Hành trang cho người đọc

18/05/2022 | 203 |

(KTSG) – LTS: Dường như là sự đọc cùng đi suốt cả đời người dù bạn là doanh nhân hay chuyên gia nên không lạ khi ta phải biết những phương pháp đọc sao cho hữu hiệu để có thể đọc nhanh, đúng mà tiết kiệm được thời gian

Thời gian dành cho việc đọc sách báo tài liệu nhiều hơn kể từ khi đại dịch Covid-19 khởi phát giúp tôi phát hiện ra rằng cách thức đọc của mình đã thay đổi đáng kể. Tôi đọc sách báo, tài liệu trực tuyến, truy cập mạng xã hội nhưng vẫn duy trì thói quen đọc báo giấy bởi nhiều tờ báo hay tạp chí tại Singapore luôn cung cấp độc giả nhiều lựa chọn mang tính trực quan cao. Tôi cũng thích xem quảng cáo trên báo in với hình ảnh đầy màu sắc, phông chữ và kích cỡ khác nhau. Các bài viết về kinh tế chính trị xã hội trên nhật báo The Straits Times rất dễ đọc vì được minh họa bằng bảng biểu, đồ họa sinh động và rõ ràng.

Sơ đồ: Bốn vị trí tiếp cận khi đọc văn bản

Description: https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2022/03/4-vi-tri-tiep-can-khi-doc-van-ban.jpg Nguồn: Teaching for Deeper Learning, Jay McTighe & Harvey F. Silver, 2020.

Đọc đối với tôi đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, không những vì yêu cầu nghề nghiệp hay nhu cầu thư giãn tinh thần mà còn để trưởng thành và chín chắn hơn trong hành trình khẳng định bản thân và học làm người.

Hành trình của sự đọc

Theo các nhà nghiên cứu, để có thể đọc một cách hiệu quả, chúng ta cần các chiến lược để xử lý các loại văn bản khác nhau. Khi đọc, chúng ta liên tục thu thập các mẩu thông tin mới từ văn bản, bổ sung vào kiến thức cá nhân để xây dựng những hiểu biết mới. Từng mảnh một, chúng ta phát triển một bức tranh hoàn chỉnh hơn khi thông tin mới kết hợp với những gì mình đã biết và sẽ bắt đầu đạt được những hiểu biết mới hoặc thay đổi quan điểm riêng.

Trong quyển sách Strategies that work: teaching comprehension to enhance understanding (tạm dịch: Các chiến lược hiệu quả: dạy khả năng hiểu để nâng cao hiểu biết), tác giả là hai nhà giáo dục người Mỹ Stephanie Harvey và Anne Goudis cho rằng trong quá trình đọc, con người sẽ chuyển từ việc kể lại thông tin mới sang việc suy nghĩ lại hiểu biết của bản thân về thế giới. Chúng ta tổng hợp những kiến ​​thức mới để xem xét những ý tưởng lớn ảnh hưởng đến cuộc sống. Do đó, một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu của nền giáo dục là phát triển những “người đọc” có khả năng xây dựng ý nghĩa bằng cách tóm tắt nội dung và phản hồi cá nhân về những gì mình đã đọc, phản ánh quá trình đọc của bản thân và biến những khía cạnh học tập này thành sự hiểu biết toàn diện trong các kỹ năng đọc và viết (literacy).

Thực tiễn trong hoạt động tư vấn kinh doanh và đào tạo trong hai mươi năm qua càng làm cho tôi cảm nhận sâu sắc tầm quan trọng của những đánh giá nói trên. Với tôi, “thành quả” lớn nhất của mười bốn năm dạy văn tại Singapore chung quy lại cũng là trang bị cho học sinh các kỹ năng đọc. Theo yêu cầu của chương trình tú tài quốc tế (IB), giáo viên phải giúp học sinh biết cân nhắc và chọn lựa bằng chứng (evidence) từ văn bản, để hình thành ý kiến ​​và nhận định cá nhân, đồng thời kết hợp thông tin văn bản với kiến ​​thức nền tảng của riêng mình. Khi hướng dẫn các em làm khóa luận (extended essay), tôi yêu cầu các em rút ra kết luận và áp dụng tư duy logic để chứng minh cho các diễn giải của mình. Điều làm tôi thích thú nhất trong môi trường IB là hầu hết học sinh đều được hướng đến khả năng tư duy độc lập trong việc đọc văn bản và thể hiện suy nghĩ chân thật của lứa tuổi học trò.

Theo khuyến cáo của nữ giáo sư chuyên ngành văn học nổi tiếng người Mỹ Louise Michelle Rosenblatt, người thầy phải giúp cho học viên của mình đọc được các văn bản khác nhau và nhận ra rằng đọc là ý nghĩa thương lượng giữa tác giả và độc giả. Có lẽ chính điều này đã làm tôi cảm thấy mỗi buổi học là một thách thức và trải nghiệm mới mặc dù tôi đã quen thuộc với nhiều văn bản/tác phẩm văn học trong suốt mười mấy năm giảng dạy. Các câu hỏi của tôi với học sinh thường khởi đầu và khai triển từ các cuộc trò chuyện qua nội dung văn bản/tác phẩm, từ những tiết lộ cụ thể và thực tế về mối quan tâm của chính các em trong cuộc sống ở Singapore hay quê nhà. Từ đó, tôi sẽ dẫn dắt các em vào những diễn giải sâu hơn.

Tôi thường nhắc nhở các em về tầm quan trọng của việc ghi chú (note-taking) trực tiếp thẳng lên văn bản bằng viết chì hay tô đậm bằng bút đánh dấu trong lúc đọc hay nghe giảng hoặc thảo luận trong lớp. Ngoài ra, tôi cũng chỉ các em cách thức để xác định điều gì quan trọng, điểm nào quan trọng, chi tiết nào trong văn bản hay tác phẩm sẽ ảnh hưởng đến việc tạo ra ý nghĩa của chúng, đồng thời xác định mối liên hệ của những điều/điểm/chi tiết này trong một văn bản nói riêng hay tác phẩm văn học nói chung.

Hành trang cho người đọc

Có nhiều cách để dạy học sinh đọc hiệu quả nhưng trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin mạo muội chia sẻ với độc giả hai phương pháp tôi đã áp dụng trong quá trình dạy văn ở trường quốc tế. Trước tiên là Power Previewing (tạm dịch: Đọc lướt hiệu quả), viết tắt là PP và cũng được diễn giải bằng năm cụm từ bắt đầu bằng chữ P trong tiếng Anh. Theo các tác giả của phương pháp này, người đọc thông thạo không chỉ mở văn bản ra rồi đọc ngay mà thường xem sơ qua và chuẩn bị cho bản thân đọc văn bản một cách sâu sắc và hiệu quả.

Bằng cách tiếp cận này, giáo viên có thể giúp kích hoạt kiến thức trước đó của học sinh, giúp xây dựng ý nghĩa ban đầu của văn bản/tác phẩm các em sẽ đọc và tạo ra một khuôn khổ khái niệm mà thông tin/kiến thức mới thu thập được thông qua việc đọc có thể được gắn kết vào đó.

Một phương pháp khác rất phù hợp cho yêu cầu của các bài thi văn trong chương trình IB là Reading stances (tạm dịch: Các vị trí tiếp cận khi đọc) trong đó khuyến khích học sinh thực hiện nhiều “góc nhìn” để từ đó các em tương tác và phản hồi với các văn bản. Thông qua cách tiếp cận này, học sinh sẽ xây dựng khả năng hiểu biết ý nghĩa sâu sắc và liên hệ với bản thân (xem sơ đồ).

Ngoài việc giới thiệu và truyền đạt cho học sinh những phương pháp như trên, nếu người thầy còn phải làm sao khơi dậy cho học sinh cảm giác tò mò thích thú và mong muốn khám phá khi đối diện với một văn bản cho dù là nó có tính văn học hay không. Một trong những thông điệp mà tôi nhắc đi nhắc lại thường xuyên với các em là học văn không chỉ đơn thuần là đạt điểm cao mà để những trải nghiệm đa chiều đầy sắc màu trong cuộc sống và chuẩn bị hành trang về cảm xúc, tinh thần và trí tuệ cho chặng đường học vấn kế tiếp.

Nhưng đó cũng là thách thức bởi lẽ trong bối cảnh phát triển vũ bão của công nghệ 4.0, giới trẻ đang bị ngập trong quá nhiều thứ “văn bản” trên truyền hình, mạng xã hội và trò chơi máy tính. Một sự thật nghiệt ngã với các nhà giáo dục và bậc phụ huynh là ấn phẩm khó có thể cạnh tranh với âm thanh và hình ảnh của những dịch vụ truyền thông trực tuyến. Như vậy, nền giáo dục cần đào tạo những người thầy có khả năng giúp học trò của mình khám phá những ý tưởng mới mẻ, những thế giới khác biệt, những thông tin đa chiều, tạo ra sự ngạc nhiên, kích thích cảm giác tưởng tượng ẩn chứa trong văn bản/tác phẩm.

Sức mạnh vô biên và sự hiện diện rộng khắp của công nghệ cả trong môi trường học đường và ngoài xã hội là một tồn tại khách quan. Theo nhà giáo dục nổi tiếng người Mỹ Sarah Maxine Greene, người thầy không còn có thể xem văn bản mà mình sử dụng trong quá trình dạy kỹ năng đọc viết là chủ yếu bằng chữ viết hay ngôn ngữ – văn bản cần được tạo thành từ hình ảnh, âm thanh, chuyển động.

Trong thời đại ngày nay, văn bản mà học sinh đọc và thưởng thức ở nhà gồm cả bản in và điện tử. Lựa chọn văn bản trong lớp học cần phản ánh tính đa phương thức (multimodality) thường thấy trên trang web để thu hút hành vi đọc của học sinh. Việc sử dụng máy tính có thể được cân bằng bởi các chương trình liên quan đến tài nguyên bằng bản in kết nối học sinh với thế giới xung quanh đồng thời mở rộng khả năng và sở thích của các em.

Khuyến cáo nói trên của bà Greene đã được nhiều hệ thống giáo dục trên thế giới áp dụng và chúng ta đã thấy nhiều này rõ ràng hơn trong đại dịch Covid-19 khi nhiều quốc gia phải chuyển sang phương thức dạy và học online. Trong suốt hai năm qua, vì không thể mua sách từ Việt Nam sang, tôi đã phải cùng học sinh của mình tiếp cận văn bản/tác phẩm văn học qua giao diện máy tính, nhưng dù sao thì chuyện tiếp cận và truy cập tài liệu học tập qua trang web hay mạng xã hội đã được trường áp dụng và thực hiện từ nhiều năm trước.

Cho dù như thế nào đi nữa, tôi vẫn luôn tâm niệm nhiệm vụ hàng đầu của người thầy là dạy học sinh có thể tiếp cận và xử lý thông tin trên mọi phương tiện và nền tảng truyền thông, bất kể đó là ấn phẩm hay văn bản trực tuyến. Tôi mong học sinh của mình không chỉ đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp và còn trở thành những người đọc tích cực và phản biện, tự tin trên con đường học vấn và sự nghiệp của mình trong tương lai với hành trang là những kỹ năng đọc hiệu quả.


Tin tức liên quan

Bình luận