Khi tha hóa hình thành văn hóa

01/08/2022 | 180 |

“Đứng trong đám đông là chuyện dễ, nhưng phải can đảm lắm mới dám đứng riêng một mình”

Văn hóa giao thông bắt đầu bằng những việc đơn giản. Ảnh: Lê Vũ

Gần đây có một loại kỷ lục được báo chí nhắc đến thường xuyên. Nhưng không như các kỷ lục trước đây của Ánh Viên – một trong những tay bơi nữ xuất sắc nhất Việt Nam từ trước đến nay – gần như chẳng ai muốn thấy loại kỷ lục này: giá xăng.

Tuần trước giá xăng A95 lại tăng, xô đổ kỷ lục của chính nó được thiết lập chỉ mới chục ngày trước, lên 32.270 đồng một lít. Nhưng cũng có một nghịch lý là dù giá xăng tăng lên mức chưa từng có, nó vẫn không làm giảm nhu cầu đi lại của người dân. Dường như với nhịp sống đang dần trở lại bình thường ở thành phố này, lượng xe cộ di chuyển trên đường ngày càng đông hơn và nạn kẹt xe ngày càng khó chịu hơn. Liệu có mối quan hệ nào giữa giá xăng và thái độ ứng xử của người đi đường Việt Nam? Liệu giá xăng tăng kỷ lục có làm cho người Việt phải hạn chế chạy xe và chạy xe cẩn thận hơn? Chưa thấy cuộc điều tra nào trả lời câu hỏi này. Tuy nhiên, theo thực tế quan sát trên đường của người viết bài này, câu trả lời là “không”.

Sự cám dỗ leo lề khó cưỡng

Gustave Le Bon (1842-1931) là một nhà nghiên cứu đa tài người Pháp – ông nghiên cứu tất tần tật, từ nhân chủng học, y học, vật lý học đến xã hội học và tâm lý học. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông được dịch ra tiếng Việt với nhan đề “Tâm lý học đám đông” được xem là một trong những nền tảng cho nghiên cứu tâm lý học đám đông. Theo Le Bon, đám đông luôn bị tác động bởi sự vô thức, cách xử sự như người nguyên thủy, hành động theo bản năng, không có khả năng suy nghĩ, lập luận mà chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng sự liên kết các ý tưởng. Đám đông không kiên định, thất thường, đi từ trạng thái nhiệt tình cuồng loạn nhất đến ngây dại ngớ ngẩn nhất…

Có lẽ nhận xét này của Le Bon thích hợp để giải thích cho thái độ ứng xử của người Việt hiện nay trong tuân thủ luật giao thông. Nếu muốn, bạn có thể tự kiểm chứng điều sau đây trên đường xem có đúng không nhé. Một trong những quan sát dễ thấy nhất là ảnh hưởng của người đi đầu trong dòng xe khi đèn vàng hay đèn đỏ bật lên tại các giao lộ. Bạn sẽ thường thấy rằng nếu người đầu tiên dừng lại, thì một số – nếu không phải là nhiều – những người theo sau anh ta hay chị ta cũng sẽ dừng lại, không chạy ráng vượt đèn vàng hay đèn đỏ. Nhưng nếu người đó đi thẳng, phần lớn – nếu không phải là tất cả – những người đi ngay sau cũng sẽ… chạy theo anh ta.

Tương tự là chuyện dừng trước vạch trắng khi đèn đỏ. Nếu người đến vạch trắng đầu tiên dừng lại trước vạch này, thì khả năng rất cao là sẽ có ít nhất một vài người chạy ngay sau anh ta cũng sẽ không cho xe đè lên vạch trắng. Nhưng nếu ngược lại, anh ta lấn vạch, thì nhiều người sau anh cũng sẽ làm như vậy.

Đó có thể là một cách giải thích dựa trên lý thuyết của Le Bon. Còn người viết chọn góc nhìn “tha hóa” khi lý giải những thói quen xấu trong văn hóa giao thông của người Việt. Theo tự điển tiếng Việt, “tha hóa” có nghĩa là biến chất trở nên xấu đi, hoặc biến thành cái khác đối nghịch với chính mình trước kia. Một đứa trẻ lớn lên biết đi xe, khi thấy nhiều người xung quanh phạm luật mà chẳng bị làm sao, nó sẽ bắt chước phạm luật theo. Phạm luật lần đầu không bị trừng phạt, các lần sau sẽ trở thành phản xạ, rồi thành thói quen và cuối cùng hình thành một nét xấu trong văn hóa giao thông của người Việt.

Lấy ví dụ thói quen leo lên lề đường của nhiều người Việt lái xe gắn máy. Cách đây lâu lắm rồi, người đi xe gắn máy trên lề đường sẽ bị phạt. Dần dà, lượng xe tăng lên, khiến đường sá quá chật chội, người ta bắt đầu leo lề, đặc biệt là trong giờ cao điểm. Một người leo lề mà không bị phạt, một số người khác bắt chước, rồi rất nhiều người khác cũng làm vậy vì họ nghĩ tại sao họ lại chịu thiệt thòi vì không leo lề, tại sao không leo lề để đi nhanh hơn trong khi người khác đã leo lề rồi. Không leo (lề) thì… lỗ (cũng giống như không yêu thì lỗ), nên thôi thà chịu khổ hơn chịu lỗ. Thế là hễ xe đông là xe gắn máy mạnh xe nào xe nấy đều… leo lề.

Thú thật là dù cố gắng hết sức nhưng nhiều lần người viết không thể nào cưỡng nổi sự cám dỗ mãnh liệt của chuyện leo lề để đi nhanh hơn bởi lẽ xung quanh mình ai cũng ào ào leo lề. Thú thật, đó là một sự cám dỗ khó cưỡng.

Chưa kể sự tha hóa “leo lề” của người đi xe gắn máy tại các giao lộ còn được “xúc tác” bởi thói quen lấn làn xe trong cùng của các bác tài xe hơi. Thật vậy, trong nhiều trường hợp, người đi xe gắn máy sẽ phải nói nếu không leo lề thì lấy đường nào mà đi vì xe hơi đã lấn hết đường rồi!

Chống lại “chạy xe kiểu khôn lỏi” bằng “phản tha hóa”

Thói quen lấn đường, có khi lấn luôn vào làn đường ngược chiều của dân đi xe hơi được cộng đồng mạng gọi là “chạy xe kiểu khôn lỏi”, nhất là dân mạng phía Bắc. Mới đây, nhiều người tỏ ra “hả hê” khi xem một đoạn phim ngắn ghi lại cảnh một tài xế “khôn lỏi” bị cảnh sát giao thông xử lý.

Nhưng bị xử lý như vậy xem ra hiếm hoi, phần lớn vi phạm đều diễn ra trót lọt chẳng bị phạt gì cả. Vì thế cho nên nhiều người tự hỏi leo lề thì đã sao, khôn lỏi thì đã sao. Có thiệt hại gì đâu mà lại đi được nhanh hơn thì hà tất gì mà không leo lề, không khôn lỏi?

Không phải như vậy đâu. Leo lề, khôn lỏi, nói riêng, hay các hình thức vi phạm luật giao thông khác nói chung, có thể làm lợi cho một người tại một thời điểm nào đó (thường là giúp đi nhanh hơn được một chút). Nhưng nhìn rộng hơn, lợi bất cập hại nếu xét đến quy mô cộng đồng hay xã hội. Một số người leo lề để có thể đi nhanh hơn một vài phút, nhưng lề đường tan nát, lại phải tốn công sức, tiền của sửa chữa. Leo lề, khôn lỏi có thể giúp chúng ta nhanh hơn, nhưng lại có thể làm kẹt xe thêm trầm trọng và như thế làm chậm hơn nhiều giờ đồng hồ của hàng trăm, hàng ngàn người khác, khiến họ phải hít khỏi bụi trong đám đông kẹt cứng không lối thoát.

Nguy hiểm hơn, vi phạm luật giao thông là nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông. Số người thiệt mạng vì tai nạn giao thông ở Việt Nam vẫn con, có năm lên đến hơn chục ngàn người, tương đương với quân số một sư đoàn. Cũng đừng nghĩ rằng tai nạn giao thông sẽ chừa chúng ta ra. Không hề! Nếu chúng ta đi ẩu thì xác suất chính bản thân mình phải gánh chịu tai nạn giao thông là không nhỏ. Đáng lưu ý là nếu ai cũng có tư tưởng đi ẩu, thì con em mình, người thân của mình cũng có thể không thoát được số phận nạn nhân.

Vậy thì làm sao có thể chống lại cám dỗ leo lề, khôn lỏi hay các hình thức vi phạm giao thông khác? Đây cũng là một chuyện khó vì gần như mọi người xung quanh đều có thói quen hành xử không đúng. Nhưng như vậy có nghĩa là chúng ta đầu hàng sự tha hóa và cái xấu. Trật tự giao thông trong xã hội của chúng ta sẽ không thể trở nên tốt hơn nếu ai cũng nghĩ như vậy. Mọi sự thay đổi phải bắt đầu từ trong suy nghĩ của từng thành viên.

Đừng quá bi quan và sợ rằng một con én không làm nổi mùa xuân. Trên đường đi vẫn không hiếm người dừng trước vạch, không vượt đèn vàng, đèn đỏ, không leo lề, không đi xe kiểu khôn lỏi. Họ và chúng ta có thể trở thành các hạt nhân “phản tha hóa” trong việc từ bỏ thói quen xấu trong văn hóa giao thông. Ban đầu có thể chỉ một mình ta đứng trước vạch hay không leo lề, nhưng nếu kiên trì, chúng ta sẽ không đơn độc và sẽ được nhiều người khác tiếp sức trong nỗ lực “phản tha hóa” đó. Mầm thiện và cái tốt vẫn lẫn khuất đâu đó trong con người, chỉ cần biết vun trồng sẽ biến thành cây xanh tươi tốt.

Xin được kết bằng một câu nói cũng về đám đông của một tác giả khác. Dù người này không nổi tiếng bằng Mahatma Gandhi (tác giả câu trích ở đầu bài viết này), nội dung câu nói của người ấy cũng rất đáng để chúng ta suy ngẫm nhằm có được một thái độ ứng xử trong giao thông đúng mực hơn hiện nay. Diane Grant, một kịch tác gia người Mỹ, đã nói như sau: “Đi một mình vẫn tốt hơn theo đuôi một đám đông lạc lối”.


Tin tức liên quan

Bình luận