Cơ hội nhìn từ cuộc di dân
TTO - Những cuộc di chuyển lớn của người dân về quê tiếp tục diễn ra ngay sau khi TP.HCM và nhiều tỉnh phía Nam bắt đầu mở cửa trở lại, cần phải được nhìn nhận là một quy luật tự nhiên và nhu cầu khách quan, tất yếu.
Thực sự, không thể cấm đoán, ngăn chặn hay dùng các biện pháp mạnh để giữ người dân ở lại TP.
Bởi trong 4 tháng qua, rất nhiều người lao động đã cùng chia sẻ với chính quyền, chịu "ở yên tại chỗ" để phòng chống dịch bệnh và giờ họ đã "sức cùng lực kiệt".
Sẽ không thể có phương án tối ưu nhất cho tất cả người lao động khi mà dịch bệnh đã xuyên thủng vào nhiều thành trì sản xuất lớn, đã bào mòn sức người, của cải tích lũy, nên chúng ta chỉ có thể chọn phương án ít xấu nhất.
Vì vậy, trước hết rất cần vai trò của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, công đoàn... trong truyền thông, vận động, sát cánh cùng người lao động. Cần phân loại nhu cầu của người dân để có phương án phù hợp nhất cho từng gia đình, từng người lao động.
Với những nhóm lao động vẫn mong muốn bám trụ lại TP, cần quan tâm nhiều hơn đến những đối tượng dễ bị tổn thương như lao động tự do, lao động thời vụ, lao động bị mất việc trong nhiều tháng...
Sự quan tâm đó không chỉ là những hỗ trợ về vật chất như nhà trọ 0 đồng, các gói an sinh, hỗ trợ tiền mặt, tiêm vắc xin... để người lao động ổn định tâm lý, được an toàn mà còn cần phải tạo việc làm, mưu sinh trong ngắn hạn để giảm bớt khó khăn.
Còn những người dân mong muốn về quê vì không còn lựa chọn nào khác, các địa phương cần phối hợp để hỗ trợ người dân trở về "có trật tự, an toàn" như chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Thay vì lo ngại người dân về quê có thể làm bùng phát thêm dịch bệnh, các địa phương hãy phối hợp thật tốt để đưa đón người về, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.
Đồng thời, cần nhìn nhận cuộc di chuyển lao động quy mô lớn hiện nay như một cơ hội nhằm khai thác tốt hơn nguồn lực lao động phục vụ cho nhu cầu tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Hiện có rất nhiều khu công nghiệp ở địa phương đang thiếu lao động, nên việc lao động hồi hương có thể là nguồn lực tốt bổ sung cho các khu công nghiệp, nhà máy này. Trên cơ sở đó, cần phân bổ lại lao động giữa các vùng miền theo hướng ly nông bất ly hương.
Tức là tăng dần tỉ trọng đầu tư các nhà máy sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày ở các vùng quê để hạn chế việc người lao động phải ly hương; tập trung nguồn lực có trình độ, chất lượng cao hoạt động trong các ngành công nghệ, đô thị thông minh… ở các TP lớn, trung tâm kinh tế.
Chúng ta cũng đang nói đến ba mũi đột phá chiến lược cho giai đoạn tới là nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, cải cách thể chế mạnh mẽ hơn và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cuộc di dân lớn lần này đặt ra nhiều thách thức để chúng ta thực hiện được yêu cầu đó và vì vậy cần đầu tư nhiều hơn để giáo dục thực hiện sứ mạng đào tạo lực lượng lao động có tay nghề, kỹ năng và chất lượng cao, phục vụ hiệu quả hơn cho tái cấu trúc, phục hồi kinh tế trong giai đoạn mới, đủ sức đương đầu trước những cuộc khủng hoảng lớn như hiện nay.
Xem thêm