Đột phá tư duy để có đột phá về hạ tầng

08/06/2022 | 210 |

TTO - Thủ tướng từng quán triệt, để hoàn thành mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông cần đột phá về tư duy, hành động quyết liệt, hiệu quả và làm có trọng tâm, trọng điểm.

Việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông quan trọng, trong đó có đường vành đai 3 TP.HCM, vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội một lần nữa cho thấy chiến lược ưu tiên hàng đầu đột phá về hạ tầng của Chính phủ. Chủ trương lớn này mang tầm vóc và ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước giai đoạnsắp tới.

Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là 1 trong 3 đột phá chiến lược của quốc gia. Trong khi đó những năm gần đây, hiện trạng hạ tầng giao thông của các tỉnh miền Trung và miền Nam đã xuống cấp và quá tải rất trầm trọng, không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa, giao thương và hoạt động đi lại của người dân. Sự yếu kém và những điểm nghẽn về hạ tầng đã kéo giảm động lực phát triển, khiến các tỉnh thành phía Nam có nguy cơ đánh mất các lợi thế cạnh tranh và sự hấp dẫn với nhà đầu tư.

Trong bối cảnh đó, hình ảnh các lãnh đạo đứng đầu cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ không ít lần xuất hiện ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ đi thực địa, khảo sát trên từng tuyến đường cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển cơ sở hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng tại các vùng này.

Đặc biệt, gần một năm qua, Thủ tướng, các phó thủ tướng đã có nhiều chuyến công tác tới khắp các công trường, với mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ các dự án hạ tầng lớn. Điều này nhằm tạo sự liên thông thông suốt giữa các tỉnh, các vùng với nhau, đưa kinh tế của các khu vực này phát triển mạnh mẽ hơn, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.

Ngoài nỗ lực thông tuyến đường Hồ Chí Minh trong thời gian sớm nhất, việc trình Quốc hội thông qua thêm 5 dự án đường cao tốc quan trọng quốc gia, trong đó có vành đai 3 TP.HCM, vành đai 4 thủ đô Hà Nội sẽ tạo sự đột phá lớn trong việc kết nối các tỉnh thành trong cả nước với vùng miền núi phía Bắc, Trung, Nam, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng cao nguyên, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Sức nóng tạo đột phá trong chiến lược đầu tư về hạ tầng giao thông cũng được thể hiện rõ trong sự quyết liệt, thần tốc chuẩn bị hồ sơ đầu tư, xây dựng kế hoạch nguồn vốn và phương án triển khai dự án của các địa phương. Rõ ràng như Thủ tướng từng quán triệt, để hoàn thành mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông cần đột phá về tư duy, hành động quyết liệt, hiệu quả và làm có trọng tâm, trọng điểm.

Sắp tới, nếu Quốc hội xem xét và thông qua chủ trương đầu tư các dự án sẽ đáp ứng sự mong mỏi của người dân, cử tri các tỉnh miền Trung, miền Nam. Tuy nhiên, việc ủng hộ của các đại biểu Quốc hội mới là bước khởi đầu cho sự ủng hộ chiến lược đầu tư đột phá về hạ tầng. Sự ủng hộ này sẽ đặt vai trò lớn của các bộ ngành, địa phương trong việc triển khai dự án sao cho đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Muốn vậy cần một sự quyết tâm, sự đổi mới trong tư duy, cách tiếp cận, cách làm, tổ chức thực hiện, đôn đốc, giám sát, kiểm tra. Khi đó mục tiêu đột phá về hạ tầng trong nhiệm kỳ mới đạt "khải hoàn".


Tin tức liên quan

Bình luận