Hành trình yêu thương về TP.HCM - Kỳ 3: Hai cha con cùng hướng về miền Nam

07/09/2021 | 327 |

TTO - Con rể, cha vợ chung nghề tài xế, họ chung luôn cả suy nghĩ hướng về miền Nam thân yêu. Cha con bất chấp hiểm nguy, xung phong ngược xuôi cùng những chuyến xe hàng chở nghĩa tình thơm thảo miền Trung về đồng bào miền Nam.

Không ngại rủi ro nhiễm bệnh

"Lúc này, bà con Sài Gòn đang cần mình giúp đỡ thêm, làm gì được thì làm" - đó là suy nghĩ của tài xế Hoàng Anh Tiến (57 tuổi) và tài xế Võ Văn Cường (27 tuổi). 

Hai cha con thay nhau lái chiếc xe nghĩa tình biển số 76C-102.44 hết chuyến này đến chuyến khác, và lời hứa "còn hàng sẽ còn chở vào miền Nam" khiến chúng tôi xúc động.

Tuổi nghề của tài xế Tiến còn nhiều hơn tuổi đời của tài xế Cường. Khoảng cách thế hệ chẳng thể ngăn được khoảng cách suy nghĩ của họ rất gần nhau. Anh Cường bảo, đêm trước Chuyến xe 0 đồng đầu tiên, hai cha con ngồi nói chuyện với nhau. Cũng đắn đo suy nghĩ, bởi tài xế Tiến luống tuổi, còn tài xế Cường có vợ đang mang bầu. Hai người lại là cha vợ, con rể, nếu chẳng may "dính" COVID-19 thì sẽ nguy hiểm cho cả gia đình. Nhưng rồi cha con vẫn quyết tâm lên đường.

"Em nói với ba là thôi cứ lên đường, giờ ai cũng ngại dịch bệnh thì bà con Sài Gòn khó khăn lắm" - Cường chia sẻ. Chúng tôi hỏi: "Thế không sợ vợ mang bầu ở nhà lo lắng à?". Cường có vẻ trầm tư, dẫu sao đó cũng là điều dễ hiểu, bởi gia đình là điều quý giá nhất của mỗi con người. Nhất là với chàng trai trẻ như Cường, tổ ấm chỉ mới dựng lên được hơn một năm.

Ông Tiến cầm vôlăng cười lớn như để xua đi nỗi lo của con rể bất chợt ùa về. Ông bảo từ ngày xung phong chở hàng, chuyến nào về cha con cũng xét nghiệm PCR để chuẩn bị cho chuyến đi tiếp theo nên an tâm. Từ khi chọn làm "người vận chuyển" nghĩa tình mùa dịch, cả hai ý thức giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và "ở lì" trên xe, không về nhà để tránh tối đa những rủi ro có thể xảy đến.

"Thời chiến cha chú ra trận, đạn bom nổ rầm rầm, sống chết bất cứ lúc nào còn không sợ. Mình đi giữa thời bình mà sợ gì. Lúc này, bà con cần mình thì lên đường thôi, tính quá hóa non. Cứ nghĩ đi như bao ngày qua lái xe chở hàng cho đỡ nặng đầu" - tài xế Tiến nói rồi cười khà khà.

Mà thật sự, lái xe giữa trận đại dịch ảnh hưởng toàn cầu đâu giống ngày thường. Cha con ông Tiến phải mang theo bếp gas mini, chén bát và thực phẩm. Đi đến đâu nấu ăn đến đó. Chỉ khổ nhất là tắm giặt, không có bến bãi nào mở cửa. Hai cha con phải "ở dơ" cho đến khi về lại Quảng Ngãi. Trong suốt hành trình cùng hai cha con, mỗi lần có xe chở nhu yếu phẩm từ các tỉnh bạn lướt qua, họ lại bóp còi như một cách giao tiếp, thân mật hỏi thăm nhau.

Với ông Tiến, mấy chục năm qua cũng nhờ những chuyến hàng từ Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai... gửi về Quảng Ngãi mà ông thêm phần chăm lo được cho gia đình mình. 

Nghề tài xế nay đây mai đó, nếu không đón nhận những ân tình từ sự cưu mang, đùm bọc của người dân nơi đất khách thì làm sao trụ được cho đến bây giờ. 

Ông Tiến dự tính 3 năm nữa sẽ nghỉ hưu, và thời điểm miền Nam khó khăn chưa từng có này là dịp ông có thể trả lại chút ân tình mấy chục năm qua đã nhận. 

Còn chàng rể trẻ cũng học được bài học yêu thương và sẻ chia để có thể thêm yêu và gắn bó với nghề ôm vôlăng mình đã chọn.

Còn hàng là còn chở về miền Nam thương yêu

Từ khi chở chuyến hàng đầu tiên vào ngày 21-7, đến nay cha con tài xế Tiến đã chở thêm 4 chuyến hàng nữa. Họ vào đến TP.HCM, xuống hàng xong là lập tức quay đầu cho kịp chuyến hàng sau, gần như chẳng có thời gian nghỉ ngơi. Để hành trình không bị gián đoạn, cha con tự phân công lịch: "Cha lái ngày, con chạy đêm", thay nhau ngủ cho đảm bảo sức khỏe.

Đêm, chúng tôi xuyên qua Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, phía ngược chiều những đoàn xe máy đang hối hả trở về quê. Tài xế Cường nhìn những đứa trẻ ngủ gục trong tay mẹ trong lúc người cha mệt mỏi, căng mắt giữa đêm lái xe máy. Anh chùng giọng: "Nhìn thương ghê, cả nhà vào TP.HCMmong kiếm tiền mưu sinh. Vì dịch mà dắt díu nhau về giữa đêm như vậy. Chốt kiểm dịch nào cũng đông nghịt người khai báo y tế, chờ đi cách ly tập trung. Mong sao có thêm nhiều xe chở hàng vào tiếp tế cho bà con đỡ khổ phần nào hay phần đó".

Mấy chục năm xuôi ngược ở TP.HCM, ông Tiến quen biết cũng nhiều. Mấy ngày qua, mỗi chuyến hàng ông Tiến đều đăng lên trang mạng xã hội vừa để thông báo cho công ty, gia đình nắm tình hình, vừa tiện cho người dân khó khăn ở TP.HCM biết xe chở nhu yếu phẩm liên hệ.

"Nhiều hoàn cảnh khó khăn, họ liên hệ xin cho khu trọ của mình. Tôi chỉ có công chứ đâu có của, nên nắm danh sách về báo cáo lại công ty. Công ty làm việc với Nhà nước để phân phát cho phù hợp. Làm sao ai cũng có chút quà quê là mình vui rồi" - tài xế Tiến nói.

Ông Lê Văn Hải, giám đốc Công ty TNHH Quý Trường Hải, tâm sự công ty thật may mắn khi có những nhân viên như cha con ông Tiến - tinh thần trách nhiệm, ý thức phòng dịch cao và luôn sẵn sàng vì cái chung. 

"Công ty tôi cam kết với Mặt trận Tổ quốc tỉnh rằng có bao nhiêu hàng chúng tôi cũng có xe chở miễn phí vào Nam cho bà con. Cứ cho địa chỉ, chúng tôi sẽ đến nhận hàng và lên đường. Trừ khi hàng nhiều quá cần tăng chuyến tôi mới điều tài xế xe khác, còn lại cha con anh Tiến nhận chở hết. Chắc hai cha con không biết, nhiều hội nhóm ở TP.HCM nhận hàng điện về công ty khen cha con anh ấy dữ lắm. Tôi cũng vui lây" - ông Hải nói.

Hai cha con tài xế Tiến không phải cá biệt trong rất nhiều chuyến xe đầy ắp yêu thương từ khắp mọi miền Tổ quốc đổ về miền Nam những ngày qua. Nhưng họ là một phần hiện diện và đủ đầy cảm xúc của những con người lặng lẽ cầm vôlăng chuyên chở nghĩa tình vì đồng bào lúc khó khăn.

Cha con tài xế Tiến nói còn hàng sẽ còn chở, chở cho đến khi nào miền Nam trở lại bình thường mới thôi. Lời nói ấy như khẳng định cả nước luôn bên cạnh miền Nam, luôn sẵn sàng chia sẻ đắng cay và người dân cả nước biết nhận từ TP.HCM thì cũng biết cho đi lúc TP cần. Sẽ còn những hành trình nghĩa tình phía trước chờ đợi cha con tài xế Tiến những ngày đến...

 


Tin tức liên quan

Bình luận