Đi tìm người nấu phở ngon: Ấn tượng từ những đầu bếp tại gia
TTO - Vòng sơ khảo cuộc thi "Đi tìm người nấu phở ngon" diễn ra rất sôi động vào sáng 10-11 tại Hà Nội.
Các thí sinh được chọn từ vòng sơ tuyển phía Bắc - Ảnh: NAM TRẦN
Cuộc thi năm nay không chỉ thu hút thí sinh mới mà những thí sinh đã từng thi vẫn tiếp tục ứng thí, có người đã bay từ TP.HCM ra Hà Nội để cọ xát với người nấu phở phía Bắc.
Ban giám khảo vòng sơ khảo đã chọn được năm thí sinh từ bảng B (dành cho thí sinh không chuyên) và năm thí sinh từ bảng A (dành cho thí sinh chuyên nghiệp). 10 thí sinh này sẽ bước vào chung kết cuộc thi "Đi tìm người nấu phở ngon" diễn ra vào ngày 12-12 tại Hà Nội.
Tài xế công nghệ đua tài với đầu bếp phở sâm, phở bát đá
Phó chủ tịch - tổng thư ký Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam Lê Tân nhận định năm nay nhiều thí sinh phía Bắc can đảm, dù là dân không chuyên nhưng đã mạnh dạn đăng ký vào bảng dành cho dân chuyên nghiệp.
Phải kể đến thí sinh Nguyễn Xuân Thấu, một tài xế công nghệ đam mê nấu phở, đã đăng ký vào bảng thi chuyên nghiệp. Anh cho biết: "Tôi là người Hà Nội nên vẫn muốn giữ hương vị phở truyền thống. Tôi đi thi với mong muốn học hỏi thêm, tôn vinh phở truyền thống".
Ban giám khảo thắc mắc vì sao anh Thấu có khả năng thái thịt nhanh và mỏng như vậy, anh cho biết trước kia gia đình làm nghề giết mổ nên các thành viên trong gia đình đều có kỹ năng thái rất tốt.
Trong bảng A dành cho người chuyên nghiệp có hai đại diện được chú ý nhất bởi hương vị cũng như cách thức trình bày là phở sâm và phở bát đá.
Thí sinh Nguyễn Tự Tin năm ngoái đã thi tại TP.HCM, năm nay quyết tâm bay ra Hà Nội với mục đích được cọ xát, học hỏi và giới thiệu với thực khách Bắc hương vị phở sâm.
Nguyễn Tự Tin cho biết phở của anh là phở 3S (sâm, sá sùng và thịt bò - được coi là "sâm" của động vật). Ngoài hồi, quế, đinh hương, tiểu hồi, tần bì, phở của Nguyễn Tự Tin tạo nên sự khác biệt bởi vị của sâm Ngọc Linh.
Còn ông chủ chuỗi nhà hàng phở bát đá gây ấn tượng với thực khách bởi cách trình bày, cách ăn phở khác biệt. Anh Nguyễn Hữu Dương cho biết anh học mì cay của Hàn Quốc dùng bát đá nhằm giữ được nước dùng nóng lâu hơn.
Mỗi bát đá nước dùng phở đạt nhiệt độ 200 độ được đưa đến bàn thực khách, lúc này khách sẽ tự bỏ bánh phở, thịt, rau vào. Anh Dương cũng đặc biệt gây ấn tượng với khán giả bởi kỹ năng vừa thao tác vừa thuyết trình.
Tôi là người Hà Nội nên vẫn muốn giữ hương vị phở truyền thống. Tôi đi thi với mong muốn học hỏi thêm, tôn vinh phở truyền thống.
Thí sinh Nguyễn Xuân Thấu (một tài xế công nghệ đam mê nấu phở đã đăng ký vào bảng thi chuyên nghiệp)
Bà nội trợ có kỹ năng vượt trội
Ở bảng B dành cho thí sinh không chuyên, những bà nội trợ tỏ ra có nhiều kỹ năng vượt trội hơn hẳn những thí sinh đang học tại các trung tâm dạy nghề nấu ăn. Nhóm thí sinh đang học nấu ăn tại các trung tâm dạy nghề tham gia cuộc thi năm nay mắc phải rất nhiều lỗi sơ đẳng.
Ví dụ có thí sinh chần thịt bò trong nồi nước chần bánh làm lãng phí mất phần nước chất của thịt, hoặc có người nấu phở Hà Nội nhưng sử dụng các loại gia vị không phù hợp làm mất mùi phở.
Trong khi đó, nhóm thí sinh là phụ nữ nội trợ năm nay được ban giám khảo đánh giá cao. Thí sinh Nguyễn Thị Thanh Hà đã bỏ nghề nấu phở hàng chục năm nay là thí sinh đầu tiên thi (theo thứ tự bốc thăm). Dù vậy, thí sinh này đã rất bản lĩnh, và vị nước dùng của chị được ban giám khảo đánh giá rất tốt.
Ban giám khảo ấn tượng với vợ chồng thí sinh Nguyễn Thị Bình. Chị Bình là người Thái Bình nhưng đam mê phở Hà Nội nên suốt 10 năm qua học cách nấu và đi thi với mục đích để tự tin hơn.
Chồng của Bình sát cánh bên chị trong suốt cuộc thi. Sau khi vợ thi xong, anh ngồi ăn bát phở vợ làm một cách ngon lành và cho biết "phở vợ làm ngon hơn bên ngoài nhiều".
Thí sinh Nguyễn Thị Bình là top 5 được chọn của bảng B (dành cho người nấu phở không chuyên) và đã có thâm niên 10 năm nấu phở tại nhà. Đây là lần đầu cô đi thi, có chồng tháp tùng - Ảnh: NAM TRẦN
Tinh thần đẹp trong cuộc thi nấu phở
Trong mùa thi năm nay, điều đẹp đẽ nhất mà các thí sinh thể hiện chính là tinh thần tương trợ lẫn nhau. Thấy một thí sinh loay hoay với chiếc muôi có lớp dính của nhãn mác, thí sinh Phan Quý Long đã thi xong trước lập tức tìm cách giúp thí sinh này.
Hay khi thấy ông chủ phở bát đá hết bánh phở vì có quá đông thực khách tới xin thử phở, thí sinh Bùi Văn Luyện sẵn sàng chia sẻ bánh phở.
Hầu hết các thí sinh ở bảng thi dành cho người không chuyên đều đi thi vì mong muốn được giao lưu học hỏi. Thí sinh Phan Quý Long (Hà Nội) cho biết anh quyết định đi thi lần hai vì thấy cuộc thi rất vui và giúp anh học hỏi được nhiều kinh nghiệm.
Rút kinh nghiệm từ mùa trước, năm nay anh Phan Quý Long nấu phở "lên tay" và thuyết phục được ban giám khảo cho đi tiếp vòng sau.
Thí sinh Nguyễn Thị Bình cho biết được chứng kiến vòng thi của bảng A dành cho thí sinh chuyên nghiệp chị thấy vô cùng hào hứng và khâm phục. "Lần này về mình quyết tâm phải đầu tư học một khóa về phở thật chuyên nghiệp", chị Bình nói.
Năm nay ban tổ chức quyết định chia thành hai bảng thi để đảm bảo công bằng cho các thí sinh, để các "đầu bếp tại gia" cũng có cơ hội tại cuộc thi. Ban giám khảo sẽ căn cứ vào các yếu tố như hương vị món ăn, hình thức trình bày món ăn, kỹ năng chế biến, tính sáng tạo, vệ sinh, tác phong đầu bếp, thuyết trình để tìm ra những người nấu phở xuất sắc.
Ban giám khảo đánh giá các thí sinh phía Nam có ý thức đầu tư về phần trình bày hơn. Còn thí sinh phía Bắc chủ yếu đầu tư cho nồi nước dùng, thịt, bánh.
Ban giám khảo vòng thi sơ khảo phía Bắc: Phó chủ tịch - tổng thư ký Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam Lê Tân, Nghệ nhân dân gian Phạm Thị Ánh Tuyết, ông Kaneda Hiroki - giám đốc khối marketing Công ty cổ phần Acecook Việt Nam, bà Nguyễn Thị Tuyết - chuyên gia nấu ăn bậc III, nguyên phó hiệu trưởng Trường trung cấp nấu ăn và nghiệp vụ khách sạn Hà Nội.
Xem thêm