Lắng nghe cát hát
TTO - Nếu bạn còn nhớ trong tiểu thuyết Ngàn mặt trời rực rỡ của Khaled Hosseini, nhân vật Laila đã nằm mơ thấy người yêu, người mà cô không hay biết đã mất trên đường đi Pakistan tị nạn. Cô mơ họ nằm trên bãi biển nghe cát hát.
Lắng nghe cát hát
27/03/2022 09:35 GMT+7
TTO - Nếu bạn còn nhớ trong tiểu thuyết Ngàn mặt trời rực rỡ của Khaled Hosseini, nhân vật Laila đã nằm mơ thấy người yêu, người mà cô không hay biết đã mất trên đường đi Pakistan tị nạn. Cô mơ họ nằm trên bãi biển nghe cát hát.
- Lá thư âm nhạc: Từ tiếng nói ngọt ngào nhất đến Latin pop
- Lá thư âm nhạc: Sao hàn gắn nổi trái tim đã vỡ?
- Lá thư âm nhạc: Hát nhép & giấc mơ hoàn hảo
Arooj Aftab - nữ ca sĩ người Pakistan được đề cử Nghệ sĩ trẻ xuất sắc giải Grammy 2022 - Ảnh: bandcamp
Nhưng tiếng cát hát nghe thế nào? Câu trả lời bạn có lẽ sẽ tìm được khi nghe album Vulture Prince của Arooj Aftab, một nữ ca sĩ người Pakistan, người có mặt trong đề cử Nghệ sĩ trẻ xuất sắc, một trong bốn hạng mục quan trọng nhất của Grammy năm nay.
1. Ngày trao giải tuần tới (4-4, giờ VN), Aftab khó mà tạo được bất ngờ khi giải thưởng có lẽ đã cầm chắc về tay Olivia Rodrigo, nhưng sự có mặt của một người phụ nữ Pakistan gần 40 tuổi hát những vần thơ tiếng Urdu vẫn khiến ta xúc động.
Aftab từng nổi lên ở Pakistan nhờ một bản cover Hallelujah tối giản như tiếng một thiên thần triệu hồi linh hồn con người. Mất gần 20 năm để giọng hát đầy thiền tính ấy đến với người yêu nhạc trên thế giới.
Sinh ra ở Ả Rập, lớn lên ở Pakistan và trưởng thành ở Mỹ, Aftab làm ra thứ âm nhạc chứa đựng cả chất thần bí như adhan lời kêu gọi cầu nguyện của người Hồi giáo, có cả sự da diết như nhạc jazz của Billie Holiday, có cả nét thần thánh của thơ Rumi, có cả chất hiện đại của một nghệ sĩ New York.
Ta không cần phải hiểu lời ca để cảm nhận được trong những bài hát với những cái tên giản dị như Mohabbat (Tình yêu), Suroor (Niềm vui), Inayaat (Sự bảo vệ), có một thứ chân lý vượt lên sự khu biệt, bao dung và rộng rãi như tấm lòng Thượng đế.
00:07:42
Arooj Aftab - Mohabbat
2. Khi nói tới âm nhạc phương Đông, ta lập tức nghĩ ngay về Nhật Bản, thị trường âm nhạc lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ, hoặc Hàn Quốc - nơi sản sinh ra nhóm nhạc BTS vừa được Liên đoàn Công nghiệp ghi âm quốc tế IFPI xếp số 1 trong bảng xếp hạng nghệ sĩ ghi âm toàn cầu, nếu không thì cũng là Trung Quốc - xứ tỉ dân.
Nhưng phương Đông ấy chỉ là một phương Đông bị cắt gọt mà không xét đến Nam Á, Trung Đông hay châu Phi, những vùng "ngoại vi" của âm nhạc phương Đông.
Sự chênh lệch bất công đang dần thay đổi khi mà những đô thị âm nhạc lớn trên thế giới đã đạt đến sự phát triển ổn định và các hãng ghi âm - hệt như các nhà đầu tư bất động sản - bắt đầu tính đến "quy hoạch" dần khu vực âm nhạc ngoại vi.
Theo báo cáo của IFPI năm 2022, doanh thu âm nhạc vùng Trung Đông và Bắc Phi đã tăng 35%, mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Trong khi doanh thu từ streaming ở vùng Hạ Sahara tăng tới 56,4%. Các tập đoàn như Warner Music khẳng định rằng khoản đầu tư của họ vào những khu vực này không phải chuyện đùa.
Và tương lai, ta có thể thường xuyên được nghe cả hip hop Ai Cập, pop Nigeria, nhạc neo-Sufi hay những bài ghazal xứ Ả Rập.
Nền văn hóa dị lãm của những vùng đất ấy bỗng không còn xa lạ khi ta nghe, chẳng hạn, Love Nwantiti, bản hit từng đạt chứng nhận Đĩa vàng ở Mỹ của CKay và cảm nhận toàn bộ sự ung dung của một nghệ sĩ Nigeria hát bằng thứ tiếng Anh thuộc địa líu lo pha tiếng Igbo, hay nghe một bản jazz ballad của Arooj Aftab với tiếng đệm sitar của Anoushka Shankar (tình cờ là em gái cùng cha khác mẹ với Norah Jones), mỗi khi muốn tạo ra một không gian thiền tập.
3. Song nói theo cách khác, sự nổi lên của âm nhạc vùng ngoại vi phương Đông không hẳn là một sự xuất hiện mới, mà đúng hơn là một sự trở lại với lịch sử. Tựa album Vulture Prince của Aftab nghĩa là "hoàng tử kền kền".
Kền kền, giống chim vĩ đại ấy từng bị đẩy gần tới bờ vực tuyệt chủng ở Nam Á và Trung Đông, nhưng giờ đây chúng đang dần quay trở lại. Cũng như khu vực này của phương Đông đã từng có thời là trung tâm văn hóa - nghệ thuật thế giới, trước khi bị đẩy ra bên lề, bị phủ bóng bởi phương Tây trong suốt nhiều thế kỷ.
Nhưng một lần nữa, tựa loài kền kền, nó đang trỗi dậy. Và biết đâu, những cơn gió cát đang thổi lại, xứ nghìn lẻ một đêm của âm nhạc đang được kể ra? Và đây chỉ là những đêm đầu tiên, còn rất nhiều đêm nữa.
Có những nghệ sĩ mà tầm cỡ của họ phải ngang ngửa cỡ Whitney Houston nhưng chỉ vì đến từ một quốc gia không vị thế như Cộng hòa Benín (một quốc gia có lẽ ít ai biết có tồn tại trên đời), nên không bao giờ có được sự nổi tiếng đại chúng mà họ xứng đáng có, như danh ca Angélique Kidjo, bất chấp việc những Celine Dion hay Mariah Carey từ lâu đã bất lực trong việc sáng tạo, còn Kidjo ở tuổi 60 vẫn liên tục làm nên những album sáng lòa sức mạnh Tây Phi thuần khiết.
Xem thêm