Đúng thế, con virus bé tí xíu xuất hiện ở một chợ tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc đã gây ra những hiệu ứng khủng khiếp: một đại dịch toàn cầu, đi liền với khủng hoảng kinh tế đã và đang dẫn tới những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Virus SARS-CoV-2 đồng nghĩa với bệnh tật, mất thu nhập vì không có công ăn việc làm, khủng hoảng kinh tế, phong tỏa... (có lẽ không mấy ai ngạc nhiên khi được biết bản thân từ virus mang nghĩa “thuốc độc” trong tiếng Latinh). Đại dịch Covid-19 lần này, đang là một thử thách đối với mỗi chúng ta. Rõ ràng là nó ảnh hưởng không chỉ tới thể chất, mà còn tới tâm lý, làm lộ ra những điểm “yếu” lớn nhất của con người.
Theo kết luận của một nghiên cứu tâm lý của đại học Aix-Marseille (Pháp), trong khoảng 12 khẩu hiệu mà nước Pháp sử dụng, thì khẩu hiệu “Trong đại dịch Covid-19, bạn nên ở nhà” là có hiệu quả tâm lý nhất.
|
“Tôi đêm qua mơ thấy mình dương tính với virus corona, vậy thì giờ đây liệu tôi có khả năng miễn dịch chưa nhỉ?”. Denis Pessin, họa sĩ biếm họa của tờ Slate (Pháp) đăng một bức tranh minh họa hài hước với lời chú dẫn trên. Tuy nhiên, thực tế thì kém vui hơn thế: nhiều nghiên cứu tâm lý cho thấy ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới giấc mơ của chúng ta. Ví dụ, một nghiên cứu thực hiện trên 100 nhân viên y tế ở Vũ Hán cho thấy 45% trong số họ thường xuyên có ác mộng kể từ khi đại dịch bùng nổ(1).
Một nghiên cứu hợp tác Mỹ - Phần Lan trên hơn 800 người cũng cho thấy 26% trong số họ có nhiều ác mộng hơn hẳn trước đây. Theo ông Tore Nielsen, giảng viên ngành tâm lý của Đại học Montréal (Canada), đây là lần đầu tiên mà một đại dịch có ảnh hưởng trực tiếp tới giấc mơ của người dân ở mức toàn cầu.
Tất nhiên, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới tâm lý con người không chỉ dừng ở chất lượng giấc ngủ. Nhiều người trong chúng ta hẳn đã từng tự chất vấn bản thân “Liệu mình có bị Covid không triệu chứng và làm lây cho người khác?”, “Liệu tôi bị Covid có phải vì người nhà không tuân thủ các nguyên tắc phòng chống Covid?”. Chính vì chúng ta không chắc chắn về điều đó, nên càng làm tăng thêm cảm giác lo lắng, và bất lực. Theo Nicolas Neveux, một nhà tâm lý học, người ta càng sợ hãi khi không biết rõ về mối nguy hiểm trước mắt. Ví dụ trước mắt ở đây chính là đại dịch Covid-19, một căn bệnh mà khoa học còn chưa thực sự có câu trả lời rõ ràng.
Cũng theo các chuyên gia tâm lý, ngoài sự lo lắng về sức khỏe do căn bệnh gây ra bởi virus SARS-CoV-2, hàng loạt nhân tố khác có thể làm gia tăng nỗi sợ hãi của chúng ta trong thời điểm đại dịch này. Đó chính là sự nghi ngờ liên quan tới nguyên nhân, bản chất của đại dịch (cũng như nên hay không nên tin thông tin “chính thống”, vào các chính phủ hay các tổ chức quốc tế), hay tác động của đại dịch tới kinh tế, công ăn việc làm.
Hậu quả của nỗi sợ hãi mang tên Covid-19 có thể dẫn đến nguy cơ “khái quát hóa” cảm giác “bất lực” trong nhiều khía cạnh khác của cuộc sống, và điều này có thể dẫn tới sự trầm cảm của cá nhân. Theo ông Nicolas Neveux, một trong những điều cần phải làm là thực hiện những chiến lược cụ thể để tránh cảm giác “bất lực” trong hoàn cảnh này. Ví dụ, việc người dân một số nước đồng loạt mở cửa nhà và vỗ tay khích lệ nhân viên y tế vào lúc 20 giờ mỗi ngày chính là một biện pháp hữu hiệu để giảm cảm giác “bất lực” của bản thân họ, chứ không hẳn là hữu ích cho tinh thần của nhân viên y tế.
Hậu quả của nỗi sợ hãi mang tên Covid-19 có thể dẫn đến nguy cơ “khái quát hóa” cảm giác “bất lực” trong nhiều khía cạnh khác của cuộc sống, và điều này có thể dẫn tới sự trầm cảm của cá nhân.
|
Trong đại dịch, không chỉ người lớn, mà trẻ con cũng có thể là nạn nhân của những ảnh hưởng về mặt tâm lý. Theo các chuyên gia, điều này đặc biệt liên quan tới cách cha mẹ trẻ phản ứng với cuộc khủng hoảng này. Trẻ em thường nhìn vào cách cư xử của cha mẹ và cảm nhận được sự thay đổi trong tâm lý, sự lo lắng, khó chịu hay cáu kỉnh vì dịch ở bố mẹ.
Một số trẻ vì thế cũng có những thay đổi tiêu cực trong tâm lý, hành vi (quậy phá, tức giận, hay đái dầm thường xuyên hơn). Để tránh những hậu quả này, cần trao đổi, giải thích rõ ràng, dễ hiểu cho trẻ về tình hình đang diễn ra, nhưng tránh đưa các thông tin quá tiêu cực, như số người nhập viện, số người chết. Đồng thời, cần luôn trấn an trẻ về tương lai, như “các bác sĩ sẽ bảo vệ chúng ta” chẳng hạn.
Đối với người lớn, các chuyên gia tâm lý cũng khuyên rằng, trong hoàn cảnh khó khăn này, hãy tìm ra những cơ hội để “chiều chuộng” bản thân: nấu một món ăn ngon, xem một bộ phim hay, đọc một quyển sách thú vị. Cách chiều bản thân không hề quan trọng, cái quan trọng chính là không bỏ mặc bản thân, để tránh rơi vào suy nghĩ tiêu cực, luẩn quẩn. Đồng thời, cũng nên giữ các mối quan hệ tích cực với bạn bè, gia đình, thậm chí chỉ là qua màn hình điện thoại. Trong giai đoạn khủng hoảng này, tìm ra một mục đích nào đó để tập trung đạt được (học một ngoại ngữ mới, hay một ngành mới chẳng hạn) là một phương pháp hiệu quả để tránh rơi vào tình trạng trầm cảm, lo lắng quá mức.
Ngoài ra, một khía cạnh tâm lý khác cũng nên được đề cập ở đây. Để cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 thực sự hiệu quả, thì chúng ta nên tập trung vào các khẩu hiệu... ngắn gọn mà thôi, theo kết luận của một nghiên cứu tâm lý của đại học Aix-Marseille (Pháp). Theo nghiên cứu này, trong khoảng 12 khẩu hiệu mà nước Pháp sử dụng, thì khẩu hiệu “Trong đại dịch Covid-19, bạn nên ở nhà” (Face à la pandémie de covid-19, il faut rester chez vous) là có hiệu quả tâm lý nhất. Nghiên cứu này còn cho thấy những thông điệp kêu gọi bảo vệ gia đình, người thân thường có tác động cao hơn là những thông điệp đề cập tới tinh thần cộng đồng, hay tình yêu đất nước. Tất nhiên rồi, bảo vệ bản thân, người thân trước tiên, sẽ là bảo vệ xã hội.
(1) Zhi-hao Tu, Jing-wen He et Na Zhou, “Sleep quality and mood symptoms in conscripted frontline nurse in Wuhan, China during covid-19 outbreak. A cross-sectional study”, Medicine, vol. XCIX, n° 26, juin 2020.
|
Xem thêm