Đừng để con virus chưa chết

07/09/2021 | 319 |

(KTSG) - Ngày thứ 6 thành phố bị phong tỏa theo Chỉ thị 16, cũng là ngày thứ 3 khu phố tôi ở bị giăng dây chặn hai đầu đường, nội bất xuất ngoại bất nhập vì trong khu phố có người dính Covid-19, bị đưa đi cách ly.

(KTSG) - Ngày thứ 6 thành phố bị phong tỏa theo Chỉ thị 16, cũng là ngày thứ 3 khu phố tôi ở bị giăng dây chặn hai đầu đường, nội bất xuất ngoại bất nhập vì trong khu phố có người dính Covid-19, bị đưa đi cách ly.

Sáng sớm đã nhận được mấy cuộc gọi hỏi thăm của bạn bè, giọng nói qua điện thoại có phần thảng thốt, âu lo dù cũng cố đùa vui cho bớt phần căng thẳng. Những cuộc gọi làm ấm lòng giữa mùa dịch, dù chỉ để hỏi tình hình phong tỏa, giăng dây thế nào, có ổn không, rồi chúc và dặn dò giữ gìn sức khỏe. Thời dịch dã còn biết nói gì ngoài chuyện dặn nhau cẩn thận, đề phòng, ráng giữ sức khỏe! Mọi thứ khác đã trở thành chuyện thứ yếu; hầu hết mọi thứ, mọi dự định, mọi toan tính đều đã phải hoãn lại hoặc hủy bỏ.

Trên Facebook, có “bạn phây” ngậm ngùi đưa tin người thân mất ở quê mà không thể về đưa tang chỉ vì đang bị cách ly, phong tỏa ở thành phố. Tôi cũng có người thân ở quê bệnh nặng mà không thể về thăm nom vì địa phương ấy lạnh lùng “không nhận người từ TPHCM đến, về” dù gia đình mình, người thân mình ở đấy.

Thời dịch dã lắm chuyện cười ra nước mắt. Vì dịch, anh ngăn không cho người khác đến địa phương mình thì còn hiểu được, đàng này không cho người có gia đình, người thân ở đó trở về là sao? Cùng đối phó với dịch mà có nơi xem ra vẫn còn nặng tình nặng nghĩa, có nơi lại chẳng khác “cạn tàu ráo máng”, như địa phương nơi người thân tôi đang sống; như Bình Thuận “không nhận người đến, về từ TPHCM và vùng dịch”; hoặc như Huế từ chối cho con em mình đi xe lửa trở về được đặt chân xuống đất quê mà phải ra Đông Hà.

Chẳng thế mà dư luận hết lời ngợi khen chính quyền tỉnh Quảng Nam tổ chức cho người dân quê mình ở TPHCM ai muốn về quê thì có xe đưa về, về rồi thì tổ chức xét nghiệm, được ăn ở, khám chữa bệnh miễn phí, cách ly xong ai về nhà nấy. Tiếp sau Quảng Nam là Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Chỉ có thể nói đó là suy nghĩ tử tế, thái độ tử tế, hành động tử tế của lãnh đạo các địa phương này.

Thủ tướng sau đó cũng đã nói: “Trong lúc khó khăn, thử thách lại càng phải tôn trọng, bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân” và yêu cầu “tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận người dân từ TPHCM và các tỉnh, thành phố phía Nam trở về các địa phương”.

Cuối cùng thì sau ý kiến của Thủ tướng, Huế cũng đã nghĩ lại, dự định xin ngành đường sắt một chuyến tàu hỏa đón người Huế “thực sự khó khăn” ở TPHCM trở về quê. Bình Thuận thì ngày hôm trước nói giọng quyết liệt rằng không nhận người đến hoặc về từ các tỉnh thành đang thực hiện Chỉ thị 16, qua hôm sau đã cho biết sẽ tổ chức đưa người dân quê Bình Thuận đang ở TPHCM trở về Bình Thuận nếu có nhu cầu.

“Chống dịch như chống giặc” có nhất thiết phải biến mỗi địa phương thành một pháo đài bất khả xâm phạm không (mà bất khả xâm phạm với con người thì có thể, chứ làm sao bất khả xâm phạm với con virus vô hình vô ảnh)? Và có nhất thiết phải dẹp tình người qua một bên?

Mọi người hẳn chưa quên câu chuyện “bệnh nhân người Anh”, phi công Scotland mắc Covid-19, mang mã số “bệnh nhân 91” đã được ngành y tế Việt Nam tập trung chữa trị, cứu sống như thế nào hồi tháng 7-2020 và đã xuất viện về nước. Nhiều người coi đó như là biểu hiện của tính nhân văn, của tình người nơi người Việt, ngay cả với người ngoài. Vậy với chính đồng bào, đồng hương của mình, khi hoạn nạn, tại sao lại không thể hành động, đối xử sao cho có nghĩa, có tình?

Chống lại sự lây lan của con virus SARS-Cov-2 bằng 5K, giãn cách xã hội, khẩu trang, cách ly khi cần, nhất là vaccine... hẳn ai cũng đồng tình, ủng hộ. Nhưng có phải vì thế mà phải đi đến chỗ cực đoan như địa phương này, địa phương kia từ chối những người trở về quê của họ khi người ta cần hoặc người ta muốn?

Đừng để con virus chưa bị đánh bại, chưa chết mà sự tử tế, tình người, tình đồng bào đã chết trước.


Tin tức liên quan

Bình luận