Đại sứ New Zealand: Phụ nữ Việt có vai trò trong hồi phục kinh tế
TTO - Trao đổi với Tuổi Trẻ về APEC 2021, sự kiện do New Zealand đăng cai năm nay, đại sứ New Zealand tại Việt Nam, bà Tredene Dobson, nói về tiềm năng hợp tác Việt Nam - New Zealand và vai trò của phụ nữ trong phục hồi kinh tế.
* Kia ora (câu chào tiếng Māori). APEC 2021 là một sự kiện đặc biệt vì tất cả các cuộc họp đều diễn ra trực tuyến. Xin đại sứ chia sẻ về điều này và thông điệp New Zealand muốn truyền tải?
- APEC 2021 là một hành trình phi thường và New Zealand cảm ơn tất cả các nền kinh tế APEC, trong đó có Việt Nam, đã tham gia cùng chúng tôi trong hành trình đó.
Chúng tôi tin rằng hơn bao giờ hết, cần có sự cộng tác để thành công và đây cũng là điều đã được phản ánh trong khẩu hiệu của APEC 2021 bằng tiếng Māori là "Haumi ē - Hui ē - Tāiki ē", vốn được dùng để mô tả một nhóm đang đoàn kết và sẵn sàng thực hiện mục đích đã đưa họ đến với nhau.
Năm nay, APEC đưa ra các chính sách tập trung lớn vào khí hậu, đoàn kết cả khu vực chống lại chủ nghĩa dân tộc vắc xin, thúc đẩy các hợp tác kinh tế trước cuộc suy thoái lớn nhất trong 75 năm cùng các cuộc thảo luận trực tiếp về hồi phục bao trùm và kỹ thuật số từ đại dịch COVID-19.
Cộng đồng APEC đã đến với nhau vào thời điểm quan trọng, đặt ra một chương trình nghị sự đầy tham vọng và chúng tôi tin sẽ đạt được.
* APEC khẳng định tầm quan trọng của hỗ trợ phụ nữ trong phục hồi kinh tế hậu đại dịch. Suy nghĩ của đại sứ về vai trò của người phụ nữ?
- Nền kinh tế sẽ không thể đạt được sự phục hồi bền vững sau đại dịch nếu không giải quyết những thách thức đặc biệt mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) phải đối mặt.
Phần lớn các doanh nghiệp này là do phụ nữ làm chủ hoặc do phụ nữ lãnh đạo. Vì vậy, khi chúng ta nói về các SME bị ảnh hưởng vì COVID-19, chúng ta cũng đang nói rằng phụ nữ và gia đình họ bị tác động.
Khi nhìn vào sự phát triển của Việt Nam trong 4 hoặc 5 thập niên qua, chúng tôi thấy phụ nữ Việt Nam là động lực thực sự thúc đẩy sự tăng trưởng. "Phụ nữ Việt Nam giỏi việc nước, đảm việc nhà" là câu mà mọi người đều đã nghe qua. Mặc dù điều này tất nhiên là hoàn toàn đúng, song tôi cảm thấy hơi lo ngại về gánh nặng kỳ vọng đặt lên vai phụ nữ Việt Nam.
Xã hội Việt Nam cũng giống như tất cả các xã hội, cần phải suy nghĩ về cách cân bằng giữa công việc được trả lương và không được trả lương, vai trò của người vợ và người chồng trong gia đình.
Cách đây 40 năm, ngay trong gia đình mình, tôi đã thấy sự thay đổi khi bố tôi đảm nhận trách nhiệm chính là nấu ăn và dạy chị em tôi học. Điều đó tạo cơ hội cho mẹ tôi phát triển sự nghiệp. Tôi tin là Việt Nam đã sẵn sàng giải quyết một số bất bình đẳng có thể khiến phụ nữ không phát huy hết tiềm năng kinh tế của họ.
Trong thập niên này, tôi tin phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì vị trí quan trọng của mình trong sự phát triển của Việt Nam.
Đó là lý do tại sao New Zealand đã và sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ các cơ hội kinh tế cho phụ nữ Việt. Chẳng hạn từ tháng 6-2020, khoảng 3.000 nữ công nhân, nông dân và lao động nữ trong khu vực phi chính thức đã nhận được hỗ trợ tài chính từ Đại sứ quán New Zealand.
Thông qua Sáng kiến lãnh đạo doanh nghiệp trẻ ASEAN, chúng tôi cũng hỗ trợ các nữ doanh nhân trẻ - những người mà chúng tôi tin sẽ là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và tuyển dụng lao động trong tương lai.
* Theo đại sứ, đâu là những lĩnh vực tiềm năng hai nước có thể hợp tác trong hồi phục hậu COVID-19?
- Quan hệ song phương đang ở mức tuyệt vời, phát triển mạnh ở hầu hết các lĩnh vực sau khi hai bên nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược năm 2020.
Bất chấp khó khăn do đại dịch gây ra, chúng ta đã duy trì thành công trao đổi chính trị cấp cao, hợp tác quốc phòng và an ninh, tăng trưởng mạnh mẽ trong thương mại song phương và mở rộng liên kết giáo dục.
Tôi nhận thấy các tiềm năng lớn trong kinh tế xanh và nông nghiệp là ví dụ tuyệt vời về việc cả hai cùng hưởng lợi. Hiệp định hợp tác nông nghiệp không chỉ hỗ trợ thương mại song phương mà còn giúp giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, thúc đẩy an toàn thực phẩm và phát triển nông thôn.
Những giống cây trồng mới tại Việt Nam, đang được thương mại hóa với sự hỗ trợ của các viện nghiên cứu New Zealand, hứa hẹn sẽ làm hài lòng cả người trồng lẫn khách hàng ở Việt Nam và toàn thế giới.
New Zealand và Việt Nam đều là những nền kinh tế rất đổi mới và chúng ta cần tận dụng lợi thế đó nhiều hơn nữa. Tôi tin tương lai quan hệ hai nước chắc chắn sẽ tươi sáng.
Xem thêm