Con số biết nói về chống tham nhũng
Tuy quyết liệt đấu tranh, xử lý nhưng tham nhũng vẫn rất tinh vi, phức tạp. Sự nguy hại của nó rất mạnh, làm tha hóa cả đội ngũ cán bộ. Điều quan trọng phải làm sao cho cán bộ phải không thể, không dám, không muốn tham nhũng...
15 cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị khởi tố, điều tra thời gian qua được thông tin tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày 18-11 là con số biết nói về quyết tâm đấu tranh, chống tham nhũng. Song điều quan trọng phải làm sao cho cán bộ phải "không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng".
Thời gian qua, cuộc đấu tranh "chống giặc nội xâm" đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Trong đó rất nhiều cán bộ cấp cao, kể cả ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy, tướng tá công an, quân đội... bị xử lý kỷ luật, hình sự.
Tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay đã có bốn cán bộ là ủy viên Trung ương Đảng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, bí thư, nguyên bí thư tỉnh ủy bị xử lý hình sự. Điều này cho thấy quyết tâm ý chí rất cao như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, dù người đó là ai.
Tuy nhiên quyết liệt đấu tranh, xử lý nhưng tham nhũng vẫn rất tinh vi, phức tạp. Sự nguy hại của nó rất mạnh, làm tha hóa cả đội ngũ cán bộ. Điển hình như vụ Việt Á, bên cạnh việc làm tha hóa cán bộ từ cấp bộ trưởng đến cán bộ ở nhiều địa phương, còn gây ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước, sức khỏe nhân dân.
Sự nguy hại này nói không quá là còn nguy hiểm hơn nhiều loại thuốc độc. So sánh với ma túy thì nguy hại của tham nhũng có thể ngang bằng, thậm chí có lúc còn hơn. Với ma túy chỉ cần ở số lượng nhất định nào đó, kẻ buôn bán sẽ bị tử hình và nhiều kẻ đã phải chịu mức án này.
Với tham nhũng dù đã có quy định của luật hình sự về khung hình phạt tử hình nhưng suốt thời gian dài qua chưa có ai bị tuyên mức án này.
Do đó bên cạnh việc xử lý nghiêm minh, quyết liệt hơn nữa thì các cơ quan chức năng cũng nên xem xét tuyên mức án cao nhất là tử hình đối với trường hợp tham nhũng lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng tới uy tín của Đảng, Nhà nước. Việc này để làm gương, răn đe cho cán bộ, nhất là người đứng đầu "không dám" tham nhũng.
Bên cạnh đó thời gian qua khung pháp lý ở một số lĩnh vực chưa chuẩn dẫn đến không ít đối tượng lợi dụng kẽ hở để "làm giá, thổi giá", trục lợi trong đấu thầu lĩnh vực y tế hay đất đai, nhà cửa. Vì vậy cần sớm xem xét sửa đổi, hoàn thiện các quy định có liên quan, nhất là về đấu thầu, giá, đất đai cũng như các pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự. Khi chặt chẽ được các quy định pháp luật thì sẽ "không thể" tham nhũng được.
Cần nói thêm lương thấp, đời sống không đảm bảo là một trong những nguyên nhân khiến cán bộ, công chức "chân ngoài dài hơn chân trong", lấy việc phụ, thu nhập phụ thành việc chính, thu nhập chính. Như vậy việc phụ lại thành việc chính, rồi nhũng nhiễu, tham nhũng để bù đắp vào phần thiếu hụt trong đời sống. Do vậy trong thời gian tới cần sớm thực hiện cải cách tiền lương để cán bộ, công chức có thể nuôi sống được mình, gia đình. Từ đó giúp họ "không cần, không muốn" tham nhũng nữa.
Song phải thẳng thắn nhìn nhận không phải cứ nâng lương cao lên sẽ hết tham nhũng. Bởi tham nhũng thường là những người có chức quyền, địa vị và đồng lương, thu nhập không hề thấp chút nào. Thậm chí còn là những người lĩnh lương "khủng" nhưng vẫn là chủ thể của tham nhũng. Bởi lòng tham là vô đáy, không giới hạn. Khi lòng tham đã ngự trị trong những con người này thì không biết bao nhiêu là đủ.
Xem thêm