Đàm phán hạt nhân Iran: thời cơ cho Mỹ?

04/09/2021 | 315 |

TTO - Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 3-8, trong bối cảnh Iran đang chìm trong khủng hoảng kinh tế vì các lệnh trừng phạt của Mỹ, phương Tây và hậu quả của dịch COVID-19.

Theo các nhà quan sát lạc quan nhất, đây là thời điểm thích hợp để Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi sinh thỏa thuận Iran năm 2015 theo hướng mình mong muốn.

Về khả năng hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 sau khi có sự thay đổi chính quyền tại Tehran, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 29-7 tuyên bố bóng đang ở phần sân Iran. Nhưng theo giới quan sát, Washington cũng nên chìa cành ôliu với nước cộng hòa Hồi giáo.

Thiên thời, địa lợi?

Mỹ hiện duy trì các lệnh trừng phạt có từ thời Donald Trump - vị tổng thống phản đối thỏa thuận với Tehran và sử dụng chiến thuật cấm vận để cắt đứt các nguồn tài chính cho chương trình hạt nhân, vũ khí của Iran. 

Điều này về cơ bản đã thành công nhưng khiến nền kinh tế Iran và người dân nước này nói chung bị ảnh hưởng. Mọi thứ trở nên trầm trọng hơn trong đại dịch COVID-19, dẫn tới lời kêu gọi từ một số nước rằng đã tới lúc Mỹ nên dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Iran.

Xét trong khu vực, việc Mỹ rút quân khỏi Syria và Afghanistan đã khiến cái gọi là "mối đe dọa Mỹ" đối với Iran đã giảm bớt (mặc dù Washington vẫn còn các căn cứ lớn khác tại Trung Đông). Israel, nước luôn xem Iran là kẻ thù không đội trời chung, đã cho thấy họ sẽ tiếp tục phản đối bất kỳ sự nương tay nào của phương Tây.

Vụ tấn công tàu chở dầu bằng máy bay không người lái, mà Israel cáo buộc là do Iran tiến hành, hôm 29-7 xảy ra chỉ vài ngày trước khi Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi tuyên thệ nhậm chức. 

Sau vụ tấn công tàu này, Tel Aviv đã tiến hành các nỗ lực ngoại giao để thuyết phục Mỹ và các nước rằng Iran vẫn là một mối đe dọa cần bị khắc chế bằng lệnh trừng phạt.

Trong lúc đó tại châu Âu, các quốc gia này vẫn đang bận rộn với dịch COVID-19 và kế hoạch hồi sinh nền kinh tế hậu đại dịch vẫn đang được xem là ưu tiên hàng đầu. Như vậy nếu nhìn ở góc độ tích cực, trở lực cho việc Mỹ dỡ bỏ hoặc nới lỏng một số biện pháp trừng phạt Iran là không nhiều.

Nhà nghiên cứu Clement Therme thuộc Viện Đại học châu Âu (Ý) cho rằng ưu tiên của tân Tổng thống Raisi sẽ là dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Mỹ để cứu lấy nền kinh tế trong nước. 

Nếu nhìn theo góc độ lý tưởng một lần nữa, việc Mỹ "chìa cành ôliu" cho Iran vào thời điểm hiện tại sẽ có tác động tích cực đến việc hồi sinh thỏa thuận Iran đồng thời cứu lấy nhiều người yếu thế tại nước cộng hòa Hồi giáo.

Lo "nhân chưa hòa"

Giới làm chính sách Mỹ phản ứng trước sự thay đổi lãnh đạo ở Iran bằng sự thận trọng theo dõi, một số thậm chí bi quan. Theo báo New York Times, Washington đã rất kỳ vọng sẽ đạt được các thỏa thuận không thể đảo ngược trước khi ông Raisi lên cầm quyền. 

Tuy nhiên, mục tiêu này đã không thể thực hiện được. Kết quả là vòng đàm phán dự kiến diễn ra vào ngày 20-6 đã bị hoãn lại vô thời hạn, chỉ 2 ngày sau khi ông Raisi đắc cử tổng thống.

Không rõ liệu ông Raisi sẽ giữ lại nhóm đàm phán hiện có của Iran hay thay thế họ bằng những người trung thành với ông. "Có một rủi ro thực sự ở đây là Iran có thể quay lại với những yêu cầu phi thực tế trong các cuộc đàm phán này", nhà đàm phán Robert Malley của Mỹ nói với New York Times.

Người tiền nhiệm của ông Raisi, ông Hassan Rouhani, có quan điểm ôn hòa và theo đuổi "chủ nghĩa lý tưởng" trong quan hệ với phương Tây khi tin rằng mọi thứ có thể giải quyết nhanh chóng. Nhưng tân Tổng thống Raisi dường như sẽ chọn hướng đi khác, dài hơi hơn và cứng rắn hơn khi nhắc đến vấn đề hạt nhân, theo nhà phân tích Saeed Laylaz.

Kể cả khi ông Raisi giữ nguyên cách tiếp cận của người tiền nhiệm, ông không phải là người có tiếng nói quyết định. 

Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei, người có tiếng nói cuối cùng về các vấn đề của Iran, hôm 28-7 tuyên bố Tehran sẽ không chấp nhận các yêu cầu "ương bướng" của Washington trong các cuộc đàm phán hạt nhân. 

"Người Mỹ đã từng vi phạm thỏa thuận hạt nhân khi rời bỏ nó mà không phải trả giá. Giờ đây họ nói rõ ràng rằng họ không thể đưa ra lời bảo đảm điều này sẽ không tái diễn" - truyền thông nhà nước Iran, dẫn lời ông Ayatollah Ali Khamenei, nêu quan điểm.

Lo ngại của các lãnh đạo Iran nhận được sự chia sẻ của một số nước, bao gồm cả các đồng minh của Mỹ. Nguồn tin của New York Times cho biết vài nước châu Âu đang lo rằng nếu ông Biden không ra tranh cử nhiệm kỳ thứ hai, hoặc một nhân vật giống Trump đắc cử, thỏa thuận với Iran sẽ bị thổi bay một lần nữa. 

Điều kiện lý tưởng nhất là Iran và Mỹ mỗi bên nhường nhau một chút, xem ra vẫn còn xa vời.

Mỹ: bóng đang ở sân Iran

Cựu tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận Iran vì cho rằng nó không thể ngăn Iran chế tạo các loại tên lửa đạn đạo đe dọa Mỹ và đồng minh trong khu vực.

Trái với ông Trump, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn khôi phục và cuối cùng mở rộng thỏa thuận hạt nhân nhằm đặt ra nhiều giới hạn hơn đối với hoạt động hạt nhân, quân sự của Iran.

"Mỹ vẫn cam kết các giải pháp ngoại giao trong vấn đề này, nhưng nó không thể kéo dài vô thời hạn được. Chúng tôi đã thể hiện thiện chí của mình và mong muốn quay lại thỏa thuận hạt nhân.

Bóng đang ở phần sân của Iran và chúng ta sẽ xem liệu họ có các bước đi cần thiết để quay lại hay không", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nêu quan điểm khi đến Kuwait vào hôm 29-7.


Tin tức liên quan

Bình luận