Đừng xem phát triển kinh tế số như thành tích!
Một điều lạ lùng là nhiều ngành gần đây rất “chuộng” đưa ra những con số thống kê về đóng góp của kinh tế số trong GDP của ngành mình.
Tỉ trọng đọng góp GDP – Ảnh minh hoạ: Internet
Một số ý kiến còn có vẻ gay gắt cho rằng Tổng cục Thống kê tính sai hoặc phân ngành chưa đúng. Có thể khẳng định rằng phân ngành của Việt Nam hoàn toàn tương thích với phân ngành kinh tế chuẩn của Liên hiệp quốc (International Standard Industrial Classification – ISIC).
Mức độ ảnh hưởng của một ngành hoặc một nhóm ngành nào đó đến nền kinh tế thường không chỉ là tỷ lệ giá trị tăng thêm của ngành đó trong GDP, mà quan trọng hơn là mức độ lan tỏa và độ nhạy của ngành đó ra sao đối với nền kinh tế. Nhiều khi giá trị tăng thêm của một ngành nào đó chiếm tỷ trọng lớn trong GDP, nhưng độ nhạy và độ lan tỏa thấp, còn là một vấn đề lớn với cấu trúc kinh tế của một quốc gia hoặc trình độ sản xuất chỉ là gia công, làm thuê.
Tính toán từ bảng cân đối liên ngành của Việt Nam cho thấy, nhóm sản phẩm cuối cùng của nhóm ngành công nghiệp lan tỏa rất cao đến sản lượng, nhưng lại lan tỏa thấp đến giá trị tăng thêm ở cả hai giai đoạn mà bảng I.O 2012 và 2016 là đại diện; tỷ lệ lan tỏa đến giá trị tăng thêm so với sản lượng thấp nhất trong các ngành khảo sát trong mô hình. Cùng với nhóm ngành kinh tế số, mức lan tỏa lớn nhất là đến nhập khẩu. Điều này phần nào cho thấy hàm lượng trí tuệ trong hai nhóm ngành này không cao, nếu không muốn nói là thấp, và cơ bản làm gia công.
Nhìn chung các ngành sử dụng đầu vào là kinh tế số chưa nhiều trong quá trình sản xuất sản phẩm cuối cùng. Điều này chứng tỏ khả năng số hóa trong nền kinh tế còn rất thấp.
Đến năm 2019 (IO 2019), sản phẩm cuối cùng nhóm ngành công nghiệp lan tỏa đến các ngành còn lại của nền kinh tế cao hơn giai đoạn trước xấp xỉ 2 điểm phần trăm (20,43% so với 18,54%). Đặc biệt là số hóa thông qua các ngành sử dụng đầu vào của nhóm ngành kinh tế số đều tăng lên
Hiện nay Tổng cục Thống kê công bố GDP theo 21 ngành kinh tế cấp 1; kinh tế số nằm lẫn trong nhóm ngành dịch vụ và công nghiệp chế biến, chế tạo. Như vậy, về mặt chính thức, không ai biết tỷ lệ kinh tế số so với GDP là bao nhiêu; những ý niệm kinh tế số cốt lõi (core digital) và số hóa (digitalization) hầu như chưa thống nhất và mỗi nhóm nghiên cứu đưa ra các định nghĩa về vấn đề này cũng khác nhau.
Tuy nhiên, dựa vào bảng I/O của Việt Nam vẫn có thể tách các ngành về kinh tế số. Tỷ trọng của các nhóm ngành kinh tế số trong GDP ước tính khoảng 5%; có người gọi đó là kinh tế số lõi hay cơ bản. Tính toán theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với bảng IO cập nhật cho năm 2019, tổng ảnh hưởng của kinh tế số trong GDP khoảng 11%. Gần đây rộ lên tính toán ảnh hưởng của kinh tế số theo cách của Trung Quốc, sử dụng hàm Cobb – Douglas với các hệ số rút ra từ I/O. Với cách tính toán này, tổng ảnh hưởng của kinh tế số bằng khoảng 19% GDP tính đến năm 2019.
Tuy nhiên, những điều này cũng không nhiều ý nghĩa khi hàm lượng nghiên cứu và phát triển (R&D) vẫn hoàn toàn từ nước ngoài và việc số hóa thông qua các ngành sử dụng kinh tế số làm đầu vào trong quá trình sản xuất vẫn rất hạn chế.
Vấn đề là thay vì cuốn hút vào tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong GDP, cần xem xét ảnh hưởng thực sự của kinh tế số, chẳng hạn như khi các ngành sử dụng đầu vào là sản phẩm của kinh tế số thì sẽ làm chi phí trung gian giảm đi bao nhiêu? Từ đó giá trị tăng thêm tăng lên bao nhiêu…? Và vấn đề không nhỏ là giải quyết thất nghiệp do kinh tế số như thế nào?
Xem thêm