Cùng con vào thời đại số: Cẩn trọng với 'thử thách trực tuyến'

28/12/2021 | 286 |

TTO - Trên mạng xã hội, đôi lúc chỉ cần thách đố bạn bè làm theo một yêu cầu gì đó cũng có thể trở thành một trào lưu sốt dẻo chỉ sau một đêm. Tuy nhiên, không phải thử thách trực tuyến nào cũng 'lành tính', đặc biệt với trẻ em.

Mới đây, TikTok vừa công bố báo cáo chủ đề "Tìm hiểu các biện pháp ứng phó hiệu quả trong giáo dục phòng ngừa đối với những thử thách trực tuyến nguy hiểm". 

Đây là kết quả của một dự án quy mô toàn cầu, tìm hiểu về xu hướng hành vi của giới trẻ khi tham gia các thử thách trực tuyến, được thực hiện với mẫu khảo sát hơn 10.000 người từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Có thử thách trả giá bằng tính mạng

Nhóm nghiên cứu định nghĩa thử thách trực tuyến là việc mọi người ghi lại trực tuyến cảnh bản thân làm điều gì đó khó khăn hoặc mạo hiểm, rồi chia sẻ để khuyến khích người khác thực hiện theo. 

Đó có thể là những thử thách vui vẻ và an toàn như #icebucketchallenge (thử thách "xô nước đá") nhằm nâng cao nhận thức về hội chứng xơ cứng teo cơ một bên, hay #blindinglightschallenge (thử thách chia sẻ khoảnh khắc gắn kết trong gia đình). 

Tại Việt Nam, một số trào lưu thuộc loại "lành tính" này gây sốt gần đây có thể kể đến như #10yearschallenge (khoe ảnh hiện tại và 10 năm trước) hay #22pushupchallenge (mỗi ngày hít đất 22 cái).

Ngược lại, cũng có những thử thách được xếp vào loại nguy hiểm, ảnh hưởng lâu dài đến cơ thể, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Chẳng hạn, #tidepodchallenge thách thức người chơi ăn viên giặt tẩy quần áo, #saltchallenge yêu cầu người tham gia trong một lần phải nuốt càng nhiều muối càng tốt.

Loại đáng ngại nhất được báo cáo đặt tên là "thử thách trò lừa bịp". Về bản chất, đây là những thử thách nguy hiểm nhưng được khai thác từ những nhân vật tưởng tượng hoặc nỗi sợ không có thật. Người chơi, đặc biệt là trẻ em, sẽ bị kích động bằng một đoạn tin nhắn đe dọa giả mạo, dụ dỗ thực hiện các thử thách với cấp độ khó tăng dần. 

Ví dụ, trong các trò như Blue Whale (cá voi xanh), Momo hay Jonathan Galindo, một khi đã tham gia, các em nhận được những hăm dọa từ các đối tượng "ảo" để vừa chơi, vừa lôi kéo bạn bè. Trong không ít trường hợp, yêu cầu cuối cùng mà kẻ xấu đặt ra cho các em là tự sát.

Kiểm soát độ tuổi người dùng

Chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến - khoa tâm thể Bệnh viện TP Thủ Đức, TP.HCM - cho biết các thử thách trực tuyến thường tạo ra sức hút bằng sự tò mò, hiếu kỳ của người chơi. Nhiều trẻ muốn thử trải nghiệm trào lưu mà bạn bè đang chia sẻ. Một số em cũng muốn chứng tỏ bản thân, khẳng định mình không hề thua kém ai.

Trong khi đó, tốc độ lan truyền trên mạng nhanh chóng mặt. Nhiều thử thách xuất phát chỉ là thách đố trong một nhóm nhỏ nhưng chỉ trong một thời gian ngắn có thể lan truyền thành một trào lưu. Trên đường khuếch tán, nhiều thử thách được một số người dùng Internet làm cho biến tướng hoặc thêm vào các yếu tố bạo lực, giật gân.

Bà Nguyễn Phương Thanh Trúc - đồng sáng lập, giám đốc khu vực CyberPurify - cho biết việc ngăn chặn những nội dung mang yếu tố bạo lực, nguy hiểm trong thử thách trực tuyến hiện nay thường rất khó. 

Ngay cả những "ông lớn" công nghệ hiện cũng chưa có cách tối ưu lọc được các hình ảnh hay video thuộc loại thử thách nguy hiểm, nếu chặn bừa bãi đôi khi sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng.

Theo bà Trúc, điều quan trọng nhất mà các mạng xã hội cần thực hiện trước hết là siết chặt quản lý độ tuổi người sử dụng. Một số nền tảng hiện rất dễ để trẻ nhỏ sử dụng, thậm chí từ 6 - 7 tuổi cũng đã mê mẩn mạng xã hội. Trong khi đó, trẻ chưa đủ tuổi sẽ không thể biết phân biệt những nội dung tốt, xấu mà đơn giản chỉ xem hay chơi vì tò mò.

"Phụ huynh nên quan tâm hơn đến việc cho con dùng mạng xã hội phù hợp với lứa tuổi hay chưa. Chỉ khi phụ huynh cảm nhận trẻ đã có được những ý thức nhất định mới bắt đầu cho trẻ sử dụng, tránh để trẻ bị dẫn dắt vào các thử thách vượt ngoài tầm kiểm soát của cha mẹ" - bà Trúc nói.

Chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến cho rằng việc thường xuyên để ý đến những biểu hiện bất thường của trẻ cũng hết sức cần thiết. Bà kể nhiều phụ huynh đã đưa con đến bà để được hỗ trợ vì nhận thấy con có những biểu hiện lạ, từ lời nói, cử chỉ đến thói quen sinh hoạt nhưng lúc cha mẹ hỏi thì trẻ vẫn nói là bình thường. 

Chỉ khi trẻ được tư vấn, phụ huynh mới biết được con đang dồn tâm sức tham gia một số thử thách, trào lưu trên mạng. 

"Nói vậy để thấy rằng đôi khi trẻ em không nhận ra những sự thay đổi của mình hay những ảnh hưởng khi tham gia các thử thách trực tuyến. Vì thế phụ huynh cần để tâm hơn đến những thay đổi bất thường của con để có hướng can thiệp sớm nhất" - bà Yến nói.

Cha mẹ ngại đề cập trước

Theo báo cáo "Tìm hiểu các biện pháp ứng phó hiệu quả trong giáo dục phòng ngừa đối với những thử thách trực tuyến nguy hiểm", nhiều phụ huynh lo ngại rằng việc chủ động đề cập sẽ vô tình thúc đẩy tính tò mò, hiếu kỳ ở những trẻ vốn sẽ không tiếp xúc với thử thách đó. 56% phụ huynh đồng tình rằng họ sẽ không nhắc đến những thử thách trò lừa bịp trừ khi trẻ đề cập trước.

Ngoài ra, 37% phụ huynh tin rằng các thử thách trò lừa bịp là một chủ đề rất khó nói nếu không gợi lên sự quan tâm của trẻ.

An toàn?

Bà Nguyễn Phương Linh - viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), thành viên phản biện cho báo cáo của TikTok - cho biết một trong những điểm đáng chú ý có thể rút ra là phần nhiều trẻ em hay các bạn trẻ nghĩ rằng các thử thách trên Internet luôn thuộc loại an toàn. Số lượng các bạn nhận thấy các rủi ro trong những thử thách còn khá khiêm tốn.

Cụ thể theo báo cáo, gần một nửa (48%) số em được hỏi tin rằng những thử thách này an toàn và vui nhộn, 32% cho rằng thử thách này tuy có rủi ro nhưng vẫn an toàn. Tỉ lệ trẻ đánh giá nguy hiểm là 14% và vô cùng nguy hiểm là 3%.

Tham gia thử thách cùng con, tại sao không?

Cũng theo chuyên gia Phan Thị Hoài Yến, một phần nguyên nhân của việc trẻ đôi khi thích thú với các thử thách mang tính tiêu cực trên Internet là số lượng các hoạt động mang tích cực trong một số trường hợp vẫn còn hạn chế.

Do đó, nếu gia tăng và khuyến khích được những thử thách mang tính tích cực sẽ phần nào hạn chế được sự tò mò của trẻ khi được rủ rê tham gia một thử thách nguy hiểm, giật gân.

Theo bà Yến, đó là hành trình lâu dài, cần sự chung tay từ gia đình đến xã hội, tuy nhiên sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều so với việc cộng đồng lên tiếng chỉ khi một thử thách nguy hiểm nào đó xuất hiện.

Momo, một trong những thử thách trò lừa bịp từng gây chấn động tại nhiều quốc gia, được cho là nguyên nhân của một số vụ trẻ em tự sát - Ảnh: FOSTERS

Bà Nguyễn Phương Linh cho rằng nếu có thể, phụ huynh nên chủ động tham gia với con trong những thử thách mang tính vui nhộn, an toàn, chẳng hạn thử thách khoe ảnh gia đình, nhảy cùng gia đình...

Con cái sẽ thấy được sự gần gũi của cha mẹ, từ đó sẽ dễ dàng mở lòng khi chúng tham gia những thử thách tiếp theo. Phụ huynh vì vậy sẽ thuận lợi hơn để biết con đang chơi những gì cũng như dễ đối thoại cùng con trước những thử thách nguy hiểm.


Tin tức liên quan

Bình luận