Cầm bàn tay con
TTO - Một hình ảnh quen thuộc, nhưng quen thuộc thôi vốn vẫn chưa đủ bởi đôi khi những hành động quá quen, quá thường nhật lại khiến người ta mặc nhiên không thường nghĩ đến, hoặc không còn nhớ có những điều tuy bé nhỏ nhưng thật thiêng liêng.
Sau Đi - ở - nhớ - về và Mai kia mốt nọ mình rời bỏ người ta, tản văn Cầm bàn tay con của nhà báo Ngô Nguyệt Hữu vừa được Nhà xuất bản Văn Học phát hành. Cuốn sách là tổng hợp những ghi chép nhỏ trong cuộc sống thường ngày của chính tác giả về mái ấm gia đình, những ký ức hôm qua, những hiện hữu hôm nay và những xúc cảm đời thường quẩn quanh từ bạn bè, công việc đến những điều vụn vặt không thể gọi tên.
Cầm bàn tay con - một hình ảnh quen thuộc, nhưng quen thuộc thôi vốn vẫn chưa đủ bởi đôi khi những hành động quá quen, quá thường nhật lại khiến người ta mặc nhiên không thường nghĩ đến, hoặc bởi những cuộc sống cứ kéo con người ta theo cái nhịp xô bồ, không còn mấy nhớ có những điều tuy bé nhỏ nhưng thật thiêng liêng. Bởi vậy khi lắng lòng mình lại, chầm chậm quan sát, chầm chậm vỗ về, những dòng tâm tư của Ngô Nguyệt Hữu như cây đũa thần khuấy lên những tình cảm yêu thương ngỡ đang nằm yên đó, ngủ quên rồi.
"Như hôm nay sau mưa, ba con cùng ngồi ăn khế trước cửa nhà. Đằng đẵng nhiều năm trôi qua, có hờn trách gì nhau đi chăng nữa, chỉ cần nhớ đến lúc này, thì làm sao chúng ta có thể không thương nhau. Phải không con?" (Trích Cầm bàn tay con). Phần nhiều người thường không biết cách hoặc e ngại bộc bạch lời yêu thương với cha mẹ, với vợ, với chồng, với các con của mình, dẫu biết tình cảm ấy vẫn thường trực ở đó. Đọc sách, có lẽ phần nào sự e dè, ngại ngùng được kéo gần lại.
Tập tản văn với lối viết đầy ắp sự chân thành mà cũng rất duyên, đôi khi pha trò hài hước, có lúc nghịch ngợm. Cũng có những đoạn ngắn đôi khi còn rời rạc và vài những quãng dường như chẳng liên quan gì đến nhau, nhưng rồi sự xâu chuỗi hồn nhiên của tác giả trong từng con chữ cứ dẫn dắt, lôi cuốn người đọc cho đến khi khép lại một trang vẫn còn vấn vít đâu đó cái cảm giác bâng khuâng, chan chứa ngập lòng.
Không giáo điều áp đặt, không đao to búa lớn, giọng văn tác giả cứ rủ rỉ rù rì, nhẹ nhàng vỗ về cảm xúc, hòa quyện với từng ngóc ngách tâm hồn người đọc. Dường như ai cũng nhìn thấy đâu đó bóng dáng của mình. Kẻ tha hương cay mắt với bụi đất đỏ đường làng, người thương quê nhà thảng thốt giật mình âm thanh gà gáy sáng, người trót lỡ lầm biết mái nhà kia còn ánh đèn có người đang đợi, người còn may mắn thêm trọn đạo hiếu với cao đường, và những khoảng trống mồ côi tìm thấy nhau trong hoe hoe mắt đỏ...
Xem thêm