Chuyển động ở miền Tây

27/03/2023 | 135 |

Cuối năm, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), dù đang chịu tác động chung từ nguy cơ suy thoái kinh tế, vẫn có thể lạc quan dấn bước vào năm 2023 trên nền tảng những chuyển động mới từ vùng kinh tế nông nghiệp chính của đất nước.

Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Việt Nam 2022 ở Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Kim

Giữa tháng 12-2022, Chính phủ dự báo kinh tế cả năm tăng trưởng 8%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 6-6,5%. Trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 700 tỉ đô la Mỹ so với gần 670 tỉ đô la năm 2021; vốn FDI thực hiện gần 20 tỉ đô la, cao nhất trong năm năm qua; thu ngân sách nhà nước tăng gần 8% so với 2021; số doanh nghiệp quay lại hoạt động gấp 1,5 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Trong đó, 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL với hơn 18 triệu dân đã đóng góp 31,37% GDP ngành nông nghiệp, 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây, 95% sản lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu cả nước. Đồng thời, các hiện tượng cực đoan như hạn hán, xâm nhập mặn, xói mòn, sụt lún, sạt lở… cũng đang gia tăng từng ngày tại vùng này.

Trong bối cảnh đó, thử nhìn lại một số nền tảng mà ĐBSCL đã xây dựng cho năm 2023 và nhiều năm tiếp sau.

Tại hội thảo “Làm gì đề hình thành đội được ngũ người làm nông chuyên nghiệp?” do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn và trường Đại học Cần Thơ tổ chức hôm 24-9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Không có tri thức sẽ không chuyên nghiệp”. Theo ông, với bối cảnh của thị trường ngày càng khắt khe hơn, cần biến sản phẩm thành thương phẩm, hay nói cách khác, phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tức sản xuất ít nhưng mang lại giá trị cao hơn.

Theo ông Hoan, thế giới hiện đã tiến đến mức độ chuyên nghiệp và chuyên môn hóa ngày càng cao. Vì vậy, một trong chín giải pháp của nghị quyết về nông nghiệp, nông thôn, nông dân mới ban hành là phải nâng cao năng lực của người nông dân, bao gồm kiến thức, kỹ năng và thái độ với nghề nông phải nghiêm túc và giàu tri thức hơn.

Tại hội thảo “Phát triển ĐBSCL, giải pháp từ cây lúa” do báo Thanh Niên và UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hôm 18-11, ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, chia sẻ: “Chúng ta thường nói người trồng lúa nghèo nhưng tại tỉnh An Giang hiện có khoảng 100 hộ trồng lúa có thu nhập 3-5 tỉ đồng mỗi năm, đi xe Lexus đàng hoàng”. Đó là những mô hình thuê đất, cho thu nhập bình quân 30 triệu đồng/héc ta; ai có 100 héc ta đất trồng lúa thì thu nhập mỗi năm lên tới 3 tỉ đồng. Từ đó, An Giang đề xuất chương trình ly nông không ly hương; dành cho người biết thuê đất của những người có ít đất, người cho thuê đất có thể chuyển sang hoạt động phi nông nghiệp. An Giang cũng đề xuất chuyển một phần đất lúa sang cây trồng khác hoặc làm công nghiệp kèm chương trình đầu tư hạ tầng, giao thông thủy lợi, logistics phù hợp.

Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp, cho rằng với vị thế của một vùng đất nông nghiệp, vựa lúa lớn nhất nước, ĐBSCL đang kỳ vọng chờ đón nhiều chính sách, giải pháp để bứt phá, phát triển. Khát vọng cho một vùng đồng bằng nhiều tiềm năng, thoát trũng, phát triển bền vững là khát vọng của nhiều thế hệ trong khu vực. Dẫn Báo cáo Kinh tế thường niên vùng ĐBSCL mới được công bố, ông Lê Quốc Phong cho biết, điểm sáng nhất năm là nông nghiệp ĐBSCL vẫn tăng trưởng 3,4%; xuất khẩu nông sản, thủy sản đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại của Việt Nam.

Còn ông Nguyễn Văn Hiển, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang, đề nghị Nhà nước cần sớm hoàn chỉnh hệ thống chính sách, pháp luật. Như chính sách thu hút đầu tư, cơ chế hợp tác phát triển vùng nguyên liệu tạo ra sản lượng hàng hóa lớn; chính sách chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang lĩnh vực phi nông nghiệp. Việc chuyển đổi này sẽ hỗ trợ chuyển dịch lao động nông nghiệp sang các khu vực kinh tế khác, giúp nâng cao thu nhập người dân và hỗ trợ cho cơ chế tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn.

Ở Cần Thơ, những ngày cuối năm, diễn ra nhiều sự kiện liên quan tới thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, kết nối đầu tư, giao thương với cả nước và nhiều nước trong ASEAN. Riêng Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Việt Nam ở Cần Thơ hồi đầu tháng 11-2022, lần đầu tiên có tới 7 gian hàng máy bay nông nghiệp (drone) và 4 gian hàng máy xay xát, đánh bóng gạo ứng dụng công nghệ tiên tiến tham gia. Đến cuối tháng 11 là Diễn đàn Mekong Connect, kết nối các tỉnh ĐBSCL với TPHCM và cả nước nhằm thực hiện các nghị quyết mới của Đảng và Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL.

Mới nhất, tại Diễn đàn Mekong Startup ở Đồng Tháp (19 và 20-12), Công ty Agri Index đã công bố khởi động dự án xây dựng sàn giao dịch gạo và phụ phẩm của ngành hàng theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Dự án nhằm kết nối các thành phần tham gia vòng tuần hoàn lúa gạo tại ĐBSCL với các đầu mối thương mại cả nước, tạo ra giá trị thặng dư cao hơn từ cây lúa. Dự kiến tháng 3-2023 sẽ có 300 doanh nghiệp giao thương với khối lượng chào bán khoảng 50.000 tấn/tháng và tỷ lệ giao dịch thành công chiếm khoảng 50%.

Cũng tại diễn đàn này, TS. Bùi Hồng Quân, trường Đại học Công nghiệp TPHCM, đã đề xuất chiến lược phát triển thị trường trái cây ĐBSCL khi nông dân đang mở rộng diện tích nhà vườn với các kỹ thuật mới. Theo đó, cần duy trì các hội chợ triển lãm trong nước, xúc tiến thương mại tại các nước xuất khẩu; xuất bản các ấn phẩm quảng bá sản phẩm trái cây ĐBSCL; tăng cường nghiên cứu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, trọng tâm là các thị trường EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông, Trung Quốc…

ĐBSCL còn là nơi có hệ thống sông ngòi dài hơn 28.000 ki lô mét, chiếm 70% chiều dài đường sông cả nước; nơi có mật độ đường thủy nội địa cao nhất nước và có vùng biển – đảo chiến lược cả ở phía Đông và Tây Nam đất nước. Hồi tháng 8-2022, Học viện Chính trị khu vực IV, trường Đại học Cần Thơ và Tạp chí Cộng sản cũng đã phối hợp tổ chức một hội thảo về phát triển kinh tế sông ở ĐBSCL…

…Những nền tảng trên đều xuất phát từ Nghị quyết 120/CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (11-2017). Tiếp đó là Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (tháng 4-2022). Đến tháng 9-2022, Chính phủ ban hành Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; trong đó cho phép giảm 88.560 héc ta trong tổng số 3,9 triệu héc ta đất trồng lúa đồng thời tổ chức lại sản xuất, phối hợp với phát triển đô thị và công nghiệp chế biến.


Tin tức liên quan

Bình luận