Chỉ dạy học thôi không được sao?
Được tập trung làm công việc chuyên môn đang trở thành “mong ước ngậm ngùi” của người làm trong ngành giáo dục. Áp lực những công việc ngoài chuyên môn dạy học ngày càng đè nặng lên vai giáo viên và ngày càng làm bộc lộ những việc đáng buồn.
Vừa qua ở Hà Tĩnh, một phụ huynh đã mang dao vào trường tiểu học đe dọa, bắt hiệu trưởng phải quỳ xin lỗi. Theo lời thầy hiệu trưởng nhà trường, phụ huynh này có hai con đang học tại trường chưa đóng tiền bảo hiểm y tế và trước đó nhà trường có phát loa nêu tên các học sinh chưa đóng bảo hiểm y tế khiến phụ huynh bức xúc.
Còn gì chua xót hơn khi nghe những lời này từ thầy hiệu trưởng trên báo chí: “Sau sự việc bị phụ huynh vác dao đến trường xưng tao mày, đòi chém giáo viên, bắt tôi phải quỳ xin lỗi, tôi cảm thấy rất xấu hổ và nhục nhã”.
Cũng theo lời thầy hiệu trưởng, nhà trường bị áp lực khi thu bảo hiểm chưa đủ chỉ tiêu. Lý do là “bảo hiểm y tế bắt buộc, thực tế là bên bảo hiểm phải thu nhưng có văn bản của Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh gửi lên sở giáo dục và đào tạo và chỉ đạo trên xuống giao cho nhà trường có trách nhiệm tuyên tuyền đến cán bộ giáo viên, học sinh, tổ chức thu bảo hiểm y tế để đạt 100% học sinh phải tham gia. Nếu không đạt, trước hết phòng giáo dục và đào tạo phê bình bằng miệng do không hoàn thành nhiệm vụ, sau đó UBND huyện sẽ có nhắc nhở”(*).
Câu hỏi đặt ra ở đây là, có quy định pháp luật nào để ngành giáo dục và chính quyền địa phương bắt buộc các nhà trường phải làm thay việc của cơ quan bảo hiểm xã hội?
Thế nhưng, những chuyện nhà giáo, nhà trường bị ép buộc phải thực hiện đủ loại chỉ tiêu ngoài chuyên môn như vậy không phải là chuyện xa lạ. Không chỉ trái chuyên môn, phần lớn các chỉ tiêu này đều buộc thực hiện ở mức gần tuyệt đối hoặc tuyệt đối 100%, đây là nguyên nhân hàng đầu gây áp lực cho nhà giáo hiện nay. Trước năm học 2022-2023, nhiều trường học ở tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu “những học sinh chưa tiêm tạm thời chưa đến trường (để đảm bảo an toàn phòng chống dịch), nhà trường xin ý kiến của cấp trên (có thể dạy trực tuyến) cho những học sinh chưa tiêm” khiến phụ huynh bức xúc. Nhiều giáo viên, lãnh đạo trường học ở tỉnh Khánh Hòa giải thích việc phải ra thông báo như vậy là do nhà trường, giáo viên cũng bị áp lực từ việc xét thi đua khen thưởng.
Tại một số địa phương, ngành giáo dục còn đưa ra những chỉ tiêu không mấy liên quan đến chuyên môn nhưng lại tính như chỉ tiêu chuyên môn, như chỉ tiêu đóng góp quỹ hội; chỉ tiêu học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa; chỉ tiêu học sinh tham gia kế hoạch nhỏ; chỉ tiêu học sinh tham gia các cuộc thi do ngành, trường tổ chức; chỉ tiêu học sinh tham gia Tết trồng cây…(**)
Tình trạng chạy theo chỉ tiêu trên giao, ép vào tiêu chí thi đua, đã gây áp lực với thầy cô giáo, nhà trường, làm méo mó hình ảnh giáo dục, gây bức xúc xã hội. Các chỉ tiêu công việc kiểu “trên trời rớt xuống” như vậy đã làm khó giáo viên và dẫn tới sự không trung thực trong giáo dục vì phải báo cáo thành tích ảo.
Muốn người giáo viên tập trung được vào chuyên môn, phải bỏ hẳn quy định xem chỉ tiêu là tiêu chí bình xét hoàn thành nhiệm vụ thi đua cuối năm.
Phải chấm dứt cảnh người thầy viết một báo cáo thành tích không trung thực để đạt chỉ tiêu thi đua rồi sau đó lại lên lớp dạy học trò về bài sự trung thực như trong một vở bi hài kịch.
Hành động một cách thực chất bằng cách loại bỏ những chỉ tiêu không liên quan đến nhiệm vụ chuyên môn của nhà giáo ra khỏi hoạt động của nhà trường và của cả ngành giáo dục.
Hãy trả người giáo viên về đúng nhiệm vụ và thiên chức của họ là dạy học và chỉ dạy học. Khi nào chính quyền và ngành giáo dục còn buộc giáo viên đi thu tiền bảo hiểm y tế, khi đó những mỹ từ ca ngợi giáo viên chỉ tồn tại trên khẩu hiệu mà thôi!
Xem thêm