Đừng đánh mất lòng tự trọng
TTO - Đã đến lúc thế hệ trẻ phải biết từ chối điểm số không phải của mình, thầy cô từ chối "làm đẹp" điểm số vì bất cứ lý do gì.
"Đi các trường, môn ngữ văn cũng có em đạt điểm trung bình đến 9,6. Nếu kết quả như vậy thật thì cả năm học sinh chỉ 2 lần điểm 9, còn lại toàn 10". Một chuyên gia của Bộ GD-ĐT chia sẻ khi nhìn nhận về những "bất thường" trong kiểm tra, đánh giá ở trường phổ thông những năm gần đây.
Năm học này, khi kỳ tuyển sinh đại học vào giai đoạn nước rút, lại lộ ra điểm chuẩn nhiều trường khi xét học bạ tăng bất ngờ. Rất nhiều ngành tăng 3 - 5 điểm so với năm trước, không ít ngành điểm chuẩn vọt lên 30, thậm chí hơn, nhiều thí sinh 28 - 29 điểm vẫn ngậm ngùi "không đỗ". Liệu chất lượng học tập có thật sự nâng lên đột biến như điểm số?
Điểm số cao, sao lại không mừng?
Khi dấy lên những câu hỏi về học bạ, Bộ GD-ĐT từng trấn an trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ lớp 12 năm 2021 đã được thu hẹp khoảng cách so với năm trước. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ, độ vênh nhiều môn, ở nhiều tỉnh "dù đã thu hẹp" theo cách nói của bộ vẫn cứ gây sửng sốt.
Năm 2021, có môn hơn 50 tỉnh điểm học bạ đều cao hơn điểm thi tốt nghiệp từ 2 điểm trở lên, hàng chục tỉnh mức chênh trên 3 điểm. Với độ chênh "giật mình" như thế, để tốt nghiệp, thí sinh có thể chẳng còn phải bận tâm thi cử gì nhiều.
Thậm chí, có tỉnh tính bình quân trên tổng số hàng vạn thí sinh dự thi mỗi năm thì điểm học bạ hầu hết các môn thi đều bền vững trên 8,0.
"Học thật, thi thật, nhân tài thật", một chủ trương lớn dường như đang đứng trước quá nhiều thách thức, mà trước hết là lòng tự trọng của thầy, trò, của những người có trách nhiệm. Áp lực nào khiến thầy cô phải lách, phải làm đẹp học bạ cho học trò?
Còn nhớ trong vụ gian lận thi cử gây chấn động ở một loạt tỉnh miền núi phía Bắc, vị bí thư tỉnh ủy có con gái được nâng điểm vẫn một mực "có thể họ lợi dụng việc đó để đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao", cho rằng mình vô can dù thí sinh này đứng đầu trong danh sách được "gửi gắm". Bao nhiêu người có tư duy khôn lỏi mà để quên lòng tự trọng như vậy?
Khi lòng tự trọng bị đánh mất thì chính những học bạ sáng choang lại tố cáo sự giả dối hiện hữu trong giáo dục mà đến giờ vẫn chưa có liều thuốc hữu hiệu chữa trị.
Các trường đại học phải sàng lọc, từ chối những trang học bạ đẹp nhưng thấp thoáng giá trị "ảo", phải gánh vác việc tuyển sinh để lựa chọn những thí sinh chất lượng, làm nên thương hiệu cho mình. Bộ GD-ĐT với vai trò quản lý nhà nước phải giám sát công tác tuyển sinh, tư vấn cho các trường cách tuyển người học chất lượng.
Đã đến lúc thế hệ trẻ phải biết từ chối điểm số không phải của mình, thầy cô từ chối "làm đẹp" điểm số vì bất cứ lý do gì. Trách nhiệm của ngành giáo dục là thổi bùng lên ngọn lửa của lòng tự trọng và thiên chức của nhà giáo là phải đánh giá nghiêm túc, chuẩn mực học trò của mình.
Hãy tin rằng có những em điểm số không cao nhưng bằng lòng trung thực được nắn nót từ trong nhà trường vẫn có thể đi đến thành công. Ngược lại, những người thản nhiên nhận "vòng nguyệt quế" lẽ ra không thuộc về mình biết đâu vào đời sẽ quen đường chạy chọt, không ngại tìm cầu, tìm cửa, chăm chăm lợi ích bản thân, bất chấp lợi ích cộng đồng.
Như thế, không ngăn chặn sự giả dối ngay từ hôm nay thì di chứng còn kéo dài nhiều năm sau, thậm chí nhiều thế hệ sau.
Xem thêm