăng trưởng của kinh tế thế giới chậm đi thì ảnh hưởng của nó đến một nền kinh tế có quy mô xuất nhập khẩu gấp hai lần GDP như Việt Nam là rất đáng kể. Trong trường hợp các đơn hàng bị giảm trong năm 2023 thì thấy rõ nhất là ảnh hưởng đến thị trường lao động, tiêu dùng, và đầu tư. Cụ thể là số việc làm mới sẽ không tăng mà còn có khả năng bị giảm, thu nhập giảm sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng và các doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh.
Để ứng phó với lạm phát, chính sách chủ yếu của các ngân hàng trung ương là tăng lãi suất, và thế giới lo ngại một cuộc đua lãi suất mạnh ai nấy chạy mà không có sự trao đổi phối hợp với nhau. Điều này khiến cho tác động lây lan trở nên nghiêm trọng hơn và hệ lụy là hiện tượng xuất khẩu và nhập khẩu lạm phát.
Mặc dù lạm phát của Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát nhưng áp lực tăng lãi suất của thế giới cũng buộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra một số giải pháp thích ứng. Như vừa qua, các lãi suất điều hành như thị trường mở (OMO), chiết khấu, tái cấp vốn đều tăng, riêng lãi suất OMO có mức tăng đáng kể từ cuối tháng 7 đến nay.
Cần chuẩn bị từ trước và chuẩn bị nhiều hơn
Theo báo cáo điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quí 3-2022 của TCTK, có 48,1% doanh nghiệp lo lắng về sự sụt giảm nhu cầu trong nước, 30,8% doanh nghiệp khó khăn về tài chính và 23,5% gặp khó khăn do lãi suất vay vốn cao. Tuy nhiên, đây là khảo sát của quí 3 nên so với thời điểm hiện tại thì đã có một độ trễ nhất định và các thông tin số liệu mới bi quan hơn chưa được cập nhật.
Với áp lực lãi suất có thể còn tăng tiếp, những doanh nghiệp hiện đang khó khăn về tài chính hay tiếp cận vốn vay thì khó khăn sẽ còn tăng nhiều. Việc cần làm đối với các doanh nghiệp là cân đối lại các khoản nợ, xem xét kỹ lưỡng các dự án sản xuất kinh doanh mới và cắt giảm các hoạt động chưa hay không hiệu quả. Một minh chứng cho thấy rõ là rất nhiều doanh nghiệp “đốt tiền” để tạo tăng trưởng đã bị kiệt sức trong thời gian qua, và chắc chắc sẽ khó trụ được trong thời gian tới.
Việc cần làm đối với các doanh nghiệp là cân đối lại các khoản nợ, xem xét kỹ lưỡng các dự án sản xuất kinh doanh mới và cắt giảm các hoạt động chưa hay không hiệu quả.
Với nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chậm lại trong năm 2023 thì ảnh hưởng đến Việt Nam cũng rất đáng kể. Việc theo dõi sát sao các chỉ số kinh tế quan trọng là hết sức cần thiết để có những chính sách điều chỉnh thích ứng kịp thời. Chẳng hạn, doanh nghiệp cần theo dõi chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ qua các tháng và chỉ số quản lý thu mua (PMI).
Việc phát triển mở rộng sản xuất kinh doanh trong thời gian tới sẽ khó khăn và đắt đỏ hơn, và do đó cố gắng duy trì quy mô như hiện tại, tập trung vào các khách hàng hiện có là chiến lược mà các doanh nghiệp nên ưu tiên. Lịch sử của các chu kỳ kinh tế đã cho thấy những doanh nghiệp nào trụ vững được qua giai đoạn khó khăn thì sức bật sau đó của các doanh nghiệp này là rất lớn.
Tuy vậy, không ai có thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Các dự báo về kinh tế bi quan hơn thì cũng có thể sẽ lạc quan hơn nếu có những thay đổi tích cực, chẳng hạn như hiệu quả của chính sách chống lạm phát của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hay các ngân hàng trung ương khác, một kết thúc có hậu từ cuộc chiến Nga – Ukraine, và Trung Quốc có thể vực dậy được nền kinh tế của mình.
Xem thêm