Khi trái đất lâm bệnh
– Những ngày cuối năm 2022, khi đại dịch Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn bị xóa sổ, kinh tế thế giới vẫn tiếp tục chao đảo dù đã có dấu hiệu hồi phục, chuỗi cung ứng trên toàn cầu bị đứt gãy trong thời gian đại dịch vẫn chưa được nối lại hoàn toàn thì thế giới đã bước vào một cuộc chạy đua trên nhiều mặt nhằm cứu lấy trái đất khỏi bàn tay và lòng tham vô giới hạn của con người.
Chẳng ai ngờ giữa lòng châu Âu, một cuộc chiến tranh nóng đã kéo dài gần một năm, từ đó gây ra khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực và nguy cơ xảy ra nạn đói ở một phần châu Phi. Trong khi lẽ ra thế giới phải tập trung nguồn lực để khắc phục những hậu quả của đại dịch và những tác động kinh hoàng của biến đổi khí hậu đến nhiều vùng trên trái đất.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres mới đây cũng đã phát biểu trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc rằng thế giới đang trải qua giai đoạn đầy biến động. Nửa đầu năm 2022 là thời tiết cực đoan ở nhiều nơi trên thế giới: các đợt nóng khủng khiếp ở nhiều nơi, một phần ba diện tích Pakistan ngập trong lũ lụt khiến hơn 1.700 người chết và thiệt hại vật chất trên 30 tỉ đô la Mỹ. Kế đến là cuộc chiến của Nga chống Ukraine dẫn đến một cuộc khủng hoảng địa chính trị rộng lớn và những tác động dây chuyền trên thị trường năng lượng, lương thực và hàng hóa nói chung. Đó là những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt. Cả thế giới như đang bên giường bệnh mà con bệnh lại chính là trái đất. Thế giới đã làm gì?
Đầu tiên là Hội nghị thượng đỉnh nhóm G20, nhóm 20 nền kinh tế mạnh nhất thế giới, họp ở Bali (Indonesia) trong hai ngày 15 và 16-11. Hội nghị, khai mạc giữa những bất ổn địa chính trị và căng thẳng cao độ giữa các cường quốc, cuối cùng cũng ra được một tuyên bố chung – một thành công vào phút chót, vừa được hoan nghênh vừa gây ngạc nhiên.
Tuyên bố Bali 2022 của nhóm G20 viết: “Phần lớn các thành viên mạnh mẽ lên án cuộc chiến tranh ở Ukraine và nhấn mạnh rằng nó đang gây ra sự khổ đau vô hạn cho con người và làm gay gắt thêm sự mong manh hiện tại của nền kinh tế toàn cầu – bóp nghẹt tăng trưởng, làm gia tăng lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, gia tăng mất an ninh năng lượng và lương thực, gia tăng rủi ro bất ổn tài chính. Cũng có những quan điểm và cách đánh giá khác về tình hình và các biện pháp trừng phạt”. Tuyên bố cũng lên án mọi sự đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.
Kết thúc tuyên bố chung là một câu nói, một lời nhắn nhủ mà Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gửi tới Tổng thống Nga V. Putin tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Samarkand vào tháng trước đó: “Kỷ nguyên này không thể là kỷ nguyên chiến tranh”.
Một gia đình sơ tán trong trận lụt hồi tháng 8-2022 ở Pakistan. Nguồn: CNN
Tuy nhiên, tiêu điểm của Hội nghị G20 theo truyền thống vẫn là tập trung cho hợp tác kinh tế. Nên, cùng với những hứa hẹn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đối phó với khủng hoảng khí hậu và giảm nhẹ gánh nặng nợ nần của một số quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới là cam kết thúc đẩy an ninh lương thực toàn cầu, việc phối hợp trên toàn cầu về y tế, giám sát các giao dịch tiền mã hóa, đầu tư cho cơ sở hạ tầng…
Các nhà lãnh đạo G20 cũng đồng ý tiếp tục nỗ lực nhằm giữ mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không vượt quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ 21 – một mục tiêu được đề ra từ hội nghị về biến đổi khí hậu ở Paris năm 2015.
Sau hội nghị thượng đỉnh G20 mấy ngày, đến lượt Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) họp tại Bangkok, Thái Lan trong hai ngày 18 và 19-11, cũng đã ra tuyên bố xoay quanh tác động tiêu cực của cuộc chiến Nga – Ukraine đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu, tầm quan trọng của việc chuyển đổi sang năng lượng sạch đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng, cũng như thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do và công bằng.
Trong khi đó, Hội nghị Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu (COP27) họp tại Sharm el-Sheik (Ai Cập) bên bờ Biển Đỏ từ ngày 6-11, thay vì kết thúc ngày 19-11 theo dự định, đã phải kéo dài thêm một ngày để bàn cách đối phó với tác động ngày càng khốc liệt của biến đổi khí hậu đối với môi trường sống trên quả địa cầu, giữa một loạt những cuộc khủng hoảng khác diễn ra cùng lúc như chiến tranh ở Ukraine, lạm phát cao, nạn thiếu lương thực và khủng hoảng năng lượng.
Lần đầu tiên, các nhà đàm phán từ gần 200 quốc gia dự hội nghị đã đồng ý thành lập một quỹ đền bù cho những “mất mát và thiệt hại” nặng nề do biến đổi khí hậu mà các nước nghèo và dễ bị tổn thương nhất phải gánh chịu trong khi đó lại là những quốc gia góp phần ít nhất vào việc làm tăng nhiệt độ toàn cầu. Đây là một vấn đề đã được nêu ra để đàm phán từ hơn 30 năm trước nhưng luôn bị gạt qua một bên và chỉ đến COP27 lần này mới đạt được thỏa thuận. Quyết định này đã được các nhóm xã hội dân sự hoan nghênh, coi như đó là “công lý khí hậu” (climate justice).
Tuy nhiên, về vấn đề giảm phát thải, một khía cạnh quan trọng không kém của chống biến đổi khí hậu, đại diện nước Anh Alok Sharma cho rằng các quốc gia đã đạt tiến bộ đáng kể tại hội nghị lần trước (COP26) ở Glasgow, Anh khi cùng nhau giữ cam kết không để nhiệt độ tăng quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ nhưng mục tiêu ấy đang nhanh chóng tuột khỏi tầm tay khi nhiệt độ trên thế giới đến nay đã tăng khoảng 1,2 độ C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp. Sharma cũng cảnh báo rằng những cuộc khủng hoảng toàn cầu khác đang ảnh hưởng xấu đến những nỗ lực quốc tế chống biến đổi khí hậu. Chẳng hạn, cuộc khủng hoảng năng lượng do tác động của cuộc chiến tranh Nga – Ukraine khiến một số quốc gia lại quay lại với nhiên liệu hóa thạch, với than đá, mà trước đây họ đã cam kết từng bước từ bỏ để chuyển qua các dạng năng lượng sạch.
“Thế giới còn phải đánh thức các nhà lãnh đạo bao nhiêu lần nữa?”, ông nói và dẫn ra những thảm kịch do biến đổi khí hậu trong thời gian qua như nạn lụt lội nặng nề ở Pakistan và Nigeria, nạn hạn hán lịch sử ở châu Âu, Mỹ và Trung Quốc trong thời gian qua. Các nhà khoa học và nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu cho rằng, bên cạnh việc giảm phát thải, thế giới cần làm nhiều hơn nữa để thích nghi với những tác động không thể tránh khỏi của biến đổi khí hậu, như tình trạng di cư do biến đổi khí hậu vì người dân không còn khả năng mưu sinh ở chỗ cũ.
Antonio Vitorino, Tổng giám đốc Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), nói: “Chúng ta đang cạn kiệt thời gian để hành động. Cộng đồng quốc tế cần huy động nguồn lực con người, kỹ năng chuyên môn và cả nguồn lực tài chính để giúp đỡ những cư dân ngay từ hôm nay đã bị tác động nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu”. “Nếu chúng ta không tập trung tìm kiếm giải pháp cho tương lai, chúng ta sẽ để lại một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng cho tương lai”, ông nói.
* * *
Bước vào thập niên 2030 của thế kỷ 21, phần lớn nhân loại (có lẽ trừ số ít các nhà khoa học, nhà nghiên cứu chuyên sâu?) đã không thể ngờ thế giới lại phải trải qua một đại dịch làm chết hàng triệu người, làm chao đảo mạnh nền kinh tế thế giới, gây ra những biến động lớn về xã hội; kế đó là một cuộc chiến tranh nóng ở châu Âu, nơi vốn đã từng trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới; và mối đe dọa ngày càng rõ ràng, cấp bách của biến đổi khí hậu do hoạt động của con người gây ra.
Giữa thế kỷ 20 con người đã đặt chân lên Mặt trăng. Đầu thế kỷ 21, con người vươn tầm với ra xa hơn nữa ngoài không gian, đã phóng thiết bị lên thăm dò sao Hỏa. Nhưng có ai ngờ, ngay chính trên quả địa cầu, thế giới con người lại lâm bệnh nặng đến thế. Liệu rồi loài người có đủ khôn ngoan và dũng cảm để chiến thắng lòng tham và sự chia rẽ nhằm tự cứu mình khỏi tai họa do chính mình gây ra? Để, nếu không là “địa đàng”, trái đất vẫn mãi là nơi trú ngụ, chở che cho con người.
Xem thêm