Cuộc chiến chống dịch tại TP.HCM: Cần nguồn nhân lực khổng lồ

04/09/2021 | 296 |

TTO - Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn gần đây, các cơ sở y tế của TP.HCM chỉ lo được trong phạm vi 30.000 ca mắc COVID-19, còn trên 30.000 ca cần sự hỗ trợ từ trung ương và ngành y tế.

Thế nhưng, hiện số ca bệnh tại TP đã trên 55.000 người.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho rằng theo cách tính thông thường từ các chuyên gia quản trị bệnh viện, với mỗi 1.000 giường bệnh cần tương đương ít nhất khoảng 2.000 nhân sự. Nếu chỉ tính hơn 35.000 bệnh nhân cần được điều trị sẽ cần đến 70.000 cán bộ y bác sĩ...

Căng kéo nhân lực điều trị kiểu "châm dầu vô đèn"

Để vận hành Bệnh viện hồi sức 1.000 giường điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nặng và nguy kịch tại TP.HCM, ngành y tế ước lượng riêng về hồi sức sẽ cần tới 1.362 nhân viên y tế. Các nhân sự này, nếu chỉ TP.HCM thôi không đủ, mà phải cần sự huy động từ các bệnh viện trung ương, các địa phương.

TS.BS Nguyễn Tri Thức - giám đốc điều hành bệnh viện trên - cho biết sau hơn 10 ngày đi vào hoạt động, hiện tổng nhân lực (bao gồm cả nhân viên y tế và nhân viên hậu cần, hành chính...) của bệnh viện mới chỉ có 835 người. Để đảm bảo chăm sóc điều trị cho bệnh nhân, đòi hỏi phải bổ sung thêm nguồn nhân lực trong thời gian tới. 

"Chúng tôi đang hoạt động theo kiểu 'châm dầu vô đèn'. Với tình hình ca mắc tăng, đặc biệt ca bệnh nặng, bệnh viện đã có công văn đề nghị Bộ Y tế chi viện nhân lực để đảm bảo điều trị trong thời gian tới" - bác sĩ Thức nói.

Còn bác sĩ Bùi Văn Thanh - tham gia quản lý, điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2 (quận 12) - chia sẻ để tiếp nhận chăm sóc bệnh nhân, đơn vị có gần 200 nhân sự, trong đó có 64 bác sĩ, còn lại là điều dưỡng, y tá, nữ hộ sinh. Các y bác sĩ ở đây đã nỗ lực làm việc gấp 2 lần bình thường. Theo bác sĩ Thanh, đa phần bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng liên quan đến hô hấp, do đó rất mong muốn "chi viện" thêm các bác sĩ chuyên khoa hô hấp, đảm bảo công tác chăm sóc bệnh nhân được tốt hơn.

Vấn đề cấp cứu cũng đang rất căng thẳng trong bối cảnh số ca mắc tăng cao, cần vận chuyển đến các bệnh viện. Bác sĩ Nguyễn Duy Long - giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 - cho biết mỗi ngày số lượng vận chuyển các ca F0 không triệu chứng mà đơn vị thực hiện vào khoảng 1.200 - 1.800 ca. Ngoài ra, còn số ca bệnh nặng cần chuyển lên tuyến trên, chỉ tính riêng Trung tâm cấp cứu 115 mỗi ngày đã có khoảng 40 chuyến xe xuất quân.

Với khối lượng công việc như vậy so với lực lượng cấp cứu ngoại viện hiện có, theo bác sĩ Long, "tương đối mỏng". "Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, tôi mong muốn các cấp lãnh đạo "cắt" một phần lực lượng chuyên về cấp cứu từ các đơn vị chi viện cho Trung tâm cấp cứu 115 để đảm bảo công tác điều phối cấp cứu được nhanh chóng, kịp thời" - bác sĩ Long nói.

Một giám đốc bệnh viện cho rằng nhu cầu nhân sự cho chống dịch ở TP.HCM hiện đang rất "căng kéo" ở tất cả các bộ phận, từ điều trị, cách ly đến công tác xét nghiệm và tiêm chủng. Tuy vậy, nhân sự thực sự cấp bách phải bổ sung nhất ngay bây giờ là ở khối điều trị, tầng 1 (khu cách ly tập trung tạm ở các quận huyện) và tầng 5 (các trung tâm hồi sức điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch).

Bởi theo vị giám đốc bệnh viện trên, thời gian tới khả năng bệnh nhân nặng sẽ tăng cao, điều này đòi hỏi phải có lực lượng chuyên về hồi sức tham gia điều trị, kéo giảm số ca tử vong. Còn ở tầng 1, khi TP quyết định cách ly F1 tại nhà; thí điểm cách ly F0 không triệu chứng sẽ cần rất nhiều nhân lực. Nếu đủ nhân lực chăm sóc, quản lý tốt người bệnh từ tầng này sẽ kéo giảm gánh nặng cho các tầng khác.

Cần thêm nhiều bác sĩ hồi sức cấp cứu

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, để đảm bảo nhân sự phục vụ cho công tác điều trị, ngành y tế đã huy động tổng lực nguồn nhân lực từ nhiều đơn vị, bệnh viện; song song đó là nguồn nhân lực được hỗ trợ từ các bệnh viện trực thuộc trung ương đóng trên địa bàn TP.HCM như Bệnh viện Chợ Rẫy, Răng hàm mặt trung ương, Thống Nhất, Quân y 175…Thêm vào đó là lực lượng chi viện từ nhiều đơn vị, bệnh viện thuộc nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Trước đó, ngành y tế TP.HCM đề xuất cần khoảng 1.500 bác sĩ (200 bác sĩ hồi sức), cùng 5.500 điều dưỡng (800 - 1.000 điều dưỡng hồi sức) và kỹ thuật viên để bổ sung nhân sự cho khối điều trị theo 2 đợt. Lực lượng nhân sự hỗ trợ dự kiến được bố trí tham gia công tác chăm sóc người bệnh không triệu chứng, có triệu chứng, hồi sức chuyên sâu bệnh nhân nặng và nguy kịch. Ngoài ra bổ sung cho các bệnh viện gián tiếp tham gia điều trị COVID-19, đồng thời cũng sẽ tham gia "chia lửa" để giảm tải cho các lực lượng y tế tuyến đầu.

Theo số liệu cập nhật mới nhất, hiện có 24 đoàn với hơn 4.400 nhân viên y tế cả nước hỗ trợ TP.HCM chống dịch. Trong đó có 535 bác sĩ, 1.222 điều dưỡng, 53 kỹ thuật viên, 8 giảng viên và 2.655 sinh viên. Ngoài ra còn có hơn 30 lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế được điều động trực tiếp hỗ trợ tất cả các quận, huyện triển khai các hoạt động chống dịch.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết ngoài điều trị bệnh nhân nhẹ, nguồn lực bác sĩ hồi sức cấp cứu cho các bệnh nhân nặng, nguy kịch cũng là vấn đề căng thẳng, không chỉ "căng kéo" ở TP.HCM mà cả các tỉnh khu vực phía Nam.

Một bác sĩ chuyên về hồi sức cấp cứu đang điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 cho biết với số lượng ca mắc có diễn tiến nặng như hiện nay rất đáng lo ngại. Trong khi số lượng máy hồi sức, bác sĩ chuyên về hồi sức rất hạn chế, nếu không muốn nói "vừa yếu vừa thiếu".

"Tỉ lệ người bệnh trở nặng và tử vong đang có dấu hiệu tăng, điều này có thể một phần từ sự quá tải của hệ thống hồi sức cấp cứu. Lúc này cần phải làm chậm diễn tiến bệnh nặng, tăng bệnh nhân điều trị khỏi để tránh tình trạng dồn số lượng bệnh nhân nặng quá lớn nếu không nguồn nhân lực, máy móc sẽ không đủ để đáp ứng" - bác sĩ này phân tích.

 

 

 


Tin tức liên quan

Bình luận