Cỏ hoang thành ống hút
Từ một loại cỏ vốn mọc hoang ở vùng đất ngập mặn, bỗng chốc trở thành ống hút cỏ có mặt trong nhiều nhà hàng sang trọng, được khách nước ngoài ưa thích.
Cỏ bàng vốn mọc tự nhiên trên vùng đất phèn ngập nước khá nhiều ở các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang.
Trước giờ người dân chỉ tận dụng đan thành đồ thủ công mỹ nghệ, nhưng nay anh Phan Tấn Phát - giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại ECO PTP - đã biến chúng thành ống hút thay cho ống nhựa.
Tôi tận dụng kênh bán hàng qua mạng với suy nghĩ càng có nhiều người biết đến sản phẩm càng tốt chứ chưa nhất thiết phải bán được hàng ngay.
PHAN TẤN PHÁT
Khởi nghiệp từ cỏ
Cây cỏ bàng thường cao chừng 1m, thân rỗng ruột. Đây chính là đặc điểm được anh Phát tận dụng làm ống hút. Quê ở xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), anh Phan Tấn Phát tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành kế toán, ra trường cũng đi làm nhiều nơi cả trong và ngoài tỉnh.
Trong một chuyến đi công tác tại các tỉnh phía Bắc, thấy quán phục vụ bằng ống hút từ tre nứa, anh Phát khá tâm đắc. Tìm hiểu, anh thấy khách hàng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường.
Anh bắt đầu nghĩ về ý tưởng khởi nghiệp. Dẫu chưa biết sẽ làm gì nhưng anh tự đặt ra bài toán làm sao có thể tận dụng được tài nguyên bản địa, phát huy lợi thế sẵn có tại quê hương vào sản phẩm khởi nghiệp.
Tìm hiểu thực tế tại Đồng Tháp lúc đó đã có ống hút được làm từ bột gạo, chủng loại và mẫu mã khá đa dạng. Anh Phát kể: "Tôi có thấy trên thị trường loại ống hút cỏ bàng nhưng là loại tươi, tương đối phổ biến ở TP.HCM nhưng ngay tại Đồng Tháp hầu như khi ấy chưa ai làm".
Thế là anh tìm mua cỏ bàng ở Đồng Tháp nhưng số lượng không đủ. Anh qua Long An, Kiên Giang mua thêm, bắt đầu hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp của mình với sản phẩm ống hút cỏ bàng khô.
"Các công đoạn làm sản phẩm đều hoàn toàn thủ công, dùng máy cắt và máy sấy khô hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm", anh Phát khoe.
Chậm mà chắc
Thực ra lúc quyết định bỏ công việc đang ổn định để quay về quê nhà khởi nghiệp, chính anh Phát cũng khá trăn trở. Chưa kể ý tưởng khi đó cũng chưa nên hình rõ dạng. Chi phí ban đầu mua máy móc, vốn nhập nguyên liệu, bao bì, hồ sơ xin thủ tục, giấy phép... mọi thứ anh đều tính chi li từng chút một.
Để làm ra ống hút cỏ, vật liệu hao hụt khá nhiều. Ước tính phải 250 - 300 cây cỏ mới làm ra được khoảng 300 ống hút đạt chất lượng, giá bán từ 350 - 400 đồng/ống.
Cỏ bàng mua về phải được rửa sạch nhiều lần, cắt đoạn, phân loại, sấy khô rồi mài nhẵn hoàn thiện trước khi đóng gói thành phẩm. Ngoài sấy và cắt bằng máy, các công đoạn khác cần khoảng chục người làm thủ công.
Anh Phát nói thiệt cũng là đánh liều chứ dự toán ít nhất cần khoảng 200 triệu đồng nhưng trong tay khi đó không có khoản tích lũy nào, toàn phải vay mượn người thân.
Thăm dò thị trường, ước lượng nhu cầu khách hàng, những sản phẩm đầu tiên ra lò, anh rao bán qua mạng xã hội. Anh chọn kênh bán hàng này với suy nghĩ cần có nhiều người biết đến sản phẩm trước đã, chưa nhất thiết phải bán hàng được ngay.
"Qua các mối quan hệ trước đó với luồng khách hàng quen biết, tôi chào bán sản phẩm vào các nhà hàng, khách sạn cao cấp. Vậy là ống hút cỏ bàng có cơ hội tiếp cận với du khách nước ngoài. Có nhiều khách hàng Mỹ đã tìm đến tận cơ sở tham quan, đặt mua xách tay về nước", anh Phát kể.
Tiềm năng xuất khẩu cao
Hiện trung bình mỗi tháng cơ sở của anh sản xuất từ 50.000 - 100.000 ống hút theo đơn đặt hàng. Năm 2022, công ty của anh đã cung cấp ra thị trường khoảng 2 triệu ống hút cỏ bàng, một nửa trong số đó xuất thô đi Mỹ, châu Âu.
Bà Trần Thị Cẩm - phó trưởng Phòng kinh tế - hạ tầng huyện Lấp Vò - cho biết đây là sản phẩm khá mới nhưng bước đầu đáp ứng được yêu cầu của một số tuyến khách hàng đặc thù, lại có tiềm năng xuất thô đi nước ngoài.
"Vì là sản phẩm của bạn trẻ khởi nghiệp nên địa phương rất quan tâm, sẵn sàng hỗ trợ phát triển. Do nguồn nguyên liệu chính để sản xuất không có sẵn tại địa phương nên chưa thể công nhận là sản phẩm OCOP nhưng đây là tín hiệu vui cho sự phát triển của kinh tế địa phương", bà Cẩm nói.
Xem thêm