Làm giàu từ biển sao phải chờ?

03/03/2023 | 120 |

Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đã được xác định là động lực phát triển và đã có hầu như đầy đủ các chính sách để trở thành cực tăng trưởng mới, góp phần thúc đẩy ngành thủy sản chuyển mình trong giai đoạn đến năm 2045.

Tuy nhiên, trong thực tế, ngành này vẫn đang gặp nhiều khó khăn, ách tắc. Vì thế cơ hội làm giàu từ biển đang trôi qua.

Vướng mắc quan trọng đó là quy hoạch. Luật thủy sản quy định thời gian giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản tới 30 năm, có thể gia hạn đến 20 năm. Vùng được giao phải nằm trong vùng quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản. 

Tuy nhiên quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch cấp tỉnh hiện nay chưa có. Cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm trước nhân dân về việc chậm xây dựng các quy hoạch.

Thứ hai là thủ tục giao biển cho tổ chức, cá nhân còn rắc rối. Hiện ngành nông nghiệp cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển, sau đó chuyển qua ngành tài nguyên và môi trường cấp thủ tục giao mặt nước biển. 

Hiện ở trung ương và các địa phương vẫn còn vướng mắc do những quy định trong nghị định 11-2021 của Chính phủ còn bất cập.

Nuôi trồng thủy sản trên biển hiện nay chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia. Đây là trách nhiệm của Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT. Dẫn tới chưa có cơ sở để làm thủ tục đăng kiểm, đăng ký cho cơ sở nuôi biển. 

Ngành thủy sản có trung tâm đăng kiểm tàu cá chứ chưa có trung tâm đăng kiểm thủy sản. Nếu có nuôi trồng công nghiệp thì phải có cơ quan cấp đăng ký, đăng kiểm. 

Vì chưa có đăng ký, đăng kiểm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn nên chưa có bảo hiểm cho các cơ sở nuôi biển, điều này ngân hàng cũng không dám cho vay vốn. Điều này cũng dẫn tới thiếu vốn tín dụng để người dân, doanh nghiệp phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp.

Nguồn nhân lực cũng là điểm nghẽn rất lớn. Hiện các trường đại học chưa có ngành nuôi trồng thủy sản công nghiệp, công nghiệp nuôi biển. 

Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đã làm việc với trường đại học Nha Trang, Cần Thơ để mở chuyên ngành đào tạo kỹ sư nuôi biển công nghiệp trong tương lai. Sau đó là vấn đề đào tạo kỹ năng nuôi biển cho người dân cũng phải được chú trọng.

Trước thực tế trên, Nhà nước cần phải sửa đổi nghị định 11-2021 của Chính phủ để gỡ vướng cho việc giao khu vực biển. Ban hành quy hoạch phát triển nuôi biển bền vững của quốc gia và từng tỉnh. Ban hành cơ chế phối hợp quản lý liên ngành kinh tế biển.

Bộ NN&PTNT cần sớm xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn về nuôi biển như tiêu chuẩn cơ sở nuôi cá biển, tôm hùm, nhuyễn thể, rong biển. 

Quy chuẩn vật liệu sử dụng cho nuôi biển, quy chuẩn bảo đảm an toàn hoạt động nuôi biển, quy chuẩn bảo đảm an toàn môi trường và hệ sinh thái.

Đồng thời xây dựng các mô hình nuôi biển công nghiệp tại mỗi địa phương như mô hình nuôi hải sản đa loài tích hợp với canh tác nuôi bền vững như Quảng Ninh đã ứng dụng trồng rong sụn và nuôi hàu. Hay mô hình tích hợp nuôi biển với du lịch biển. 

Nhiều địa phương du lịch tiến đến đâu thủy sản lùi tới đó, chúng ta có thể chấm dứt tình trạng này được không. 

Tại sao chúng ta không phát triển mô hình du lịch nuôi biển bằng cách nâng cấp cả hai nghề và phối hợp với nhau. Đây là mô hình trong tương lai của chúng ta...


Tin tức liên quan

Bình luận