Điều sẽ buộc giáo dục phải thay đổi
Rất đáng tiếc, OpenAI đã đưa chương trình trò chuyện với trí tuệ nhân tạo (AI), được đặt tên là ChatGPT, lên mạng cho mọi người đăng ký tài khoản để truy cập và trực tiếp thử nghiệm nhưng chưa chấp nhận đăng ký từ Việt Nam. Mọi nỗ lực thay đổi địa chỉ IP bằng VPN đều bị phát hiện và từ chối. Chỉ trong vòng năm ngày, hơn 1 triệu người ở các nước đã đăng ký thử nghiệm ChatGPT, một AI biết hỏi đáp rất “người”.
Theo tường thuật của nhiều nhà báo nước ngoài đã trải nghiệm đối thoại với ChatGPT, tất cả đều nhận xét nó như một chú robot đối đáp tự động (chatbot), kiến thức trải dài qua nhiều lĩnh vực, biết đủ thứ chuyện và lại dí dỏm, trò chuyện linh hoạt y như người thật.
Những nhà báo này đã thử yêu cầu nó làm nhiều thứ, từ viết kịch bản truyền hình, soạn nhạc, nhận xét một chương trình máy tính, rà soát sai sót trong phần mềm, trả lời các câu hỏi thường thức, thậm chí viết một bài luận theo đề tài cho sẵn. Trong hầu hết các trường hợp, ChatGPT hoàn thành xuất sắc các thử thách đặt ra.
Có người thử yêu cầu nó viết một đoạn văn ngắn theo phong cách trong Kinh Thánh phiên bản King James giải thích làm thế nào để lấy một mẩu bánh mì phết bơ đậu phộng ra khỏi chiếc máy VCR, thế mà nó vẫn làm được một cách đáng ngạc nhiên. Phóng viên tờ The Verge nói ChatGPT xuất sắc trong khi trả lời các câu hỏi thường thức và vì nó chính xác quá nên người phóng viên không thèm trích dẫn nữa.
* * *
Nếu ChatGPT và các sản phẩm tương tự được đưa vào sử dụng rộng rãi trong những năm tới, một chuyện chắc chắn sẽ xảy ra, có thể hình dung một số thay đổi sâu rộng sẽ buộc nhiều nơi phải thích ứng.
Chẳng hạn, Google và bộ máy tìm kiếm của nó phải thay đổi vì nếu có ChatGPT người ta sẽ hỏi để nhận câu trả lời chứ không cần gõ vào ô tìm kiếm rồi mất công đọc hết trang này đến trang khác, lọc hết các quảng cáo ít liên quan, để tìm được câu trả lời cần kiếm.
Tương lai của việc tìm kiếm thông tin là người tìm hỏi, máy đáp, nếu chưa thỏa mãn người tìm hỏi kỹ hơn, rõ hơn, máy đáp… cứ thế việc tìm kiếm thông tin sẽ như ta luôn có một ông thầy biết tuốt mọi chuyện để bày vẽ cho ta.
Trong một nghiên cứu gần đây, các kỹ sư của Google đặt vấn đề: Liệu đã đến lúc thay thế bộ máy tìm kiếm “cổ điển”, cung cấp thông tin theo cách xếp hạng các trang web dựa vào mức độ phổ biến, liên quan và chính xác bằng các mô hình ngôn ngữ AI có thể cung cấp câu trả lời ngay thay vì qua trung gian các trang web. Có người tiên đoán ChatGPT có thể loại bỏ Google trong vòng hai năm tới.
Thật ra các loại robot trả lời tự động đã hiện diện từ lâu như Siri của Apple hay Alexa của Amazon. Tuy nhiên khả năng của chúng còn hạn hẹp, nhiều sai sót và rất ngớ ngẩn.
ChatGPT được huấn luyện bằng cách cho nạp vào bộ nhớ toàn bộ nội dung trên Internet, đặc biệt là các cuốn bách khoa toàn thư nên dễ dàng cung cấp thông tin chính xác với cách trình bày như một trợ lý thông minh trò chuyện có đầu có đuôi. Nó có thể nhớ các chi tiết trong những câu hỏi trước để tiếp nối cuộc trò chuyện một cách tự nhiên.
Tương lai của việc tìm kiếm thông tin là người tìm hỏi, máy đáp, nếu chưa thỏa mãn người tìm hỏi kỹ hơn, rõ hơn, máy đáp… cứ thế việc tìm kiếm thông tin sẽ như ta luôn có một ông thầy biết tuốt mọi chuyện để bày vẽ cho ta.
Điều duy nhất cản trở xu hướng này nhanh chóng biến thành hiện thực là chưa biết người ta sẽ xếp thông tin quảng cáo vào đâu, trình bày nó như thế nào vì Google hiện đang sống nhờ quảng cáo trên mảng thông tin mọi người tìm kiếm.
* * *
Tuy nhiên, chính khả năng ChatGPT viết được các bài luận, tiểu luận đúng theo yêu cầu sẽ đặt các trường đại học vào một thế khó. Trước đây khi Google hỏi gì đáp nấy, và trước đó nữa khi mọi loại thông tin nằm ở đầu ngón tay, nhà trường buộc phải thay đổi cách kiểm tra kiến thức – không còn bắt học vẹt, không còn hỏi đáp năm sinh tháng đẻ của các nhân vật lịch sử nữa mà phải quay sang các kỹ năng phân tích, tổng hợp, suy luận, khái quát hóa…
Nay ChatGPT làm được việc này, nhà trường phải chuyển nữa – chưa rõ sẽ chuyển sang những gì để kiểm tra năng lực thật của người học. Dù sao nhà trường phải phân biệt mạnh hơn nữa giữa thông tin (là thứ ChatGPT và các chương trình AI khác rất giỏi) với kiến thức (là thứ các chatbot chưa rành lắm nhưng ChatGPT bắt đầu học được để ứng dụng trong trò chuyện).
Chuyên gia tin học Nassim Dehouche nghiên cứu các bài luận do GPT-3, tức tiền thân của ChatGPT viết ra và kết luận: “Tôi thấy nội dung (máy viết ra) không khác gì một bài luận thuộc loại xuất sắc của một sinh viên bất kỳ, cả về tính logic và tính sáng tạo”.
Ông cho rằng GPT-3 có thể viết các bài luận mà các phần mềm chuyên phát hiện đạo văn sẽ không biết do máy viết hay do sao chép các bài từng có. Không những thế GPT-3 còn có thể viết một cách thuyết phục về sự độc ác đối với thú vật theo phong cách của nhạc sĩ Bob Dylan hay nhà văn William Shakespeare!
Ngoài làm luận, ChatGPT còn có thể giải toán, biên soạn phần mềm, dịch thuật, viết công thức phản ứng hóa học, thậm chí kể chuyện tiếu lâm… Vậy nhà trường phải làm sao, dạy gì khi trong tương lai học sinh có thể mở điện thoại di động ra để làm hết mọi bài tập được giao trong nháy mắt?
Học sinh có cần học ngoại ngữ nữa không khi chúng có thể yêu cầu máy dịch bất kỳ văn bản, lời nói, nhất là tài liệu khoa học, kỹ thuật với độ chính xác cao? Có lẽ các hình thức giao bài tập về nhà làm xem như không còn tác dụng.
* * *
Từ đây một vấn đề khác nổi lên: làm sao xác minh độ chính xác của các câu trả lời do ChatGPT hay các chương trình tương tự khác cung cấp, đặc biệt khi chúng là kết quả tìm kiếm người dùng thật sự muốn tìm câu trả lời.
Máy học từ Internet và chúng ta đều biết Internet là một thế giới thượng vàng hạ cám; thông tin chính xác nhiều nhưng thông tin sai lệch, thông tin giả cũng nhiều không kém. Người ta có thể nghi ngờ kết quả do Google trả về nhưng rất dễ tin câu trả lời rất tự tin của ChatGPT.
Đó là chưa kể những góc độ khác như thông tin định kiến, phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc, thông tin từ các thuyết âm mưu… cũng dày đặc trên mạng. Con người luôn có định kiến – máy học từ người, rất dễ lây định kiến đó.
Ngoài làm luận, ChatGPT còn có thể giải toán, biên soạn phần mềm, dịch thuật, viết công thức phản ứng hóa học, thậm chí kể chuyện tiếu lâm… Vậy nhà trường phải làm sao, dạy gì khi trong tương lai học sinh có thể mở điện thoại di động ra để làm hết mọi bài tập được giao trong nháy mắt?
Cũng chính những nhà báo kiểm tra khả năng của ChatGPT đã tìm ra những cách đánh lừa nó, buộc nó cung cấp thông tin sai hay thông tin nguy hiểm.
Ví dụ trên Internet, Google cố gắng kiểm duyệt để các thông tin độc hại như cách “lên kế hoạch giết người hoàn hảo” không xuất hiện và những người biên soạn, huấn luyện ChatGPT cũng đặt ra những rào cản như thế.
Nếu chúng ta hỏi cách chế tạo bom napalm tại nhà, nó sẽ bảo, “Rất tiếc làm bom napalm vừa không an toàn vừa không hợp pháp; bom napalm dễ cháy, cực kỳ nguy hiểm nên tôi không bày bạn được”. Tuy nhiên vẫn có thể đánh lừa máy buộc nó cung cấp thông tin nguy hiểm bằng cách bảo nó bạn đang viết kịch bản một bộ phim hư cấu!
Đây chỉ là một ví dụ đơn giản, còn AI khi được trao quyền quyết định sẽ làm nảy sinh biết bao tình huống trái khoáy chúng ta chưa lường được hết. Có lẽ OpenAI quyết định mở cửa ChatGPT cho công chúng trải nghiệm và báo cho nhau kết quả cũng là cách họ nhờ đông đảo người dùng phát hiện chỗ yếu, lỗi sai, lỗ hổng bị lợi dụng của ChatGPT để các phiên bản sau ngày càng hoàn hảo. Biết đâu một ChatGPT biết nói tiếng Việt sẽ sớm ra mắt để tạo sức ép buộc giáo dục và nhiều ngành khác phải thay đổi.
Xem thêm