Cớ sự của 'thiếu gay gắt...'
TTO - Ngay sau khi báo Tuổi Trẻ tổ chức tuyến bài "Phải làm sống lại nhà ở hợp túi tiền" và tọa đàm "Nhà ở cho người thu nhập thấp: bao giờ?", Chính phủ tổ chức hội nghị "Phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh và bền vững".
Tại đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị - người đứng đầu cơ quan "lo" nhà ở cho dân - thẳng thắn thừa nhận tình trạng "thiếu gay gắt" nhà ở xã hội, trong khi nhà ở trung, cao cấp, du lịch có biểu hiện dư thừa.
Thiếu gay gắt là thiếu ở mức độ cao hoặc căng thẳng, không đáp ứng nhu cầu của người dân. Đối với nhà ở xã hội, và kể cả nhà ở công nhân và nhà ở cho phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình, sự "thiếu gay gắt" không chỉ ở thiếu số lượng dự án, sản phẩm mà còn thiếu gay gắt ở cơ chế, chính sách, nguồn vốn...
1. Thiếu quỹ đất để làm nhà ở xã hội. Dường như sức hút của nguồn thu ngân sách từ tiền sử dụng đất khiến các địa phương không mặn mà rà soát, quy hoạch các khu nhà đất thuộc quỹ đất công hoặc các khu đất nông nghiệp lớn để chuyển sang làm nhà ở xã hội. Địa phương "kêu" thiếu nhà ở xã hội, trong khi quỹ đất công lại cho làm dự án thương mại.
2. Thiếu cơ chế ưu đãi về thủ tục. Khi Nhà nước không mặn mà, một số ít doanh nghiệp tâm huyết nhảy vào làm và họ vướng đủ thứ thủ tục nhiêu khê, rắc rối, thậm chí còn khó hơn làm dự án nhà ở thương mại, trong khi lợi nhuận, giá bán, đối tượng mua bị đủ thứ ràng buộc.
Chính sách ưu đãi đưa ra tưởng nhiều nhưng không thực chất, không hấp dẫn, doanh nghiệp đương nhiên sẽ chọn làm nhà ở thương mại thay vì trần ai đi xây nhà ở xã hội để rồi có thể gánh lỗ.
3. Thiếu nguồn vốn ưu đãi. Sau gói 30.000 tỉ đồng để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, không còn gói vay nào đủ lớn và hấp dẫn để "trợ lực" cho doanh nghiệp và cả người mua nhà ở xã hội. Vay vốn ngân hàng thương mại để làm nhà ở xã hội, trong khi lợi nhuận và giá bán bị khống chế bởi quy định thì sao thu hút được doanh nghiệp xây nhà ở xã hội...
4. Thiếu giải pháp ngăn chặn việc lợi dụng chính sách nhà ở xã hội để trục lợi. Dự án, sản phẩm nhà ở xã hội thiếu gay gắt, nhưng hiện tượng người mua nhà ở xã hội xong bán qua tay hưởng lợi vẫn diễn ra. Dù luật có quy định điều kiện thời gian được bán nhà ở xã hội nhưng biện pháp quản lý, chế tài chưa đủ mạnh để ngăn chặn hiện tượng tiêu cực này.
5. Thiếu chiến lược tổng thể. Trong khi ở nhiều nước, xây dựng nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua là nhiệm vụ của nhà nước, ở nước ta hiện nay chủ yếu trông chờ vào việc phát triển dự án của các doanh nghiệp tư nhân.
Trong khi với những vướng mắc, khó khăn như hiện nay, rất ít doanh nghiệp tư nhân mặn mà với loại hình nhà ở xã hội.
Chính vì vậy, chỉ khi có chiến lược tổng thể, xem việc phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ chính trị thì các địa phương mới động tay động chân thực chất để quy hoạch bài bản quỹ đất làm dự án nhà ở xã hội. Cùng với đó, buộc các khu công nghiệp phải xây dựng nhà ở cho công nhân.
Chỉ khi những cớ sự dẫn đến "thiếu gay gắt" nêu trên được khắc phục, tháo gỡ thì dự án và sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp mới thoát cảnh "thiếu gay gắt".
Xem thêm