'Hạt cát nhỏ' giữa bão dịch
TTO - "Nếu thiếu máy thở, hãy gọi chú Nhân" - đó là lời "rao" từ nhiều bệnh nhân COVID-19 đã được một người đàn ông 61 tuổi ở Sài Gòn giúp đỡ trong dịch bệnh.
Những chiếc máy thở của ông Nhân tuy cũ nhưng giúp được nhiều người bệnh - Ảnh: TỰ TRUNG
Mấy tháng nay dịch nên vợ tôi cũng nghỉ bán rồi. Gia đình không khấm khá, có gì ăn nấy, mì gói qua ngày được rồi, dịch giã thì ai cũng vậy mà. Tôi tâm niệm người ta khá giả thì giúp nhiều, mình không dư dả thì cũng giúp ít.
Ông Trương Phước Nhân
Từ trước làn sóng thứ 4 đại dịch COVID-19, ông Trương Phước Nhân ở quận 5 (TP.HCM) đã chạy xe cấp cứu suốt mấy chục năm nay.
"Mình chỉ là hạt cát nhỏ"
12h30 trưa 10-8, một người bạn của tôi ở quận 5 gấp gáp xin cứu giúp trên trang Facebook cá nhân: "Mình cần xe cứu thương chở người nhà bị F0 đi cấp cứu gấp. Sáng giờ bà ho ra máu, khó thở lắm rồi".
Nhiều bạn bè trên trang Facebook vội nhắn thông tin họ biết để bạn tôi gọi nhờ xe cứu thương. Tôi cũng nhắn số ông Nhân mà cầu may cho bạn. Chỉ 30 phút sau, bạn tôi báo: "Xe chú Nhân đã đến đón đưa F0 ở quận 5 đi Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, mừng quá! Sáng giờ gia đình quay cuồng lo sợ!". Đó chỉ là một trong những ca cấp cứu mà ông Nhân luôn nhiệt tình "cứu người như chữa lửa" nhiều năm nay.
Với 3 chiếc máy thở oxy và hơn chục bình oxy có sẵn từ hồi còn chạy xe cấp cứu tư nhân, ông Nhân đã cho nhiều "người dưng" mượn về xài. Hỏi chuyện, ông cười bảo: "Nhà có sẵn nên ai cần thì cho mượn. Dịch này có người bỏ ra từ thiện cả tỉ đồng, mình chỉ là hạt cát nhỏ".
Rồi ông trầm ngâm kể: "Hai ngày trước, khu tôi ở có cô phó bí thư chi đoàn đi tình nguyện cho đội test COVID không may dương tính. Tôi nghe nói cổ khó thở nên cho mượn máy thở phòng hờ. Mong sao việc hỗ trợ F0 nhanh chóng hơn để bà con đỡ lo".
Mấy ngày nay, điện thoại của ông Nhân luôn nóng với những cuộc gọi cầu cứu của các F0 tại nhà: "Bác Nhân ơi, nhà con có người dương tính 2 ngày rồi mà chưa được đưa đi, bác giúp con máy thở được không?"... Trên bảng tin khu phố 5, phường 11 (quận 5) cũng cập nhật thông tin "Bà con ai F0 cần máy thở, hãy gọi tôi" của ông Nhân.
Mấy ngày trước, ở ngã tư Thuận Kiều - Châu Văn Liêm, xe cấp cứu của một bệnh viện không may gây tai nạn cho người đàn ông. Nạn nhân bị gãy chân, người đầy máu, nằm bất động. Tình cờ ông Nhân đi ngang qua nên chạy lại xem có giúp gì được không. Khi tài xế nói đang chở người dương tính, mọi người tản hết. Ông Nhân thấy tội, về lấy xe của mình đưa nạn nhân đi Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu.
Ông kể lại: "Tôi có cái xe lúc nào cũng sẵn băng ca, nên tôi với anh tài xế bỏ nạn nhân lên băng ca rồi một mình tôi chở vô Bệnh viện Chợ Rẫy. Còn tài xế đang chở người bị nhiễm nên không đi cùng được. Hôm đó tôi đợi gần cả tiếng để bác sĩ test COVID-19 cho người bị nạn. Ổng lại nói ở Hóc Môn nên phải kiểm tra xem người bệnh có ở vùng dịch không. Đợi kết quả âm tính, bảo vệ mới cho tôi ra, còn hỏi tôi có phải người gây tai nạn không...".
Dù biết việc mình làm dễ gặp rủi ro nhưng suốt 7 năm nay ông Nhân vẫn không quản ngại khi có người gọi xe cấp cứu hay máy thở, bình oxy. Ngay hồi chưa dịch, ông đã dán giấy lên gốc cây gần các bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Chợ Rẫy... để ai cần thì gọi ông.
Trước đó, từ những năm 1980, ông Nhân đã chạy xe cấp cứu cho một chủ hãng xe ở khu Chợ Lớn. Ông tâm sự: "Nghề chọn mình, tôi hay chở thi thể từ Nam ra Bắc. Có lần tôi chở người hấp hối do bệnh AIDS ra tới Bắc Kạn, đến ngã ba Dầu Giây bệnh nhân mất, ọc máu ra đầy xe. Tôi sợ đến lạnh cả chân. Người nhà còn đổ lỗi do tài xế. Tội sợ đến mức tính bỏ nghề luôn, ấy vậy mà lại theo đến tận giờ".
Ông Nhân dán các tờ giấy ở gốc cây gần bệnh viện để ai cần máy thở, xe cấp cứu thì gọi - Ảnh: TỰ TRUNG
Trắc ẩn với phận nghèo, ốm đau
Lái xe cấp cứu gần 40 năm, ông Nhân nói thu nhập không đáng bao nhiêu, có khi không đủ nuôi gia đình. Ông kể hồi đó chạy xe tới Đà Nẵng chỉ cần một tài xế, nhưng qua Đà Nẵng trở ra Bắc thì phải hai tài. Có khi ông đi cả chuyến dài được chút tiền mà đi - về hết cả tuần.
Ở nhà, vợ ông phụ bán cơm vỉa hè thêm mới nuôi nổi hai đứa con. Con trai lớn của ông hơn 30 tuổi, đang đi làm nhà hàng, giờ cũng thất nghiệp mấy tháng nay. Con gái ông học đại học, giống tính ông nên thích làm thiện nguyện. Cô đang tham gia lực lượng xung kích hỗ trợ đội phòng chống dịch COVID-19.
Ông Nhân nhớ lại câu chuyện về một người ông từng giúp tặng máy thở oxy đến 2 lần ở quận 6. "Họ thỏa thuận với tôi thuê máy thở giá 1,5 triệu đồng/tháng. Tôi chạy tới nhà giao máy mà phải vô 3, 4 cái xuyệt mới tới nơi. Đường vô nhà chỉ chạy đúng vừa chiếc xe máy. Tới nơi họ mới bảo thiệt là bệnh sắp chết, bác sĩ chê rồi, nhà giờ chỉ còn 800 ngàn được người ta gom lại cho trước khi về" - ông Nhân nhớ lại.
Bệnh nhân khi đó là một thanh niên chừng hơn 20 tuổi, phải thở máy oxy 24/24. Dù gia đình giấu nhưng mắt "nhà nghề" khiến ông biết đó là người đang giai đoạn cuối bệnh AIDS.
Ông Nhân nhớ lại: "Tôi nhìn cái nhà bé xíu chừng 12m2, cả nhà 4 người có hai ông bà già lụ khụ, thằng anh trai thì chạy xe ôm, thằng em bệnh không có cái ghế bố mà nằm, nhà trống rỗng. Thật tình tôi chỉ thấy nhà họ có con chó đang sủa gâu gâu là bán đi còn được vài trăm ngàn". Thấy vậy, ông Nhân đã cho họ luôn chiếc máy thở oxy và còn vét túi tặng thêm 3 triệu để họ mua đồ cho người bệnh bồi dưỡng.
Thở máy được 2 tháng thì anh trai người bệnh lại gọi ông để báo máy hỏng. Ông Nhân lại tức tốc mang máy mới qua cho. Sau một tháng thì người bệnh mất, anh trai bệnh nhân gọi báo cho ông Nhân để trả máy và gửi lời cảm ơn.
Có nhiều chuyến xe mà ông Nhân được thuê chở bệnh về các tỉnh miền Tây nhưng gia đình không đủ tiền thuê máy thở. Ông liền cho họ mượn và dặn khi nào không xài được thì gửi trả, nhưng rồi nhiều người đã quên. Ông chỉ bảo: "Chắc họ muốn trả cũng khó, đi lại xa xôi và có khi đã quên mình. Nhìn người bệnh rời Sài Gòn về quê, ai cũng gầy như que củi, thoi thóp, kiệt quệ cả sinh mạng lẫn tiền bạc. Chắc họ cũng không biết mình ở đâu mà trả".
Nhưng cứ cho với mượn hoài, tiền đâu ông Nhân có để mua máy khi mà ông cũng không giàu? Ông nhẹ nhàng giải thích: "Mấy cái máy này trước dịch mua dễ, còn giờ khó lắm. Có nhiều người mua về thở vài ngày rồi mất, có khi vài tháng, nên tôi tìm gom mua máy cũ kiểu đó được rẻ hơn. Bình oxy thì chỉ bình bằng sắt là mắc. Trước dịch bình lớn khoảng 1,8 triệu, bây giờ 2,5 - 3 triệu/bình. Còn tiền nạp oxy khoảng 100.000 đồng/bình, cứ xoay xở từ từ, giúp theo sức mình".
Từ khi có làn sóng dịch thứ 4, ông Nhân không được vô các bệnh viện nữa nên dán giấy ở các gốc cây gần bệnh viện. Ông bảo: "Chịu khó xíu, lỡ ai cần thì họ có nơi mà gọi".
Chẳng bao giờ ngại, tức tốc giúp người
"Ở khu phố ai cũng biết anh Nhân và xe cấp cứu thiện nguyện của ảnh cũng 5-7 năm nay rồi. Hồi năm rồi, tổ dân phố báo có cụ bà neo đơn ở tuốt lầu 4 chung cư Hồng Bàng mất. Tôi gọi anh Nhân qua phụ khiêng bà từ lầu 4 xuống đất rồi chở đi an táng.
Chúng tôi cũng vận động nhà hảo tâm hỗ trợ người nghèo, neo đơn trong khu phố. Gần đây là hỗ trợ gạo, khẩu trang cho khu cách ly, phong tỏa để an ủi người ta. Mỗi lần cần oxy là gọi anh Nhân vì ảnh có nhiều bình, máy thở, có tay nghề, xe cấp cứu để theo phụ. Chẳng bao giờ anh ngại hay băn khoăn gì việc tức tốc đi giúp người" - ông Nguyễn Văn Nhị, trưởng khu phố 4A (phường 11, quận 5), nói.
Xem thêm