Chăm lo cho người về quê
TTO - Sau bất ngờ trước làn sóng 'hồi hương', các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã dốc sức chăm lo an sinh và bắt đầu giải quyết việc làm và ổn định cuộc sống cho những người vừa từ phương xa trở về.
Trong 10 ngày qua, mỗi tỉnh miền Tây đã đón vài chục ngàn người dân về từ TP.HCM, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An... Nhiều thứ phải lo, chăm sóc y tế, giải quyết việc làm, lo chỗ học cho các cháu nhỏ...
Lo trước mắt: an sinh
Ngày 9-10, ông Đoàn Tấn Bửu - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết tỉnh có trên 28.000 người về quê. Ngoài việc lo ăn uống và xét nghiệm miễn phí trong thời gian cách ly, Đồng Tháp đang vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ túi an sinh cho bà con.
"Đồng Tháp đang làm khẩn cấp các gói an sinh cho bà con về quê. Chủ yếu vận động các doanh nghiệp hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho họ ăn uống trong quá trình cách ly", ông Bửu nói thêm.
Tương tự, ông Nguyễn Tiếc Hùng - chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh An Giang - cho hay đã có trên 47.000 người về quê trong mấy ngày qua. Ủy ban MTTQVN tỉnh An Giang đã phối hợp các sở, ngành, đoàn thể và địa phương vận động nguồn lực xã hội thực hiện chương trình "Triệu phần quà đại đoàn kết" và "Túi an sinh" nhằm hỗ trợ kịp thời, đảm bảo mọi người dân không bị đói.
Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ 11.000 "Túi thuốc gia đình" (trị giá 100.000 - 150.000 đồng/phần) cho người dân tỉnh An Giang về địa phương từ ngày 1-10 vừa qua. "Hiện nay, Ủy ban MTTQVN các huyện và xã sẽ lo nhu yếu phẩm ban đầu cho bà con.
Còn Ủy ban MTTQVN tỉnh An Giang sẽ chuyển gạo giao cho các huyện xử lý trước mắt. Dự kiến ngày 12-10 Ủy ban MTTQVN tỉnh An Giang sẽ tổ chức lễ trao hỗ trợ và phát động chương trình tại huyện Châu Thành", ông Hùng cho biết.
Ông Trần Văn Lâu - chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cho hay khoảng 40.000 người dân Sóc Trăng ở các tỉnh, thành phố về quê dù cách ly tập trung hay ở nhà đều được chăm sóc chu đáo, cung cấp các bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng và kịp thời.
"Ngoài ngân sách, Sóc Trăng kêu gọi sự ủng hộ, chung tay của cộng đồng. Người dân mình tinh thần tương trợ rất cao, hưởng ứng nhiệt tình từ trái tim, rất cảm động. Tỉnh lo cho bà con miễn phí tất cả. Sóc Trăng sẽ có nghị quyết về gói an sinh hỗ trợ người dân khó khăn trở về quê", ông Lâu nói.
Về nhà chỉ là "nửa câu chuyện"
Vấn đề quan trọng nhất cần đầu tư nhiều hơn là tạo việc làm, chăm lo học hành cho con em người về quê. Một lãnh đạo UBND tỉnh An Giang cho hay nhiều ngày qua một số doanh nghiệp đã ngỏ ý sẽ nhận hơn 10.000 lao động vào làm việc tại các công ty, khu công nghiệp của tỉnh. "Trước mắt, có 3 doanh nghiệp cho biết sẽ nhận trên 13.000 lao động.
Tuy nhiên, chúng tôi cần làm việc rõ ràng với doanh nghiệp về điều kiện tiêm vắc xin, đào tạo nghề rồi mới công bố. Có thể UBND tỉnh sẽ hỗ trợ người dân vừa làm vừa học nghề", một lãnh đạo tỉnh An Giang nói.
Ông Đoàn Tấn Bửu cho biết qua khảo sát có trên 34% người về quê đợt này có nhu cầu ở lại địa phương. Vì vậy, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương sau khi người dân hoàn thành cách ly, theo nhu cầu và nguyện vọng của người dân, sẽ hỗ trợ đào tạo nghề cho nhóm này, giúp họ có cơ hội tìm việc làm ổn định.
"Đối với người dân có nhu cầu ở lại tỉnh, chúng tôi sẽ liên kết với các doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho họ. Số còn lại, có nhu cầu quay lại các tỉnh, thành phố lớn khi dịch bệnh ổn định, chúng tôi sẽ tạo điều kiện hỗ trợ", ông Bửu cho biết.
Theo chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, được về quê và về đến nhà, với người dân, chỉ mới là nửa câu chuyện. Câu chuyện dài sắp tới là công ăn việc làm cho người dân sau khi dịch bệnh được kiểm soát vẫn còn phải bàn, phải tính.
"Chúng tôi đã yêu cầu Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, các sở, ngành và các doanh nghiệp tìm hiểu nhu cầu việc làm, thu nhận người dân trở về quê vào làm. Sóc Trăng đang nỗ lực bảo vệ vùng xanh, doanh nghiệp phục hồi sản xuất sẽ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người dân", ông Lâu cho hay.
Riêng TP Cần Thơ, giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Trần Thị Xuân Mai cho hay đang cập nhật danh sách, nhu cầu tìm việc, trình độ chuyên môn của người lao động ngoài tỉnh về, đồng thời đề nghị các đơn vị sử dụng lao động thống kê nhu cầu tuyển dụng để tổ chức sắp xếp việc làm cho người dân sau khi hết thời gian cách ly phòng chống dịch.
Cần Thơ cũng có công văn phối hợp với TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Long An và Đồng Nai về nhu cầu tuyển dụng lại lao động khi các doanh nghiệp phục hồi sản xuất để sẵn sàng kết nối tổ chức đưa người lao động trở lại làm việc.
Xem thêm