Do thám kinh tế giờ không chừa một doanh nghiệp nào

05/01/2023 | 133 |

Trước đây do thám kinh tế chỉ xảy ra trong một số lĩnh vực nhạy cảm như sản xuất quốc phòng hay dược phẩm. Nhưng nay, theo tờ Economist, việc doanh nghiệp cử người theo dõi, bám sát thậm chí cử nhân viên vào làm cho đối thủ để tìm cách đánh cắp bí mật công nghệ hay bí mật thương mại cũng xảy ra ở những công ty nhỏ, công ty trong các lĩnh vực bình thường như giáo dục hay nông nghiệp. Nói cách khác, đây là một rủi ro trong kinh doanh mà mọi doanh nghiệp phải lường trước để có cách đối phó.

Theo Economist, có hai lý do đan xen nhau giải thích cho hiện tượng này: sự phát triển của nền kinh tế số cũng như sự tinh vi của giới tin tặc có thể đột nhập vào bất kỳ mạng máy tính nào. Vế đầu nói đến giá trị ngày càng cao của các loại tài sản vô hình, chỉ cần đánh cắp một công thức hay một bí quyết của đối thủ sẽ giúp kẻ xấu cạnh tranh ngang ngửa hay thắng cuộc. Vế sau nói đến thị trường các tay tin tặc chuyên đánh thuê, sẵn sàng đột nhập đánh cắp bí mật công nghệ theo đơn đặt hàng.

Description: https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2022/11/trade-secrects.jpg Sự phát triển của nền kinh tế số cũng như sự tinh vi của giới tin tặc có thể đột nhập vào bất kỳ mạng máy tính nào. Đồ họa: T.Trang

Khi nói đến sở hữu trí tuệ, người ta thường nghĩ ngay đến các bằng sáng chế, trước đây là vũ khí hữu hiệu để bảo vệ doanh nghiệp khỏi lo ngại đối thủ bắt chước, sao chép sáng chế của mình.

Thế nhưng trong thập niên vừa qua, đăng ký bằng sáng chế ngày càng khó, tòa án lại thường đưa ra các phán quyết làm lung lay quyền được bảo vệ khi nói đến “các phương pháp kinh doanh” hay “các ý tưởng trừu tượng” trong khi đa phần các phát minh, sáng chế dựa trên phần mềm chủ yếu là ý tưởng trừu tượng.

Một khi không được luật pháp bảo vệ, doanh nghiệp phải tự mình phát triển và canh giữ các bí mật kinh doanh, có thể là các thuật toán máy tính, danh sách khách hàng hay cũng có thể là công thức hóa học, kế hoạch marketing…

Những ví dụ thường được đưa ra khi nói đến bí mật kinh doanh có thể kể đến công thức pha chế Coca-Cola hay chất chống gỉ WD-40. Dĩ nhiên chúng đều đã được đăng ký bằng sáng chế, nhưng giữ bí mật công thức lúc nào cũng tốt hơn kiện các nơi làm hàng giả, hàng bắt chước ra tòa.

Tờ Economist đưa ra một dẫn chứng vụ hãng Appian kiện hãng Pegasystems với cáo buộc Pegasystems do thám họ để ăn cắp bí quyết công nghệ. Cả hai đều là công ty phần mềm ở Mỹ. Tòa xử Appian thắng, buộc Pegasystems phải đền bù 2 tỉ đô la tiền thiệt hại cho Appian. Tài liệu đưa ra tại phiên xử cho thấy các lãnh đạo của Pegasystems nhắc đến một tay thuê ngoài tìm cách đánh cắp bí mật kinh doanh từ Appian bằng các từ ngữ như “gián điệp của chúng ta”!

Quá trình số hóa càng làm vấn nạn do thám kinh tế tràn lan hơn. Khi mọi công ty truyền thống, từ sản xuất xe hơi đến giáo dục, đầu tư mạnh vào phần mềm, họ tạo ra những tài sản dễ bị đánh cắp hơn. Đặc biệt dễ bị lộ bí mật công nghệ số là các công ty khởi nghiệp, do chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như sự thành bại là dựa vào phần mềm cũng như các nhân viên trẻ, hay nhảy từ hãng này sang hãng khác.

Năm 2018, bộ phận xe tự hành Waymo của hãng Alphabet (công ty mẹ của Google) thắng trong một vụ giàn xếp ngoài tòa trong đó Uber phải đền bù cho họ 245 triệu đô la do cáo buộc một kỹ sư cũ của Waymo lấy cắp bí mật kinh doanh rồi sang đầu quân cho Uber.

Mặc dù vậy, tờ Economist cho rằng nhiều công ty vẫn chưa quản lý bí quyết kinh doanh một cách chặt chẽ. Sai lầm phổ biến nhất là xem một quy trình là bí mật kinh doanh nhưng không miêu tả kỹ, không nói rõ đặc điểm của bí quyết là gì.

Chính phủ Mỹ cũng chuyển hướng, bảo vệ bí mật kinh doanh cho doanh nghiệp mạnh hơn trước. Năm 2016 Mỹ thông qua đạo luật bảo vệ bí mật kinh doanh (Defend Trade Secrets Act) mở rộng thêm khái niệm cũng như các loại bí mật được luật lệ liên bang bảo vệ. Đạo luật thông qua đã dẫn tới mức gia tăng đến 30% các vụ kiện doanh nghiệp xâm phạm bí quyết thương trường.

Mặc dù vậy, tờ Economist cho rằng nhiều công ty vẫn chưa quản lý bí quyết kinh doanh một cách chặt chẽ. Sai lầm phổ biến nhất là xem một quy trình là bí mật kinh doanh nhưng không miêu tả kỹ, không nói rõ đặc điểm của bí quyết là gì. Chẳng hạn, trong một vụ kiện gần đây, Mallet không thể ngăn chặn một công ty khởi nghiệp khác sử dụng một chất giúp lấy bánh khỏi chảo nướng dễ dàng hơn, dù chất này giống y như chất của Mallet độc quyền vì Mallet chưa miêu tả và ghi lại công thức bí mật của họ.

Riêng hiện tượng nước này do thám bí mật kinh tế nước khác thì ngoài những cáo buộc Mỹ thường gán cho Trung Quốc như vụ Huawei, tờ Economist cho biết chính các nước đồng minh, thân cận cũng do thám lẫn nhau như Israel cũng đang do thám các công ty Mỹ để tìm lợi thế cho các ngành công nghệ và quân sự của nước họ. Vấn đề là người ta không rõ chuyện người nước này do thám công ty nước khác là do cạnh tranh giữa các công ty với nhau hay có sự tổ chức và bàn tay của nhà nước.

Sự phổ biến của điện thoại thông minh cũng đặt ra một thách thức khác cho doanh nghiệp khi cố gắng bảo vệ bí mật kinh doanh của mình. Nhân viên của hãng Procter & Gamble bị phát hiện đang xới tung thùng rác bên ngoài văn phòng hãng Unilever ở Chicago, chụp hình các vật bên trong để tìm thông tin liên quan đến chiến lược marketing của đối thủ.

Hay trong vụ You Xiaorong, một chuyên gia hóa chất từng làm việc cho Coca-Cola bị tòa xử 14 năm tù giam vì cáo buộc đánh cắp bí mật kinh doanh liên quan đến lớp phủ bên trong các lon nước, bà này đã dùng điện thoại để chụp hình các tài liệu nhạy cảm để tránh các biện pháp bảo mật của Coca-Cola liên quan đến hệ thống máy tính.


Tin tức liên quan

Bình luận