Học thích ứng với thế giới biến động

05/04/2022 | 236 |

TTO - Thế giới đang chứng kiến nhiều biến động từ đại dịch, xung đột đến an ninh năng lượng... Trong bối cảnh đó, nhiều người trẻ tìm học các chương trình học thích ứng để có sự vững vàng trước thử thách.

Đó là các doanh nhân trẻ đang theo học chương trình IPL Scholarships khóa 7 - một chương trình không bằng cấp, không học phí trong khi khối lượng học lại rất nặng, quy trình tuyển chọn khắt khe, cạnh tranh quyết liệt.

Tiến sĩ cũng đi học

TS Dương Nguyễn Hồng Nhung - giảng viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), doanh nhân khởi nghiệp - là học viên của IPL Scholarship khóa 7 (năm 2021). Nhung nhớ hoài những buổi học từ tối, kéo dài đến tận nửa đêm, rạng sáng. Thầy trò cùng nhau thảo luận những vấn đề liên quan đến bản chất của sự học, sự sống, sự làm...

"Nếu không có những biến động này thì cuộc sống cũng sẽ đặt ra cho bạn những thử thách khác. Điều quan trọng là bạn xác định được chân giá trị sẽ đi cùng mình suốt những thử thách của cuộc sống", Nhung nói.

Nguyễn Trọng Nam, nhà sáng lập của startup Vigo Retail, cũng là học viên của IPL Scholarship khóa 7. Hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, Nam lại mang nhiều trăn trở về những biến chuyển không ngừng của thế giới hiện nay. Khi mọi thứ thay đổi nhanh chóng, đôi khi Nam tự hỏi đâu mới thật sự là những giá trị trong cuộc sống.

Chưa kể, quá trình gầy dựng một doanh nghiệp khởi nghiệp đặt ra cho Nam nhiều thách thức hoàn toàn mới. Chẳng hạn làm thế nào xây dựng văn hóa cho doanh nghiệp còn non trẻ? Giữa thời buổi biến động như hiện nay, đâu là cách để giữ vững những giá trị tốt đẹp của một doanh nghiệp?

Trên hành trình tìm kiếm những câu trả lời, cơ duyên đã đưa Nam đến IPL Scholarship. Vào học, Nam gặp những môn "trên trời dưới đất", nhiều môn nghe tên có vẻ khá "lạ đời" như bàn về sự học, bàn về triết học, bàn về văn hóa, bàn về lịch sử, bàn về khoa học, bàn về nghệ thuật, bàn về văn chương, bàn về âm nhạc, bàn về pháp luật, bàn về lãnh đạo, bàn về quản trị... Đứng lớp là những diễn giả đầu ngành như học giả Bùi Văn Nam Sơn, GS Nguyễn Văn Trọng, GS Vũ Minh Khương, TS Nguyễn Xuân Xanh...

Và chính trong những môn học tưởng chừng không liên quan ấy, Nam lại ngộ được nhiều điều cho mình. Trong học phần bàn về lịch sử, Nam nhận ra những khó khăn, bất định luôn là một phần trong dòng chảy của thời gian. So với những giai đoạn đen tối ở những thế kỷ trước, thế giới hiện tại vẫn có nhiều điểm tích cực. 

"Từ đó, tôi nhận ra một trong những điều trước tiên là bản thân mình phải trở thành những con người tốt dù có trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa", Nam nói.

Doanh nhân có tầm vóc văn hóa

Trong chương trình IPL, cấu phần về "Giáo dục khai phóng" do Viện Giáo dục IRED điều phối chính. Theo TS Giản Tư Trung - viện trưởng Viện Giáo dục IRED, "khai phóng" có thể hiểu là khai minh và giải phóng. Con người sinh ra thường tăm tối, nên cần đưa ánh sáng vào để làm cho mình sáng ra. Nguồn sáng ấy là chân lý, tự do và sự thật.

Đặc biệt trong giai đoạn nhiều biến động, khi được khai minh, con người sẽ có khả năng phân định được đúng-sai, phải-trái, thiện-ác trong cuộc sống. Lúc này, họ không chỉ biết cách giải phóng tiềm năng của mình mà còn có thể biến thành những hành động thực tế có ý nghĩa tích cực cho xã hội.

Bên cạnh mục tiêu giáo dục khai phóng, ông Giản Tư Trung cho rằng ngay từ những ngày đầu, những nhà sáng lập chương trình IPL đều mong muốn có thể góp phần kiến tạo một thế hệ doanh nhân mới, không chỉ giỏi chuyện kinh doanh mà còn có tầm vóc về văn hóa.

Các doanh nhân trẻ sẽ trưởng thành về tư duy qua từng học phần của chương trình IPL. Chẳng hạn, trong chuyên đề Bàn về văn học của nhà nghiên cứu Phan Nhật Chiêu, từ những tác phẩm văn học lớn ở Việt Nam và thế giới, các bạn sẽ nghiệm ra được vẻ đẹp của tính nhân văn không chỉ trong thế giới sách vở mà còn trong cuộc sống. 

"Những doanh nhân trẻ, khi ngộ ra được tính nhân văn sẽ có thể vừa tham gia hoạt động kinh doanh, vừa dành sự quan tâm đến những giá trị nhân sinh", ông Chiêu nhận định.

15 năm, 7 thế hệ

IPL Scholarship là học bổng toàn phần về "Lãnh đạo khai phóng" dành cho doanh nhân trẻ và lãnh đạo trẻ, hoạt động hoàn toàn phi lợi nhuận. IPL được sáng lập từ năm 2007 bởi các doanh nhân, trí thức tâm huyết và Trường Doanh nhân PACE.

Một số cái tên nổi tiếng trong hội đồng sáng lập có thể kể đến như TS Giản Tư Trung, GS Trần Văn Thọ, PGS Vũ Minh Khương, TS Nguyễn Sỹ Dũng, doanh nhân Trần Bá Dương, Đặng Văn Thành, Võ Quốc Thắng, Cao Tiến Vị, Cô Gia Thọ...

Sau 15 năm hoạt động, IPL Scholarship đã trải qua 7 thế hệ với hàng chục ngàn lượt đăng ký dự tuyển từ các doanh nhân trẻ và lãnh đạo trẻ trên cả nước.

TS Lê Đăng Doanh - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, thành viên Hội đồng Sáng lập IPL Scholarship - đánh giá: "IPL Scholarship đã có những đóng góp kiên trì và đáng trân trọng trong việc đào tạo và phát triển thế hệ doanh nhân mới, góp phần giúp nền kinh thương Việt Nam phát triển, vượt qua thách thức của thời cuộc, hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới".

Học tới 5h sáng

Tháng 12-2021, khi bắt đầu dự tuyển và theo học chương trình IPL Scholarship khóa 7, chị Đinh Thị Nho đang là quản lý cấp cao cho VNPAY tại Hà Nội. Kể từ đó, chị phải bay vào, bay ra hai đầu đất nước 4 lần/tháng để học các lớp IPL vào một số buổi tối và các ngày cuối tuần.

"Đôi khi mình cũng thấy chi phí đi lại mình bỏ ra cho chương trình học này quá lớn. Nhưng bù lại, tầm nhìn và kiến thức mình nhận được là rất xứng đáng. Mình được mở rộng hiểu biết với vô số những chuyên gia hàng đầu. Có những buổi học kéo dài từ 6h chiều hôm trước tới 5h sáng hôm sau, sau đó 7h sáng là mình bay về Hà Nội đi làm luôn", chị Nho chia sẻ.


Tin tức liên quan

Bình luận