Đừng chờ tai nạn xảy ra rồi mới ‘giật mình’!
(KTSG) – Quản lý an toàn từ các cơ quan chức năng nhà nước phải làm từ gốc, đừng để xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người mới “giật mình”. Cơ quan quản lý an toàn cũng phải lắng nghe ý kiến phản hồi từ doanh nghiệp, chuyên gia để sửa chữa tiêu chuẩn khi cần. Tiếc là, những điều này chưa được làm đầy đủ, có thể thấy rõ nhất qua hàng chục tai nạn liên quan đến vận chuyển thép cuộn và vụ chìm ca nô ở Cửa Đại (Hội An) hồi cuối tháng qua.
Sáng 5-3 trên đường Nguyễn Văn Linh, một xe chở thép cuộn thắng gấp đã làm văng hai cuộn thép trúng làm bị thương một người bán vé số đang ngồi trên vỉa hè(1).
Tai nạn từ xe chở thép cuộn đã xảy ra thường xuyên từ hàng chục năm qua, có những vụ rất kinh khủng như cuộn thép đứt xích lăn đè bẹp ca bin xe tải khiến tài xế, phụ xế chết kẹt hay cuộn thép rớt khỏi xe rồi lăn trúng người đi đường gây chết người.
Tuy vậy, cho đến nay, vẫn không có quy định an toàn nào được sửa đổi cho việc vận chuyển. Thép cuộn vẫn được xem như một loại hàng hóa thông thường do đó nhà xe vẫn chỉ áp dụng quy định chung chung “ràng buộc chắc chắn” là không sai về luật.
Trong khi đó, với kích thước nhỏ mà trọng lượng mỗi cuộn nặng từ 10-20 tấn và có thể lăn dễ dàng, lẽ ra thép cuộn phải được xem là một loại hàng hóa đặc biệt và áp dụng các tiêu chuẩn an toàn riêng khi vận chuyển trên đường bộ.
Với trọng lượng 10 tấn, khi cuộn thép văng trúng thì thương vong khó lòng tránh khỏi, ô tô cũng không bảo vệ được người ngồi trong nếu tai nạn xảy ra. Chưa kể ở Việt Nam, xe tải chở hàng hóa đi chung đường với xe gắn máy nên nguy cơ chết người lại càng cao hơn. Thử hình dung cuộn thép 20 tấn đè trúng một xe khách 16 chỗ hay lăn vào đám đông xe gắn máy đang đậu chờ đèn đỏ, hậu quả khủng khiếp thế nào!
Ở nhiều nước, việc vận chuyển thép cuộn (steel coils) phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt, xe chở phải có thêm các phụ kiện an toàn khi vận chuyển. Tài xế lái xe chở thép cuộn phải học qua các khóa đào tạo về an toàn khi vận chuyển loại hàng hóa siêu nặng này.
Vậy mà cho đến nay, các cơ quan quản lý vẫn bình chân như vại, không có động thái nào về việc gia tăng các biện pháp an toàn bắt buộc cho việc vận chuyển thép cuộn dù tai nạn liên tiếp xảy ra.
Tương tự chuyện vận chuyển thép cuộn, vụ tai nạn ca nô ở Cửa Đại bộc lộ điểm nguy hiểm từ hai việc: Thiết kế ca nô theo quy chuẩn SB (đóng kín) khiến du khách mắc kẹt khi ca nô chìm và khả năng chịu đựng sóng của loại ca nô này.
Hình ảnh hiện trường cho thấy, chiếc ca nô bị sóng đánh vỡ toang toàn bộ phần mũi tàu, dù loại ca nô này được ngành đăng kiểm cho đủ an toàn để chạy trên biển.
Vì vậy, vấn đề cần đặt ra là tiêu chuẩn an toàn của ngành đăng kiểm hiện đang áp dụng cho loại ca nô này có đủ bao đảm an toàn chưa? Đây là vấn đề sống còn cho cả du khách lẫn ngành du lịch vì chỉ riêng tại Hội An hiện có khoảng 40 doanh nghiệp đang khai thác 120 ca nô loại này.
Khi ngành giao thông đưa ra quy định bắt buộc chuyển sang dùng ca nô SB, đã có nhiều ý kiến phản hồi từ phía doanh nghiệp du lịch lẫn chính quyền địa phương là quy chuẩn SB vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý, cần cải thiện. Tiếc thay, những ý kiến đó đã không được cơ quan chức năng lắng nghe(2).
Hai câu chuyện quy chuẩn an toàn này gợi nhớ lại chuyện thảm họa do lỗi thiết kế của dòng máy bay Boeing 737 MAX 8 khiến 346 người chết oan uổng trong hai vụ tai nạn năm 2018 và 2019. Hãng Boeing đã đưa vào dòng máy bay này hệ thống tăng cường chức năng điều khiển bay (MCAS). Thiết kế này – với mục đích để tăng thêm độ an toàn – lại là nguyên nhân chính dẫn đến cả hai vụ rớt máy bay.
Nếu Boeing chịu lắng nghe các chuyên gia và cho ngừng bay dòng máy bay này để kiểm tra thì cái giá phải trả về sinh mạng đã không tăng thêm 157 người trong vụ tai nạn thứ nhì sau đó năm tháng cũng như hàng tỉ đô la thiệt hại mà hãng này phải gánh chịu trong gần hai năm 737 MAX 8 bị cấm bay.
Quy chuẩn, thiết kế an toàn nào cũng có thể còn sai sót, không toàn diện. Vì vậy, xin các cơ quan chức năng đừng chờ cho đến khi phải trả giá thêm bằng sinh mạng rồi mới ra tay. Hãy hành động sớm như ban hành quy chuẩn tăng cường an toàn cho việc vận chuyển thép cuộn hay tái kiểm tra xem thiết kế ca nô SB đã đủ an toàn khi đi biển chưa.
Xem thêm