Con không bơ vơ
TTO - Trong một diễn đàn của những người cha, một người cha ở tuổi trung niên bộc bạch: "Có thời gian mình không thể nói chuyện được với con, có một khoảng cách nào đó khó tả".
Anh kể về những điều anh muốn nói với con nhưng mỗi lần mở lời thì thằng bé chỉ có im lặng, thậm chí còn gắt gỏng bảo "bố không hiểu con".
1. Có lẽ vì cậu con trai 15 tuổi không muốn cha... đi thêm bước nữa. Sự thực là anh cũng không hề muốn đi thêm bước nữa, chỉ nghĩ mình cũng cần một tình yêu, cần nương tựa nhau trong lúc buồn vui với một người cùng hoàn cảnh: có một con riêng, không còn chồng bên cạnh.
Từ ngày vợ mất cách đây 5 năm, anh luôn nghĩ rằng sẽ ở vậy để nuôi con cho đến khi con trưởng thành. Nhưng rồi cuộc sống với bao nhân duyên, anh gặp chị, ly dị chồng do người đàn ông ấy có người phụ nữ khác.
Dường như khi hai người có nỗi đau gặp nhau, họ dễ cảm thông cho nhau hơn. Chỉ có điều, con anh chưa chấp nhận được chuyện cha mình có thêm một người bạn, lại là người bạn thân gần như... mẹ mình. Sự sẻ chia tình cảm nào cũng là khó khăn, nhất là với một người trẻ.
Anh hứa với con sẽ luôn là người cha tốt, dù có chuyện gì xảy ra thì tình thương anh dành cho con vẫn luôn là như vậy. Càng muốn sẻ chia với chị, anh càng quan tâm con hơn.
Anh chứng minh được cho cậu bé thấy rằng, lời người lớn không bao giờ là lời nói dối. Tình cảm cha con là thứ tình cảm thiêng liêng riêng, sẽ không bị sẻ chia bởi bất cứ tình cảm nào khác.
"Không để con bơ vơ trong cảm xúc lo lắng, sợ mất mát là một điều tôi đã may mắn làm được nhờ sự kiên nhẫn, ấm áp của một người ba", anh nói như một kinh nghiệm.
2. Trong việc nuôi dạy con, không phải bao giờ phụ huynh cũng giỏi ứng xử để con mình tin tưởng, được sống trong bầu không khí đầy tin yêu để vượt qua được những gió dông.
Như chị, một người mẹ của hai cô con gái và một cậu con trai, lại là người có công việc ổn định ở thành phố lớn nhất nước nhưng khi phát hiện con trai mình thích... một cậu trai cùng lớp, chị đã "sụp đổ".
"Lúc đó tôi đã hành xử rất dở, tôi ngăn cản, la mắng và thậm chí ra tối hậu thư - nếu con còn nghĩ vớ vẩn về tình cảm lệch lạc đó thì mẹ sẽ từ mặt con", chị kể.
Và cậu bé tuổi 17 con của chị đã rất buồn, cả tuần nhốt mình trong phòng. Các con gái chị lo lắng cho em và hiểu được em mình nên ra sức khuyên chị.
Sau một lúc quá sốc, chị dần tìm hiểu kỹ hơn từng câu chuyện của những ông bố bà mẹ khác, rồi cuối cùng chị cũng chấp nhận được giới tính tự nhiên của con mình. Tất nhiên, khoảng thời gian ấy, con trai chị đã bị khủng hoảng, tổn thương nhiều vì những lời nói của mẹ.
ThS giáo dục Lê Trường An
3. ThS giáo dục Lê Trường An, giảng viên Trường đại học Mở TP.HCM, cũng chia sẻ có những phụ huynh mong muốn con mình thế này thế nọ, so sánh con mình với những hình mẫu nào đó rồi gây áp lực cho con. Để con phải gánh những ước mơ của mình cũng là điều khiến con bơ vơ trong ngôi nhà mình.
"Lắng nghe, để hiểu và thương con là hành trình dài của phụ huynh, bởi mỗi lứa tuổi con cái chúng ta sẽ có những thay đổi tâm sinh lý khác nhau. Do vậy, sự quan tâm tới con cái để con không cảm thấy bơ vơ là điều cha mẹ nên lưu ý.
Ngoài ra, không chấp nhận những gì thuộc về con cũng là một cách khiến cả cha mẹ và con cái cùng đánh mất hạnh phúc.
Thay vào đó, việc tìm hiểu những sở thích, nhu cầu, giới tính thật của con để yêu thương con đúng cách, hỗ trợ, nâng đỡ con vững chãi vào đời tôi nghĩ là cách người lớn chúng ta nên làm từ khi bắt đầu vào "vai" cha mẹ", ThS Lê Trường An chia sẻ.
Làm sao cùng con vượt qua "thác ghềnh"?
Khoảng cách thế hệ, những mong ước của cha mẹ với con cái quá lớn, hay quá ít dành thời gian cho con lại còn bị chi phối bởi mạng xã hội... là những điều đã kéo sợi dây nối giữa cha mẹ - con cái xa ra.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ThS Lê Minh Huân, chuyên viên tham vấn tâm lý Đại học Quốc tế Sài Gòn, nói:
- Để hiểu, chia sẻ được với con, trở thành điểm tựa tinh thần cho con thì cha mẹ nên dành thời gian thu thập thêm thông tin của con qua các mối quan hệ gần gũi với con như thầy cô, bạn bè, người thân, hàng xóm...
Cần lưu ý việc ứng xử, dạy con phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi của con. Có thể thấy, nhiều phụ huynh "ưu tiên" làm cha mẹ hơn là làm bạn, làm người đồng hành với con trong mỗi bước ngoặt của con.
Do vậy, cha mẹ đã thường sử dụng cái quyền của người lớn trong ứng xử với con. Việc thường xuyên sử dụng những mệnh lệnh yêu cầu con làm theo, có thể ban đầu trẻ cũng phục tùng nhưng chính điều này chặt đứt đi thói quen chia sẻ, bày tỏ ý kiến của con.
Từ đó, khi gặp những bất trắc, sự cố trong học tập, công việc, các mối quan hệ... trẻ cũng ngại chia sẻ, khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con càng ngày càng xa cách.
Chính sự lỏng lẻo này làm trẻ chán về nhà, không còn thấy gia đình là nơi bình yên, có thể ôm ấp mình trong những lúc mỏi mệt, khó khăn. Đây là điều hết sức nguy hiểm.
* Vậy anh có lời khuyên nào với cha mẹ trong hành trình trở thành điểm tựa đáng tin cậy giúp con vượt qua các bế tắc không?
- Trong trường hợp mình lỡ tạo ra các tác nhân đưa đến khủng hoảng cho trẻ thì cần dũng cảm thừa nhận điều đó, không ngại xin lỗi con và đưa ra những cam kết về sự thay đổi trong tương lai.
Nếu việc thay đổi khó khăn, việc hàn gắn gặp vấn đề, cha mẹ có thể nhờ các trợ lực từ bên ngoài như thầy cô, bạn bè của con, hoặc một chuyên gia tâm lý, những người mà con cảm thấy có đủ tin tưởng để "bật mí" các suy nghĩ hay vấn đề, từ đó giúp con dần giải tỏa.
Cách hành xử chân thành và luôn lắng nghe con sẽ là yếu tố quyết định để trẻ mở lòng. Tránh việc cố chấp không nhận lỗi, nhất là khi mình là tác nhân gây ra khủng hoảng cho con.
* Xin cảm ơn anh!
Xem thêm