Cách cân bằng cảm xúc ki 'bỗng dưng thất nghiệp'!

28/08/2021 | 308 |

TTO - Đại dịch kéo dài, số lượng doanh nghiệp giải thể lẫn tạm đóng cửa tăng vọt, đầu việc toàn thời gian lẫn bán thời gian theo đó đều bị cắt giảm đáng kể.

 

 

Cách cân bằng cảm xúc khi bỗng dưng thất nghiệp! - Ảnh 1.

Hiện có nhiều hoạt động online bổ ích và miễn phí dành cho giới trẻ trau dồi kiến thức trong thời gian rỗi mùa dịch. Trong ảnh: hội thảo đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên của Quỹ học bổng VietSeeds do các cựu sinh viên ĐH Stanford (Hoa Kỳ) thành lập - Ảnh: VINH SAN

Điều này dẫn đến nhiều áp lực, hệ lụy về tinh thần ở lao động trẻ.

Niềm tin vào bản thân bị lung lay

Là người dẫn chương trình tự do cho nhiều hoạt động lớn nhỏ, Hữu Tuấn (25 tuổi) cho biết từ đầu tháng 5 đến nay thu nhập gần như chỉ bằng 10% cùng kỳ năm 2020.

"Tôi nhận vài dự án thu âm nhỏ và nói thật thu không đủ bù chi. Tôi bị khủng hoảng và bi quan, trống rỗng vì có cảm giác bản thân không còn giá trị", Hữu Tuấn thừa nhận.

Còn với Phi Anh (21 tuổi, sinh viên ĐH Nguyễn Tất Thành), việc không còn được đi làm bán thời gian khiến bạn áp lực nặng nề về yếu tố tài chính lẫn tinh thần. "Tiền trọ, điện nước và sinh hoạt phí... đều đặn đến trong khi tiền để dành cạn kiệt. Tôi mất ngủ và buổi sáng mất động lực thức dậy vì cảm giác vô dụng", Phi Anh nói.

Theo một khảo sát vừa được Công ty tư vấn nhân sự Adecco Việt Nam thực hiện trên 650 lao động cả nước, phụ cấp hằng tháng cho tiền điện hoặc điện thoại là yếu tố rất quan trọng với họ (64,3% với thế hệ Z, 54,8% thế hệ Y, 57,7% với thế hệ X...), và 32% người tham gia khảo sát gặp khó khăn về các chi phí hằng ngày. 

Có lẽ đây là một kết quả gây bất ngờ với nhiều người vì yếu tố trên có vẻ "tiểu tiết". 

Điều đáng nói, đó là nỗi lo lắng của các lao động làm việc ở nhà chứ chưa rơi vào tình trạng thất nghiệp. Và cũng theo khảo sát, trong khi khoảng 80% nhân viên coi trọng sức khỏe tâm thần thì có đến 33% doanh nghiệp không có bất kỳ hỗ trợ nào về khía cạnh này!

Bài toán trên chắc chắn càng trở nên đáng báo động với những bạn trẻ bị ảnh hưởng từ việc cắt giảm nhân sự.

Giá trị bản thân không nên "đong" bằng tiền

ThS tâm lý Lê Trần Hoàng Duy (tốt nghiệp ĐH Newcastle, Úc) cho rằng nghề nghiệp là một khía cạnh quan trọng trong đời sống của người trẻ. Các hệ quả của việc thất nghiệp rất đa dạng, trong đó có sự căng thẳng do thiếu thốn về mặt tài chính khi không còn nguồn thu nhập định kỳ.

"Sự căng thẳng này có liên quan đến việc người trẻ phải thắt chặt chi tiêu và giảm khả năng chăm lo cho người thân. Bên cạnh đó, việc tạm thời tạo ra ít hơn hẳn các giá trị cho cộng đồng, tổ chức hay cho gia đình còn làm tổn thương đến lòng tự trọng, đến cảm giác tạo ra thành tựu và hình ảnh, giá trị bản thân ở người trẻ", anh phân tích.

Theo ThS Hoàng Duy, ngoài những giải pháp trực tiếp như nỗ lực tìm kiếm các cơ hội nghề nghiệp khả quan hoặc tìm nguồn thu nhập theo những cách mới, câu trả lời nằm ngay trong chính nội tâm của người trẻ. 

Theo anh, họ có thể tự hỏi điều gì ngay lúc này có thể làm để thấy rằng mình vẫn chăm lo được cho người thân, bản thân dù tạm thời thất nghiệp? Đó có thể là những sự quan tâm rất đời thường như nấu một bữa ăn ngon, nói một lời khích lệ hay đơn giản là chia sẻ với nhau những khoảng thời gian có chất lượng. 

Hoặc chúng ta cũng có thể tranh thủ khoảng thời gian "đặc biệt" này để tái khám phá những đam mê mà bản thân từng muốn nhưng khó theo đuổi vì quá bận bịu như trồng cây, vẽ tranh, viết lách...

"Những hoạt động mang tính phát triển bản thân đi kèm với "phần thưởng" tinh thần ngay lập tức hoặc sản phẩm hữu hình như trên có thể giúp người trẻ cân bằng lại cảm giác thiếu giá trị", anh khẳng định.

Chia sẻ về câu chuyện trên, ThS.BS CK1 Nguyễn Trung Nghĩa (chuyên khoa tâm thần tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn) nêu giải pháp: "Trước tiên chúng ta cần tập cách biết ơn, tạm ngừng nhìn về quá khứ với những nỗi tiếc nuối về các mất mát, cũng hạn chế nghĩ về tương lai bất an giả định. Chúng ta hãy nhìn vào hiện tại và thấy rõ bản thân đã may mắn hơn nhiều người. Mỗi ngày hãy dành thời gian nghĩ đến hoặc viết ra ba điều tích cực bản thân đang có, chẳng hạn như mình vẫn còn khỏe mạnh hoặc ít ra còn có gia đình kề bên".

Theo bác sĩ Trung Nghĩa, từ góc nhìn tâm lý học thì mục tiêu và giá trị là hai khái niệm khác nhau. Việc chúng ta không hoàn thành được mục tiêu không có nghĩa chúng ta vô giá trị.

"Mục tiêu là thứ chúng ta muốn đạt được, còn giá trị là kiểu người mình muốn trở thành. Có rất nhiều phương thức để đạt được giá trị, và việc làm cùng tiền bạc chỉ là hai trong số đó. Nếu giá trị của chúng ta là trở thành người tử tế, ngoài việc đóng góp tiền cho quỹ thì chúng ta có thể lắng nghe, giúp đỡ người khác về mặt tinh thần lúc "túi tạm rỗng" để vẫn trở thành người tử tế", anh nói

Còn với ThS tâm lý Nguyễn Hồng Ân (quyền trưởng bộ môn tâm lý học ĐH Hoa Sen), công việc là yếu tố quan trọng nhưng không quyết định tất cả giá trị của một cá nhân.

"Chưa kể trong hoàn cảnh dịch bệnh luôn có những điều chúng ta không thể kiểm soát được hoàn toàn, vì vậy cần thiết học cách thấu hiểu và chấp nhận những thử thách, thất bại như một phần của cuộc sống. Theo tâm lý học hiện sinh, ý nghĩa cuộc sống không có sẵn để chúng ta nắm lấy mà nằm trong mỗi lựa chọn, quyết định với hiểu biết và trách nhiệm của chúng ta. Chúng ta có khả năng tự tạo ra ý nghĩa cho cuộc sống của mình trong cả thành công lẫn thất bại", ThS Hồng Ân cho biết.


Tin tức liên quan

Bình luận