Địa phương hóa dạy nghề nông thôn

30/11/2020 | 354 |

TTO - Các tỉnh, tùy vào thực tế, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu tuyển dụng, sẽ tập trung đào tạo những nghề đặc thù, giúp giải quyết bài toán việc làm và nguồn nhân lực cho địa phương.

 

Địa phương hóa dạy nghề nông thôn - Ảnh 1.

Lãnh đạo Tổng cục GDNN phát biểu tại hội thảo sáng 24-11 - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" với mục tiêu đào tạo khoảng 1 triệu người mỗi năm. Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), 10 năm thực hiện đề án để lại nhiều kết quả tích cực và bài học kinh nghiệm.

Dạy nghề gắn với cơ cấu sản xuất, kinh doanh

Tỉnh Long An hiện có 25 cơ sở GDNN, trong đó có 3 trường CĐ, 7 trường trung cấp, 7 trung tâm. Nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất, làng nghề cũng tham gia dạy nghề. Đặc biệt, Trường CĐ Long An được Bộ LĐ-TB&XH lựa chọn đầu tư 5 nghề cấp độ quốc tế, 2 nghề cấp ASEAN và 1 nghề cấp quốc gia. Trường trung cấp nghề và đào tạo cán bộ Hợp tác xã Miền Nam được giao đào tạo 2 nghề cấp độ quốc gia.

Ông Nguyễn Đại Tánh - phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Long An cho biết, ngành nghề đào tạo gắn với cơ cấu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Các trường nghề trong tỉnh dạy trên 100 nghề, được thiết kế thích hợp với lao động từng vùng nông thôn. Chẳng hạn, đào tạo nghề hàn, cắt gọt kim loại, sửa chữa thiết bị may, may công nghiệp, điện công nghiệp... được triển khai hiệu quả ở các huyện Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc; dạy nghề sửa chữa động cơ nổ phát triển ở Tân An, Đức Huệ; nghề đan giỏ nhựa ở Tân An, Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Huệ, Tân Thạnh; nghề làm hoa vải ở Tân An, Tân Trụ...

Các nghề gắn với nông nghiệp cũng được chú trọng. Châu Thành, Tân Trụ phát triển nghề trồng thanh long tiêu chuẩn VietGAP; Hưng Thạnh, Tân Hưng đẩy mạnh đào tạo kỹ thuật trồng lúa theo VietGAP; Bến Lức chuyển giao kỹ thuật trồng chanh tiên tiến; Kiến Tường, Đức Huệ dạy kỹ thuật trồng nấm rơm; Cần Giuộc, Cần Đước, Tân An đào tạo trồng rau an toàn; Đức Hòa, Đức Huệ, Vĩnh Hưng, Tân Hưng với kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò...

"Nhờ triển khai đa dạng ngành nghề, tỉ lệ lao động qua đào tạo trên toàn tỉnh tăng từ 50% năm 2010 lên 71% năm 2020, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới" - ông Tánh nói.

Chúng tôi chỉ đạo các cơ sở đào tạo trước khi mở lớp phải phối hợp với các ban ngành đoàn thể ở địa phương xác định các phương án tự tạo việc làm tại chỗ hoặc ký hợp đồng với các doanh nghiệp để tuyển dụng lao động, bao tiêu sản phẩm cho người lao động sau học nghề. Nhờ vậy, tỉ lệ lao động nông thôn sau khi được hỗ trợ học nghề có việc làm giai đoạn này đạt trên 93%

Bà Huỳnh Thị Mỹ Hà (phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Long)

Tạo việc làm tại chỗ

Bà Huỳnh Thị Mỹ Hà - phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Long - cho biết tỉnh đang mở rộng đào tạo nhiều ngành nghề như xây dựng dân dụng, tiểu thủ công nghiệp, cơ khí hàn, điện dân dụng, may công nghiệp, trang điểm thẩm mỹ, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật chăn nuôi gia súc - gia cầm, nghiệp vụ nhà hàng, du lịch... Trong đó, thế mạnh nằm ở nghề xây dựng dân dụng, cơ khí hàn, may công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Bà Hà nhận xét những lớp học nghề xây dựng dân dụng đang được đánh giá cao khi vừa nâng tay nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn, vừa tận dụng được nguồn nhân lực tại chỗ cho nhiều công trình. Lớp học được tổ chức linh động về thời gian để đảm bảo nội dung và tạo điều kiện cho học viên làm việc, có thêm thu nhập. "Trong phần thực hành, học viên được hướng dẫn xây dựng các công trình phục vụ giao thông, xây nhà cho gia đình khó khăn, hộ nghèo... nên rất nhiệt tình tham gia" - bà Hà nói.

Những lớp học nghề thủ công mỹ nghệ như đan thảm lục bình, đan giỏ cũng thu hút nhiều lao động nông thôn do không đòi hỏi nhiều về học vấn, sức khỏe, tuổi tác. Các nghề này tận dụng thời gian nhàn rỗi, lại giúp có thêm thu nhập từ 1,5 đến 3 triệu đồng/tháng, trang trải chi phí sinh hoạt cho các gia đình nông thôn.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2016-2020, Vĩnh Long đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 35.132 lao động nông thôn, đạt 117,1% chỉ tiêu. Tỉnh chú trọng gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm sau các khóa học, nhấn mạnh "chỉ đào tạo nghề khi xác định được việc làm và thu nhập sau học nghề".

Bà Hà giải thích thêm, một trong những hướng đi là ưu tiên dạy nghề song song với các mô hình, dự án giải quyết việc làm, giảm nghèo cho lao động nông thôn. Chẳng hạn, đào tạo nghề chăn nuôi bò gắn với dự án hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo; nghề xây dựng dân dụng đi liền với hỗ trợ nhà ở cho các hộ gia đình khó khăn và xây dựng các công trình phúc lợi xã hội; đào tạo nghề trồng nấm bào ngư xám cho hộ nghèo đi kèm việc hỗ trợ phôi nấm để phát triển sản xuất.

Hỗ trợ lao động nông thôn học nghề

Ông Võ Văn Hiền - trưởng Phòng lao động việc làm và GDNN, thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kiên Giang - cho biết những năm qua đã có nhiều mô hình dạy nghề hiệu quả kinh tế cao, có khả năng nhân rộng. Các mô hình đều cho ra những sản phẩm được thị trường chấp nhận, mang giá trị thương phẩm.

Chẳng hạn, mô hình nuôi cá bống tượng, cá bống mú, nuôi rùa, rắn, kỳ đà ở huyện An Minh tạo thu nhập bình quân 2-3 triệu đồng/người/tháng. Mô hình cá lồng bè ở huyện Kiên Hải và Kiên Lương nhân rộng trên 800 lồng, giúp người lao động có thu nhập bình quân 23-25 triệu đồng/bè/vụ. Một số mô hình đào tạo nghề khác cũng đem lại nhiều giá trị như nuôi tôm sú, trồng tiêu, trồng lúa chất lượng cao, trồng nấm bào ngư, trồng rau mầm tạo thu nhập bình quân 3-5 triệu đồng/người/tháng...

Theo ông Hiền, chính sách hỗ trợ cho người học được đảm bảo. Tỉnh hỗ trợ thêm tiền đi lại cho học viên ở xa địa điểm đào tạo trên 15km 200.000 đồng/người/khóa học và thêm 300.000 đồng/khóa học đối với người khuyết tật và học viên cư trú ở xã thuộc vùng khó khăn. Chính sách này giúp các lao động nông thôn có thêm động lực học nghề.


Tin tức liên quan

Bình luận