Làm việc từ xa thúc đẩy ứng dụng công nghệ quản trị

30/11/2021 | 287 |

(KTSG) Ứng dụng công nghệ vào vận hành và quản trị nhân sự trong xu thế làm việc từ xa không chỉ hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng trong dịch Covid-19 mà còn được cho là đòn bẩy để doanh nghiệp nhanh chóng tái lập luồng công việc và phục hồi thời hậu Covid và trong tương lai.

Tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ một lần nữa được các nhà điều hành doanh nghiệp và quản trị nhân sự chia sẻ tại hội thảo trực tuyến về “Lãnh đạo ứng biến sau làn sóng Covid thứ tư” do Kinh tế Sài Gòn và Saigon Times Club phối hợp với Công ty Dịch vụ và Thầu nhân lực L&A tổ chức hồi tuần trước.


Hiệu suất làm việc tại nhà tăng 20-40%

Đợt bùng phát dịch vào cuối quí 2 kéo dài đến hết quí 3 năm nay khiến thành phố phải giãn cách xã hội hết sức nghiêm ngặt. Trải qua “học kỳ” sống – làm việc trong thực tế đó, bà Kao Huy Phương, Phó tổng giám đốc ABC Bakery, ghi nhận việc chuẩn bị kỹ càng cho sự an toàn trở thành tiền đề then chốt để người lao động an tâm làm việc, bất kể là làm việc tại chỗ hay từ xa.

Trừ một số hoạt động mang tính trực chiến hoặc phải “cắm trại sản xuất”, mấy tháng ròng rã làm việc từ xa với phần lớn công việc đã bước đầu định hình những mô thức làm việc mới được nhiều người chấp nhận, thậm chí là ưa chuộng để tiếp tục duy trì trong thời gian tới.

Theo ông Trần Sĩ Chương, Chủ tịch Công ty Tư vấn Nu (Nu Advisory), một khảo sát mới đây của Forbes cho kết quả rất bất ngờ, đó là hiệu suất công việc ở những công ty có đa số nhân viên làm việc tại nhà tăng 20-40%. Ông Lê Tấn Phước, Chủ tịch HĐQT Công ty Searefico, cũng ghi nhận từ chính bản thân và nhiều đồng nghiệp, nhân viên của ông về sự “yêu thích làm việc tại nhà” do “tính hiệu quả hơn hẳn”. Điều này cũng từng được ông Loan Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Toppion công nhận trong cuộc gặp gỡ trực tuyến gần đây giữa các thành viên Câu lạc bộ Doanh nhân 2030, rằng “Qua làm việc trực tuyến, nhiều người nhận ra thời gian chết trong cách làm truyền thống ở quá khứ là quá nhiều”.

Từ góc độ một nhà điều hành doanh nghiệp, ông Trần Duy Minh Đạt, Giám đốc điều hành Plascene (chi nhánh Nhựa Duy Tân ở California – Mỹ) có sự quan tâm đến thái độ của một số nhà quản lý về vấn đề làm việc từ xa của nhân viên. “Thực tế cho thấy tuy hầu hết những người làm việc tại nhà đều chủ động linh hoạt giờ giấc làm việc, nhưng hiệu quả công việc vẫn được ghi nhận tăng lên. Tôi nghĩ các nhà quản lý hãy ủng hộ, thậm chí cần hỗ trợ thêm các công cụ công nghệ tăng tính thuận tiện và nâng cao điều kiện làm việc từ xa, giúp nhân viên được làm việc trong “sự tự do mới” mà vẫn đảm bảo hiệu quả công việc”, ông nói.

Công nghệ giúp duy trì hoạt động trong mùa dịch

Tất nhiên, những kết quả tích cực ghi nhận được của phương thức làm việc và quản lý công việc từ xa phụ thuộc rất lớn vào sự hỗ trợ của các phần mềm quản trị, các nền tảng công nghệ, đặc biệt là những nền tảng kết nối trực tuyến.

Theo quan sát của ông Trần Duy Minh Đạt, trong dịch Covid-19, tốc độ lẫn cường độ và phạm vi sử dụng công nghệ trong các hoạt động của doanh nghiệp đã tăng lên rất nhiều. Đơn cử như việc họp hành hầu như đã chuyển toàn bộ sang trực tuyến; hay những phần mền ERP, dù đã được nhiều doanh nghiệp ứng dụng từ lâu, nhưng chỉ trong đại dịch chúng mới được tận dụng một cách tối đa.

Qua sự tham gia khảo sát của hơn 300 người trên tổng số khoảng 600 người tham dự buổi hội thảo trực tuyến nêu trên, 76% cho biết mức độ ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp kể từ trước thời điểm làn sóng dịch thứ tư bùng phát kéo dài cho đến hiện tại là “tăng dần”, trong khi chỉ có 12% nói mức độ đó “đi ngang”, đặc biệt, 8% nói mức độ ứng dụng là “tăng cao”.

Theo bà Đinh Kim Nhung, Trưởng bộ phận nguồn nhân lực của Masan, phương thức làm việc từ xa đặt ra nhiều vấn đề cần phải cân nhắc, nhất là đối với những doanh nghiệp có số lượng người lao động lên đến hàng ngàn hay hàng chục ngàn, chưa kể là những tập đoàn đa dạng ngành nghề như Masan. “Như trong quản trị nhân sự từ xa, cần tính toán việc ứng dụng công nghệ như thế nào để quản lý với “mức vừa phải”, tức là vẫn quản lý, giám sát, nhưng thể hiện được tính kết nối, giao tiếp gần gũi…”, bà nói. Bên cạnh đó còn là những công việc hàng ngày như chấm công, tính lương, lấy ý kiến, lấy thông tin, cách thảo luận, cách ra quyết định… Tất cả những việc này đều đòi hỏi sự hỗ trợ của các phần mềm và các nền tảng công nghệ thông tin.

Hay như ở Friesland Campina Vietnam, Giám đốc nhân sự là bà Phan Nam Trân cho biết trong những tháng giãn cách vì dịch, các sự kiện nội bộ như tập huấn, đào tạo, cập nhật thông tin, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thích ứng thay đổi cho nhân viên vẫn diễn ra. Công việc này đòi hỏi bộ phận tổ chức sự kiện phải linh hoạt, sáng tạo để thiết kế và triển khai được những chương trình online vừa thu hút người tham dự mà vẫn đảm bảo các mục đích, yêu cầu về chuyên môn. “Trong hoàn cảnh như vậy, nếu không bám vào và khai thác tối đa việc ứng dụng các công cụ công nghệ thì có lẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ”, bà Trân chia sẻ.

Sự đòi hỏi công nghệ

Băng qua các đợt dịch bệnh, nhất là với làn sóng dịch thứ tư mới đây, thực tế đã chứng minh những doanh nghiệp vốn mẫn cảm với công nghệ và đã đi trước trong ứng dụng công nghệ quản trị thì họ có quá trình vượt khủng hoảng thuận lợi và ít biến động hơn.

Với nhiều trải nghiệm trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ, giải pháp và thầu nhân lực, bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Chủ tịch HĐQT Công ty L&A, chia sẻ: “Không sử dụng công nghệ trong quản lý thì rất khó nhân rộng công việc cũng như thúc đẩy công ty phát triển”. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa chủ động sử dụng công nghệ mà họ chỉ ở thế buộc phải thích ứng với hoàn cảnh thay đổi (như trong dịch Covid). Thậm chí một số khác còn chưa thực sự bắt đầu. Cũng từ cuộc khảo sát tại buổi hội thảo, có 49% “đồng ý” rằng đầu tư thêm công nghệ sẽ giúp công ty nâng cao năng lực ứng biến để phát triển mạnh hơn; 17% nói họ “rất đồng ý”, nhưng cũng có tới 34% “không đồng ý”.

Có thể, từng doanh nghiệp có lý do và đặc điểm riêng trong vấn đề tiếp cận và ứng dụng công nghệ quản trị, nhưng trong góc nhìn của nhà lãnh đạo giàu trải nghiệm ứng dụng công nghệ quản trị tại công ty mẹ Searefico và 17 công ty con, ông Lê Tấn Phước nhận định: “Doanh nghiệp đang trong một cuộc chơi mà công nghệ nắm thế dẫn dắt. Việc nào cũng có mặt trái mặt phải, mặt tích cực mặt hạn chế của nó, nhưng công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình hiện thực hóa tầm nhìn, tăng tốc, bứt phá để chạm đích nhanh hơn”.

Như để hóa giải sự e dè của nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là các cán bộ thuộc bộ phận nhân sự, về việc tiếp cận các công nghệ quản trị, bà Lệ ở L&A cho biết các giải pháp quản trị nhân sự hiện nay khá liền lạc giữa quản trị con người với quản lý công việc. Công nghệ giúp ghi nhớ toàn bộ dữ liệu trong quá trình quản trị, ví dụ những sáng kiến, những sai sót và cả những tương tác, phản hồi xung quanh nó. Qua đó, nhà quản lý có thể đo lường, đánh giá, thưởng phạt một cách trực tiếp, tương xứng, thậm chí là tức thì. Những dữ liệu đó cũng được tích lũy trong hệ thống để có thể phục vụ một cách nhanh chóng, hợp lý và công bằng khi cần ra các quyết định về phúc lợi, khen thưởng. “Hiện có khá nhiều công cụ và giải pháp, thậm chí có những phần mềm miễn phí, không nhất thiết cứ phải đầu tư tốn kém. Chỉ cần biết ứng dụng khôn khéo, phù hợp thì công nghệ sẽ đem lại cho doanh nghiệp rất nhiều tiện ích cũng như lợi ích trong quản trị”, bà Lệ nói.

Còn theo ông Nguyễn Phước Toàn, Trưởng phòng Công nghệ thông tin của De Heus Vietnam & Campuchia, “đã qua cái thời mà nhà quản lý buộc nhân viên phải tới văn phòng, phải thấy mặt, phải trực tiếp trao đổi thì mới thấy là nhân viên đó có làm việc hay không”. Làm việc trực tuyến là xu hướng tất yếu và các phần mềm quản lý nhân sự phục vụ cho những nền tảng hỗ trợ công việc trực tuyến sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới. “Và để quản lý sự thực hiện (performance) các công việc (task) hàng ngày, để đo lường, đánh giá hiệu quả công việc (KPI)…, nhà quản lý sẽ buộc phải trông cậy và đặt niềm tin vào các bộ công cụ online để giải bài toán quản trị”, ông Toàn nói.

Như vậy, ứng dụng công nghệ vào vận hành doanh nghiệp và quản trị nhân sự gần như là xu thế bắt buộc, chỉ còn là vấn đề thời gian đối với những ai lưỡng lự hay vẫn chưa bắt đầu. Từ góc nhìn riêng, bà Đinh Kim Nhung chia sẻ: “Doanh nghiệp đừng bỏ lỡ cơ hội “trẻ hóa” chính mình mỗi ngày. Hãy mạnh dạn bắt đầu, càng sớm càng tốt”.


Tin tức liên quan

Bình luận