Đừng bắt bẻ nhau mọi thứ!

05/08/2022 | 194 |

TTO - Khi lời nói không còn làm vừa lòng nhau nữa thì chẳng khác gì những nhát dao đâm vào trái tim bạn đời. Nhiều gia đình cứ kiểu "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" thì sớm muộn gì cũng xảy ra mâu thuẫn, bất hòa.

Đừng bắt bẻ nhau mọi thứ!

16/07/2022 10:18 GMT+7

190Lưu

TTO - Khi lời nói không còn làm vừa lòng nhau nữa thì chẳng khác gì những nhát dao đâm vào trái tim bạn đời. Nhiều gia đình cứ kiểu "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" thì sớm muộn gì cũng xảy ra mâu thuẫn, bất hòa.

Vợ chồng tôn trọng nhau làm nên hạnh phúc - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Để gia đình ổn, cũng cần "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau".

Cảm giác bị coi thường

Trong mắt những người hàng xóm, anh H.T. (quận Phú Nhuận, TP.HCM) là mẫu người đàn ông chuẩn mực từ lời ăn tiếng nói cho đến cách sống chan hòa, thân thiện với mọi người. 

Vợ anh là nữ doanh nhân khá thành công trong lĩnh vực quảng cáo - truyền thông. Vợ đẹp, con ngoan, gia đình yên ấm, bỗng dưng có người phát hiện ra anh H.T. cặp bồ với một người lớn tuổi hơn mà nhan sắc cũng kém xa chị nhà.

Có kẻ trách anh nông nổi, nhưng cũng có người tỏ vẻ cảm thông khi biết từ lâu anh không có tiếng nói trong gia đình, một phần do vợ nhà khá cá tính. Từ chê anh hiền, chỉ sống an phận đến bắt bẻ anh chuyện này chuyện khác. Có ai góp ý thì chị lại biện bạch là quen miệng, là miệng nói thế chứ bụng chẳng nghĩ gì.

Anh thừa nhận tuy mình không phải người đàn ông hoàn hảo nhưng cũng đâu đến nỗi quá tệ như vợ anh vẫn nghĩ. Một cách nào đó, chính những lời nói bộc trực của chị vô tình làm anh cảm thấy tổn thương, bị coi thường.

Ngược lại, người phụ nữ lớn tuổi kia tuy không có gì nổi bật hơn chị nhưng ăn nói nhỏ nhẹ, luôn động viên, khích lệ anh trong những khi anh cần. Nhất là khi người này cho anh cảm giác được tôn trọng.

Cũng may là vợ chồng anh cùng nhìn ra vấn đề và kịp cứu vãn cuộc sống gia đình mình sau biến cố ấy. Chị nói mình chưa bao giờ nghĩ rằng cuộc hôn nhân lại có lúc cận kề bên vực thẳm chỉ vì cái tật muốn nói gì thì nói của mình. Để rồi chị thận trọng trong từng lời ăn tiếng nói, tôn trọng anh hơn. Còn bản thân anh cũng dần mở lòng ra để chia sẻ, cảm thông cùng chị.

Trong khi đó, tin vợ chồng chị K.C. (quận Bình Thạnh, TP.HCM) dắt nhau ra tòa tuy không bất ngờ nhưng cũng khiến không ít bạn bè thấy tiếc.

30 năm là khoảng thời gian của một cuộc hôn nhân được nhiều người ngưỡng mộ, ao ước bởi họ đã cùng nhau vượt qua bao sóng gió cuộc đời, nhưng đến cái tuổi không còn trẻ nữa thì lại chẳng thể giữ được nhau.

Chị kể ngày trước chị thương anh ở cái tính cầu tiến, lại vui vẻ, phóng khoáng, đi đến đâu là mang không khí rộn ràng đến đó. Cuộc sống vợ chồng cũng có lúc thăng trầm, kinh tế mấy năm đầu thiếu nhiều hơn dư nhưng luôn đầy ắp tiếng cười.

Vậy mà đến lúc vợ chồng đến tuổi nghỉ hưu, cứ tưởng có nhiều thời gian để chăm sóc nhau hơn, ai ngờ cũng là lúc cả hai thường xuyên bất hòa, mâu thuẫn.

Mọi chuyện xuất phát từ việc anh trở nên thường xuyên để ý, bắt bẻ mọi thứ bằng những lời lẽ khó nghe.

Theo như lời chị kể thì bất kể ở đâu, khi nào anh cũng có thể chì chiết vợ. Chị nói gì anh cũng chỉnh, chị phản ứng thì từ dây cà anh vòng ra dây muống, có khi ý chị thế này anh lại suy diễn sang ý khác rồi "chỉnh đốn" vợ cả buổi. Nói xong, anh lại coi như không có chuyện gì xảy ra nhưng nói riết thành quen miệng, ngày nào không nói dường như anh không chịu nổi.

Nhưng đáng nói là anh có sở thích "chỉnh đốn" vợ ngay khi nhà có khách hoặc trước mặt nhiều người. Cho nên sau này chị ngại mỗi khi có khách đến chơi hoặc có việc phải đi đâu đó với chồng. Ngay trong cuộc sống hằng ngày, chị cũng trở nên lầm lũi, ít nói hẳn.

"Bởi mở miệng ra mà cứ lo bị bắt bẻ, trách móc thì thôi chịu khó im lặng vẫn hơn" - chị tâm sự. Những lúc vợ chồng vui vẻ, chị góp ý thì anh xin lỗi, hứa tới hứa lui rồi... đâu lại vào đấy. Chị nói chẳng lẽ cứ phải dè dặt, để ý nhau từng lời, từng câu suốt đời suốt kiếp thì sao chịu thấu. Thôi thì cũng đến lúc chị phải được sống theo ý mình.

Đừng quá sỗ sàng

Thực tế cho thấy những đôi lứa mới yêu luôn muốn được gần nhau để được chuyện trò, để nói lên những suy nghĩ cùng ước mơ mong sao người kia hiểu được mình nhiều hơn. Tuy nhiên, khi nên vợ nên chồng rồi thì dường như mọi thứ lại thay đổi đến khó ngờ. Thích nói gì thì nói, nói cho đã miệng mà không hề quan tâm đến cảm xúc của người kia, để mặc ai muốn hiểu sao thì hiểu.

Nhiều khi chuyện chẳng có gì, nhưng vợ hay chồng đưa ra những câu nói có tính chê bai hay chỉ trích khiến bạn đời mình khó chịu và bị tổn thương.

Cũng có lúc vì giận hờn mà chẳng thèm đếm xỉa tới nhau dù chỉ một lời. Tất cả những điều đó khiến vợ chồng cảm thấy ngăn cách với nhau, và nếu không cẩn thận, sự ngăn cách đó sẽ khiến tình yêu phai nhạt dần và chết dần mòn.

Người xưa có câu "Phu thê tương kính như tân", với dụng ý vợ chồng dẫu quá đỗi thân thuộc và thấu hiểu nhau tới tận đường tơ kẽ tóc nhưng khi chung sống với nhau vẫn cần phải tôn kính tiếp đãi như khách quý trong nhà vậy.

Tránh việc dùng lời nói làm tổn thương người bạn đời của mình. Nhất là khi cả hai đang nóng giận mà bạn lại buông những lời cay nghiệt thì đối phương sẽ trở nên mất kiềm chế. Thay vì khiến cho đôi bên nghe những điều không hay như moi móc, hạ bệ thì bạn nên im lặng rồi chờ cơ hội khi cả hai bình tĩnh rồi ngồi nói chuyện với nhau. Việc đôi co lúc nóng nảy sẽ đẩy mọi việc đi quá xa.

Quan hệ vợ chồng đứt gánh bởi lời ăn tiếng nói không phải là không có. Người xưa nói "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" là vậy. 

Dù cho đó là mối quan hệ vợ - chồng, là người ruột thịt hay đơn thuần là xã giao thì vẫn là mối quan hệ giữa người này với người khác, cần có sự tôn trọng trong giao tiếp. Nếu buông thả trong lời ăn tiếng nói thì sẽ khó tránh khỏi những thất vọng, tổn thương và cuối cùng là sự đổ vỡ...

Để có mái nhà bình yên, ấm áp

"Lựa lời mà nói" trong gia đình không chỉ giúp hai vợ chồng trở nên gắn bó, cảm thông hơn mà con cái cũng được trưởng thành trong một mái nhà bình yên, ấm áp.

Chính cách trò chuyện giữa hai vợ chồng cũng chính là tấm gương để con cái noi theo và hành xử như vậy trong cuộc sống hôn nhân sau này.

Hạnh phúc từ lời ăn tiếng nói

Lạ ở chỗ, với những người xa lạ chúng ta lịch sự, trân trọng nhưng với những người càng thân thiết, gần gũi như vợ chồng với nhau lại trở nên coi thường, suồng sã.

Do đó, dù vô tình hay cố ý thì chính những lời lẽ gây tổn thương sẽ tạo nên những khoảng cách trong gia đình.

Nói khác hơn, hạnh phúc gia đình bắt đầu từ lời ăn tiếng nói mỗi ngày mà vợ chồng dành cho nhau.


Tin tức liên quan

Bình luận