Nếu thực sự quan tâm

29/11/2021 | 252 |

(KTSG) – Gần ba tuần kể từ ngày Việt Nam bước vào giai đoạn sống chung với Covid-19 và từng bước tái lập các hoạt động sản xuất kinh doanh, thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố trong bối cảnh dịch Covid-19”.

Lắng nghe để kịp thời có biện pháp giúp cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, tại thời điểm này, nếu lãnh đạo các địa phương thực sự quan tâm đến doanh nghiệp thì có lẽ không cần chờ họ lên tiếng cũng có thể biết các doanh nghiệp đang cần được tháo gỡ gì.

Tại buổi đối thoại nói trên, không bất ngờ khi những vấn đề nóng được doanh nghiệp nêu ra, cũng chính là gút mắc cần được tháo gỡ, chính là không áp dụng trở lại biện pháp 3 tại chỗ khi có dịch; nhanh chóng nối lại các dịch vụ vận tải đường bộ, hàng không để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và đi lại của người lao động; không hạn chế đi lại đối với người đã tiêm ít nhất một mũi vaccine; giới hạn yêu cầu xét nghiệm bắt buộc và kéo dài thời gian hiệu lực của giấy xét nghiệm…

Điều đáng nói là hầu hết những kiến nghị trên của doanh nghiệp lẽ ra không nên có, vì các yêu cầu đó đã được Chính phủ giải quyết hết trong Nghị quyết 128.

Việc cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục nêu ra các đề nghị, mà trên thực tế, đã được Chính phủ chấp thuận từ trước đó thông qua một nghị quyết cho thấy họ vẫn chưa thực sự tin rằng những quy định của Chính phủ sẽ được thực hiện thông suốt ở các địa phương. Thật vậy, gần hai tuần sau khi Nghị quyết 128 được ban hành, việc đi lại của người lao động vẫn gặp không ít cản trở bởi các chốt kiểm soát liên tỉnh; một số địa phương thì vẫn “kiên quyết” với “3 tại chỗ”; yêu cầu xét nghiệm ở nhiều địa phương vẫn là gánh nặng chưa được tháo gỡ…

Trong Nghị quyết 128, biện pháp “3 tại chỗ” đối với hoạt động sản xuất kinh doanh đã không còn nữa, ngay cả với cấp độ dịch cao nhất, mà thay vào đó là doanh nghiệp phải tự có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Vận tải hàng hóa liên tỉnh cũng không còn bị ngưng hoạt động, bất kể ở cấp độ dịch nào. Việc đi lại của người dân đến các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau, ngay cả ở cấp độ cao nhất thì cũng chỉ có hạn chế chứ không ngăn cấm, cụ thể là chỉ phải tuân thủ các điều kiện về tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế…

Dịch ở Việt Nam vẫn còn và nó sẽ tiếp tục hiện hữu trong thời gian khá dài nữa. Vì vậy, việc cộng đồng doanh nghiệp muốn có được sự bảo đảm chắc chắn, rằng khi dịch xuất hiện trở lại thì các địa phương sẽ không áp dụng các biện pháp phong tỏa ngặt nghèo như trong thời gian vừa qua là yêu cầu chính đáng. Thế nhưng, việc các nhà đầu tư vẫn cứ mang tâm trạng âu lo, cho dù Chính phủ đã đưa ra cam kết rất rõ ràng qua Nghị quyết 128, là tín hiệu đáng lo ngại khi mà Việt Nam đang cần huy động mọi nguồn lực để phục hồi nền kinh tế sau một quí giảm rất sâu. Vì một khi ngay cả cam kết của Chính phủ mà nhà đầu tư vẫn chưa tin tưởng thì còn mấy ai dám mạnh dạn bỏ vốn ra để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Từ lâu, tình trạng luật lệ, chính sách được ban hành từ trung ương nhưng không được thực thi một cách thông suốt ở cấp địa phương, hay nói nôm na là tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, đã là một vấn nạn của nền kinh tế Việt Nam. Và trong đại dịch, vấn nạn này còn nở rộ hơn bao giờ hết. Đây chính là vấn đề mà các cấp lãnh đạo cơ sở phải có trách nhiệm và chủ động giải quyết, chứ không chờ đến khi doanh nghiệp lên tiếng.

Việc các tỉnh, thành phố hàng năm tổ chức hội nghị đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là điều tốt. Nhưng trên hết, các lãnh đạo cấp cơ sở cần hiểu rằng khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp gặp phải phần lớn là từ thái độ “hành là chính” của những cán bộ gần doanh nghiệp và gần dân nhất.

Tất nhiên, luật pháp của Việt Nam vẫn còn nhiều khiếm khuyết, nhưng một khi nhà đầu tư nước ngoài đã quyết định đến Việt Nam, khi nhà đầu tư trong nước đã quyết định khởi sự kinh doanh, là họ đã phần nào chấp nhận được những khiếm khuyết đó. Và thực tế cũng cho thấy, các khiếm khuyết thường dễ được Chính phủ tiếp thu và chỉnh sửa. Chỉ có cách hành xử quan liêu và nhũng nhiễu của cán bộ công chức đối với doanh nghiệp và với người dân là khó thay đổi mà thôi.


Tin tức liên quan

Bình luận