Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt – một vị lãnh đạo đặc biệt
– Một cơ duyên đến trong nhiều năm thực hiện nghiên cứu kinh tế tại đất nước, tôi được gặp ông Nguyễn Thiệu và ông Vũ Quốc Tuấn, vốn là hai trợ lý cho nhiều đời thủ tướng, và đang làm trợ lý cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Qua hai ông, tôi được dịp gặp người đứng đầu Chính phủ.
Tôi quý mến Thủ tướng Võ Văn Kiệt ngay từ lần gặp đầu tiên. Ông là một người miền Nam mộc mạc, thông minh, nói chuyện duyên dáng. Từng sinh sống và lớn lên ở miền Nam, tôi bỗng cảm nhận được sự thân thuộc với ông. Cuộc nói chuyện đầu tiên thật sự rất vui khiến tôi nhớ mãi từng chi tiết cho đến tận bây giờ.
Tôi còn được gặp riêng Thủ tướng cùng ông Nguyễn Thiệu thêm vài lần ở Hà Nội. Sau này thì gặp thường xuyên hơn tại văn phòng làm việc của Thủ tướng ở đường Lê Duẩn, cũng như tại nhà riêng ở đường Tú Xương (TPHCM). Qua ông, tôi được giới thiệu với Nhóm Chuyên viên Kinh tế Thứ Sáu.
Thú vị là, khi còn chưa kịp được giới thiệu chính thức thì tôi đã may mắn gặp một số thành viên của nhóm. Lúc đó vào tầm cuối năm 1997, tôi vừa hoàn thành báo cáo đầu tiên cho Ngân hàng Thế giới (WB) về tiềm năng phát triển của thành phần kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Kể từ năm 1998 trở đi, tôi được tham gia cùng các anh gặp nhau đều đặn vào mỗi chiều tối thứ Sáu hàng tuần.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gặp gỡ doanh nhân là thành viên Saigon Times Club.
Việc cùng với nhóm gặp nhau họp bàn chuyện kinh tế, thời sự vốn đã là chuyện không tưởng. Đằng này, tôi lại gặp được vị Thủ tướng Võ Văn Kiệt và cả những quan chức lãnh đạo thời kỳ đó vừa chịu khó lắng nghe, lại còn trực tiếp đặt hàng các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho đất nước. Và những giải pháp này đã tức thời “cởi khó” giải quyết các nạn đói, siêu lạm phát qua đêm.
Với tôi, đây thật sự là một trạng thái “sắc sắc không không”. Từ chuyện “không có gì hết” thành “làm được nhiều việc”, đặc biệt là vấn đề không có cơ chế. Thậm chí không những không có cơ chế mà còn rất nguy hiểm nữa. Vậy tại sao lại có thể từ nhiều cái “không” mà ra nhiều cái “có”? Tôi đã suy nghĩ rất lâu và rút ra mấy điều.
Khi người ta đến với nhau, cùng có một cái “tâm sáng”, cùng chia sẻ một mục tiêu chung, tất làm nên chuyện lớn.
Trong mắt tôi, Thủ tướng Võ Văn Kiệt thực sự là một người “học từ việc hỏi”. Ông luôn thắc mắc, trao đổi với người này người khác, hỏi han tới nơi tới chốn, rồi sàng lọc và đưa ra chính kiến của riêng mình.
Điều mà tôi không ngờ nhất là khi về Việt Nam, làm việc với quan chức mà có một người có thể khiến tôi mỗi khi nghĩ tới đều chảy nước mắt, chính là Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Giai đoạn được làm việc với ông cùng nhóm Thứ Sáu là quãng thời gian làm việc ý nghĩa nhất trong cuộc đời tôi.
Hình ảnh rõ ràng nhất mà tôi thấy ở Thủ tướng Võ Văn Kiệt là thái độ thân thiện, cầu thị, luôn đau đáu nghĩ về người dân và đất nước Việt Nam. Ông khiến cho mọi người nghĩ ông là một người anh em, một đồng chí thực sự, đến đây trong tinh thần khích lệ anh em chia sẻ đóng góp cho đất nước. Đến mức khi chúng tôi ngồi xuống với ông có lúc quên rằng ông là một vị Thủ tướng.
Hơn mười năm có dịp tiếp xúc với ông, tôi chưa bao giờ thấy ông tặng cái gì cho ai với thái độ ban phát, kẻ cả. Tôi nhớ có lần, một thành viên nhóm Thứ Sáu (vốn là giáo sư đại học bên Mỹ về ở lại sau năm 1975), sau buổi dạy học bị mất chiếc xe đạp. Tối đó, làm việc với nhóm xong, ông Kiệt rủ anh em cùng đi tới nhà giáo sư tặng một chiếc xe đạp. Hình ảnh đó thật sự khiến người ta có thể nghẹn lời!
Ông cũng là người định nghĩa cho tôi về hai chữ “chịu chơi” theo kiểu người Nam của ông. Dường như ông nghĩ tôi là “Việt kiều”, tiếng Việt nghĩa đen nghĩa bóng không rành, có nhiều chuyện không hiểu hết nên ông rất hay giải thích. Ông nói: “Chịu chơi không phải là xả láng ăn nhậu đâu. Chịu chơi là anh em sống và làm việc tận tâm với nhau, khi có việc gì cần chia sẻ là phải hết lòng với nhau”.
Tôi còn đặc biệt ấn tượng với cách làm việc của ông, cũng như cách ông tham gia bàn bạc với nhóm Thứ Sáu.
Khoảng đầu năm 1995, có lần, Thủ tướng nói thư ký Nguyễn Thiệu đề nghị tôi tới gặp. Ông bảo: “Tôi sắp sửa gặp Ngân hàng Thế giới. Người ta nói là phải cải tổ bộ máy nhà nước và tư hữu hóa công ty nhà nước”. Động đến chuyên môn, tôi “sung” hẳn lên, nói một tràng gần cả giờ đồng hồ. Khi tôi nói xong, ông hỏi: “Nếu việc tư hữu hóa công ty nhà nước thành công, công ty vận hành hiệu quả, vậy thì nơi nào có 100 nhân viên tất nhiên giảm xuống còn 50. Mấy triệu người lao động sẽ bị nghỉ việc, họ sẽ đi đâu?”. Câu hỏi ấy làm tôi “điếng người” vì chưa chuẩn bị gì cho vấn đề này. Nhưng cũng nhờ câu hỏi của ông mà tôi “sáng dạ” ra. Sau đó, tôi cùng các đồng nghiệp đặt vấn đề lại với Ngân hàng Thế giới hỗ trợ chương trình nghiên cứu phát triển thành phần kinh tế tư nhân đầu tiên cho Việt Nam, phối hợp Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) triển khai ngay trong năm 1995.
Trong mắt tôi, Thủ tướng Võ Văn Kiệt thực sự là một người “học từ việc hỏi”. Ông luôn thắc mắc, trao đổi với người này người khác, hỏi han tới nơi tới chốn, rồi sàng lọc và đưa ra chính kiến của riêng mình.
Làm việc với ông, tôi cũng đã lĩnh hội được bài học này. Với tôi, ông là một người lãnh đạo vô cùng đặc biệt!
Xem thêm