‘Connect’ là định mệnh của Mêkông?

27/03/2023 | 364 |

Một điều lạ, suốt bảy cuộc tụ họp định kỳ hàng năm Mekong Connect – từ năm 2015 đến nay – của những anh tài (nông dân, doanh nhân, chính quyền, chuyên gia, báo chí…) nhiều năm qua, không có ai thắc mắc, sao ở miệt vườn với ruộng như đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) này mà lại đặt cái tên “Tây” như vậy. Phải chăng, tự thân, Mêkông gắn với Connect – Kết nối, Mêkông là Connect?

Mới đây, cuộc họp mặt này diễn ra ngày 23 và 24-11-2022, 600 doanh nghiệp nhỏ và vừa cả nước cùng các hợp tác xã, nông dân đồng bằng, 150 doanh nghiệp khởi nghiệp cũng đến từ khắp nước, đã chọn chủ đề đầu câu chuyện là: “Chủ động nâng chất lượng liên kết và tích hợp để phát triển bền vững”.

Lần đầu tiên, lãnh đạo năm tỉnh, thành phố sáng lập diễn đàn này đã cùng nhau đưa ra một chương trình hoàn toàn mới: mỗi tỉnh, thành cử một đại diện trình bày về một chương trình, dự án mong muốn được hợp tác của mình.

Description: https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2023/01/Connec-la-dinh-menh-_-Kimhanh2.jpg Dừa được công nhận là “chỉ dẫn địa lý” của Bến Tre, song tại Mêkông Connect 2022 Bến Tre nhấn mạnh kế hoạch phát triển hành lang kinh tế ven biển. Ảnh: N.K

An Giang trình bày dự án Trung tâm đầu mối sản xuất và phân phối lúa gạo cấp vùng tại tỉnh An Giang; Bến Tre với dự án Tăng cường hợp tác với các tỉnh duyên hải phía Đông qua kết nối hạ tầng liên kết vùng; Cần Thơ với dự án Trung tâm liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ nông sản ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ; Đồng Tháp với danh mục nhiều dự án liên kết của tỉnh; trong khi TPHCM là Bàn Ăn Xanh – liên kết bền vững giữa thành phố và các tỉnh ĐBSCL để nâng cao tiêu chuẩn nông sản thực phẩm và hàng tiêu dùng.

Chẳng những thế, khi đi vào các phiên thảo luận sâu của từng địa phương diễn ra đồng thời sau đó, các tỉnh tiếp tục đặt ra mối quan tâm lớn về liên kết cần thảo luận và tìm giải pháp, như tỉnh An Giang với việc “Khai thác và phát triển kinh tế biên mậu”, còn TPHCM và thành phố Cần Thơ cùng chọn chủ đề “Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và đạt chuẩn cho thị trường trong nước và quốc tế”.

Đó là những chủ đề mà mỗi tỉnh, thành tự chọn cho mình, với quan tâm và nhu cầu riêng biệt nhưng rất hay là sao lại hài hòa, phối hợp thành một bức tranh hợp tác tổng thể chứ không trùng lắp với nhau.

An Giang đưa ra những con số biết nói: Tỉnh có đường biên giới gần 100 ki lô mét với Campuchia (vừa đường bộ, vừa đường sông) với hai cửa khẩu quốc tế, hai cửa khẩu quốc gia, một số cửa khẩu phụ mà ở địa bàn biên giới đã có 54 chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm tập kết kiểm tra giám sát hàng xuất nhập khẩu… và trong 11 tháng đầu năm 2022, kim ngạch buôn bán qua các cửa khẩu đạt trên 2,2 tỉ đô la Mỹ. Như vậy thì phát triển khu kinh tế cửa khẩu An Giang và Đồng Tháp  (liên kết hạ tầng An Giang – Đồng Tháp – Kiên Giang với TPHCM, với Đông Nam bộ qua tuyến Xuyên Á, với tuyến cao tốc phía Campuchia và cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng) đặt ra triển vọng giao thương lớn với Campuchia và cả với các nước khác như Thái Lan, Malaysia… Và từ nhu cầu liên kết mà nhận diện các điểm còn bất cập ở khu vực biên giới này như: cơ sở hạ tầng giao thông yếu, hoạt động logistics hỗ trợ các cửa khẩu còn thiếu nên chi phí cao, một số chính sách đầu tư của khu kinh tế cửa khẩu còn chưa được thực hiện thường xuyên…

TPHCM tự nhận thức vai trò đầu tàu trong thúc đẩy kết nối – tiêu thụ đầu ra tại các tỉnh, thành ĐBSCL, nơi có thế mạnh nuôi, đánh bắt thủy sản, sản xuất lương thực, rau củ, cây ăn trái nhiệt đới rộng lớn. Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai nhiều đề án phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho ngành chế biến thực phẩm (nổi bật là “Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn giai đoạn 2022-2025” tại 13 tỉnh, thành trên cả nước. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm TPHCM, cho biết ngay thời gian sắp tới đây TPHCM phải bắt tay với các tỉnh đồng bằng khảo sát thực tế, nghiên cứu, đánh giá, xây dựng các cơ sở dữ liệu chung, thông tin điện tử về sản phẩm chủ lực của mỗi tỉnh để điều phối chuỗi cung ứng. Các tỉnh đồng bằng cũng cần có cơ chế mở rộng đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu của doanh nghiệp tại các tỉnh, để song song phát triển kho lạnh, kho bảo quản và dự trữ đủ tiêu chuẩn (trong khi chờ cơ chế từ Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực này).

Cũng là lần đầu tiên một số doanh nghiệp phát hiện một vấn đề lớn từ Bến Tre, khi họ chăm chú nghe ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh trình bày về dự án Tăng cường hợp tác với các tỉnh duyên hải phía Đông qua kết nối hạ tầng liên kết vùng.

Bến Tre là xứ dừa, ngành dừa đã có những phát triển ngoạn mục ở tỉnh này với nhiều doanh nghiệp lớn nhất nước về sản xuất các chế phẩm hữu cơ từ loại cây đã được công nhận “chỉ dẫn địa lý” là dừa, lại cũng vừa xuất khẩu chính ngạch lô bưởi đầu tiên đi thị trường lớn, song tại Mekong Connect lần này Bến Tre lại nhấn mạnh kế hoạch phát triển hành lang kinh tế ven biển. Sau trình bày mạch lạc, thuyết phục của nhà quản lý Bến Tre, rồi một số doanh nghiệp chia sẻ về sự thiết tha trong khí thế lấn ra biển, ông Trúc Sơn, vốn là một người khá trầm lặng, bỗng sôi nổi: chúng tôi nghĩ, phải “nong” Bến Tre ra, hiện nay đất rộng người đông, bị bó quá khó phát triển và cần quan tâm nhất là hạ tầng làm nền.

Có lẽ “xôm tụ” nhất tại Mekong Connect lần này là Cần Thơ với những gánh nặng cũng là cơ hội tốt để phát triển khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 45/2022/QH 15, quy định thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước như: ưu đãi hỗ trợ đầu tư dự án luồng hàng hải Định An – Cần Thơ, Trung tâm liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản ĐBSCL.

Ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội đã phát biểu tại diễn đàn: “Mekong Connect là diễn đàn kinh tế thường niên lớn nhất vùng ĐBSCL ra đời từ mạng lưới liên kết của bốn tỉnh An Giang – Bến Tre – Cần Thơ – Đồng Tháp và nay có thêm TPHCM và đây là bước phát triển mới trong việc mở rộng liên kết vùng. Bước kế tiếp là mở rộng ra hợp tác với các tỉnh thành khác của đồng bằng”.

Chủ tịch thành phố Cần Thơ, đơn vị chủ nhà nhấn mạnh: Sự tham gia của TPHCM với mong muốn đẩy mạnh liên kết với các tỉnh ĐBSCL, chia sẻ kinh nghiệm và cam kết cùng nhau định hướng phát triển chắc chắn là hết sức cần thiết, sẽ đưa ra các giải pháp hữu ích để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các bên.

Bên cạnh các dự án lớn hợp tác lâu dài, Mekong Connect còn có tám thỏa thuận được ký kết mà năm phó chủ tịch tỉnh, thành phố, những người sẽ thực hiện các thỏa thuận đều có mặt chứng kiến để sẽ điều hành, theo dõi, giám sát việc thực hiện.

Sau tất cả những biểu hiện cụ thể của tinh thần quyết liệt liên kết – tích hợp của Mekong Connect, câu hỏi nổi lên rõ nhất là: điều phối việc thực hiện, theo dõi, giám sát, sơ kết từng chặng như thế nào đây để mong muốn hợp tác được hiện thực hóa? Việc điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch hợp tác, nếu cần sẽ diễn ra như thế nào? Nền đã có, chất keo đã có nhưng nếu “công đoạn” này không được tổ chức và tiến hành thực chất thì tất cả nỗ lực của Mekong Connect cũng… trôi ra biển.

Nhu cầu là tự thân, được các nghị quyết chế định rất rõ, các thỏa thuận đã được ký kết, chưa kể còn có những trao đổi bên lề diễn đàn chắc chắn được xúc tiến tiếp, vấn đề của Mekong Connect là: chất keo đã có, trách nhiệm quan tâm để thực hiện một cách chặt chẽ nghiêm túc sẽ thử thách ý chí và quyết tâm của các thành viên tham gia.

Ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tại bài phát biểu nói trên: TPHCM phải gắn với ĐBSCL, đó là sức mạnh của TPHCM.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan từng có lần phát biểu: Lấy danh nghĩa một tỉnh đồng bằng đi ra thị trường thế giới, đâu ai biết tỉnh đó như thế nào, nhưng nói Mêkông là người ta biết hết, hình dung được ngay. Nên Mêkông là một thương hiệu lớn, thương hiệu chung cần luôn bồi đắp. Đàn sếu khởi nghiệp từ đồng bằng rất sôi nổi ý chí tiên phong nhưng cũng phải bay cả đàn, có con trước con sau nhưng phải “bay cùng nhau” mới bay được xa và bền vững.

Một tỉnh thành nào đó của đồng bằng mong muốn vượt lên làm người dẫn đầu, rồi cũng phải có đàn sếu cùng bay, phải bay cùng cả bầy mới thành đàn và mới có vai trò người dẫn đầu.

Mekong Connect vì thế phải vững cánh bay ở những cánh chim sáng lập và phải ngày càng vững khi có thêm những cánh chim mới nhập đàn, để bay cùng nhau thật xa và bền vững.


Tin tức liên quan

Bình luận